Tham dự tọa đàm, các sinh viên được lắng nghe Chủ tịch Tổ chức Nhà vệ sinh thế giới Jack Sim cùng chuyên gia về môi trường trong và ngoài nước chia sẻ tình hình biến đổi khí hậu tại Việt Nam và thế giới, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu với cuộc sống con người; thực trạng ô nhiễm môi trường, phương hướng giải quyết; tình trạng suy thoái đa dạng sinh học tại Việt Nam đe dọa đến nhiều loài động, thực vật. Qua đó, các chuyên gia giới thiệu đến sinh viên giải pháp ngành Môi trường Việt Nam và quốc tế đang tích cực thực hiện, bao gồm chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu hóa thạch nhằm giảm lượng khí nhà kính thải ra ngoài môi trường; quản lý tốt việc thu gom và xử lý rác thải, giảm lượng rác thải ngoài môi trường; bảo vệ, khôi phục đa dạng sinh học; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường, tái chế rác, giảm rác thải nhựa…
Sinh viên còn được Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam thông tin về lợi ích của nhà vệ sinh công cộng mang lại cho cộng đồng và xã hội, tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng, nhà vệ sinh công cộng xuống cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh và trên cả nước.
Theo ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, vệ sinh là nhu cầu thiết yếu của con người. Tuy nhiên, nhà vệ sinh, đặc biệt nhà vệ sinh công cộng thường được xem là vấn đề nhạy cảm, ít được quan tâm. Điều này dẫn đến việc thiếu nhà vệ sinh công cộng hoặc nhiều nhà vệ sinh công cộng hư hỏng, không sử dụng được ngay tại khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Ngành Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng các đề án cải thiện chất lượng nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn theo hình thức đầu tư xã hội hóa, tạo thuận lợi cho người dân, khách du lịch dễ tìm kiếm và tiếp cận...
Ông Nguyễn Chí Thanh, chuyên gia môi trường (Đại học New South Wales, Australia) cho rằng, trong thời đại chuyển đổi số, kỹ thuật số, việc tăng cường, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và vệ sinh công cộng cần có sự tham gia của thế hệ trẻ - thế hệ được tiếp xúc với công nghệ, internet từ rất sớm. Học sinh, sinh viên cần được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, giáo dục về vấn đề môi trường do nhà trường tổ chức từ đó trở thành cầu nối chia sẻ thông tin, thay đổi hành vi, nhận thức người thân, gia đình bắt đầu bằng những vấn đề nhỏ nhất như tiết kiệm nước, tắt điện khi không sử dụng… Đoàn viên, thanh niên là lực lượng nòng cốt đồng hành cùng địa phương thực hiện hoạt động tình nguyện như: trồng cây tăng mảng xanh đô thị; dọn dẹp, thu gom rác tại khu vực bị ô nhiễm; tuyên truyền tái chế rác, bảo vệ môi trường ở khu dân cư…
Trước đó, Chủ tịch Tổ chức Nhà vệ sinh thế giới Jack Sim cùng Đoàn công tác đã tham quan hai nhà vệ sinh công cộng kiểu mẫu tại số 8, đường Nguyễn Trung Trực và Khu đất dự án Thương xá Tax tại 135 đường Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) do Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam đầu tư. Đây là mô hình nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn quốc tế ASEAN với các tính năng hiện đại như: cửa tự động đóng mở khi người sử dụng nhấn nút bên ngoài hoặc bên trong; camera quan sát bên ngoài cho người đang sử dụng; hệ thống thông gió, hút mùi, quạt tự động; hệ thống khử khuẩn tự động bằng tia UV; hệ thống rửa sàn nhà vệ sinh tự động; nút báo SOS khẩn cấp đặt ở vị trí thấp dùng trong trường hợp người bị tai nạn té ngã...
Đánh giá cao tình hình triển khai và chất lượng xây dựng các dự án nhà vệ sinh công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Jack Sim mong ngày càng có thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng hiện đại được lắp đặt trên địa bàn Thành phố phục vụ nhu cầu của người dân, du khách. Ông Jack Sim bày tỏ mong muốn được phối hợp với Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, Trung ương Đoàn, chính quyền tổ chức hội nghị với sự góp mặt của chuyên gia môi trường trên thế giới cùng tham gia đóng góp ý kiến về chính sách và pháp luật liên quan đến đầu tư nhà vệ sinh công cộng tại Việt Nam, đưa ra đề xuất cải tiến.