Tổng hợp 10 khám phá khoa học tiêu biểu năm 2015:
1. Tổ tiên loài người mới: Homo Nalendi
Vào tháng 9/2015, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Witwatersrand và tạp chí National Geographic đã công bố việc phát hiện tổ tiên mới của loài người ở Nam Phi có tên là Homo Naledi.
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra 1,500 mảnh xương của 15 cá thể thuộc nhiều lứa tuổi của chủng người Homo Naledi, có cấu trúc và vóc dáng cơ thể tương tự như loài người thân nhỏ.
2. Những tiến bộ trong công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR
Năm nay, các nhà khoa học đã tạo ra bước đột phá mới khi sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết đã chỉnh sửa thành công được bộ gen người khi mà bộ gen đó vẫn đang trong phôi thai, điều này làm chấn động giới khoa học trên thế giới.
Bên cạnh đó, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Harvard tuyên bố đã sao chép thành công vật liệu di truyền từ xác của một con voi ma mút lông xoăn và cấy ghép vào bộ gen của một con voi châu Á. Thành công bước đầu này là một tia hi vọng cho nỗ lực hồi sinh các động vật tuyệt chủng từ xa xưa.
Ngoài ra, ở những nơi khác các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ này để biến đổi gen lợn lấy nội tạng để cấy ghép vào cơ thể người và biến đổi gen muỗi để chống bệnh sốt rét.
3. Hàng trăm loài mới được phát hiện
Trong năm 2015, Quỹ Quốc tế bảo vệ Thiên nhiên (WWF) công bố một báo cáo tiến hành từ năm 2009 cho biết đã phát hiện ra 221 loài mới tại khu vực phía đông Himalaya, trong đó có 133 loài thực vật, 39 loài động vật không xương sống, 26 loài cá, 10 loài lưỡng cư và 1 loài bò sát, 1 loài chim và 1 loài động vật có vú.
4. Xuất hiện nước trên Sao Hỏa
Hồi tháng 9, việc phát hiện có nước bề mặt chảy vào mùa nóng ở Sao Hỏa đã làm dấy lên hi vọng cho con người về sự sống trên Hành tinh Đỏ.
Các nhà khoa học còn phát hiện thêm sự hiện diện của các chất có chứa phân tử nước xen kẽ trong cấu trúc tinh thể của chúng.
5. Phát hiện ung thư nhờ xét nghiệm máu
Các nhà nghiên cứu ở Thụy Điển vừa phát triển công nghệ xét nghiệm máu có thể phát hiện sớm ung thư giai đoạn đầu. Nó sẽ cho kết quả chính xác lên tới 96%. Thông qua thử nhiệm RNA tiểu cầu của máu ngoại vi, các nhà khoa học sẽ phát hiện, phân loại và xác định vị trí ung thư trong cơ thể chỉ qua phân tích một giọt máu.
6. Chế tạo thành công loại kháng sinh mới đầu tiên trong 30 năm qua
Đầu năm nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại khác sinh mới, lần đầu tiên trong vòng 30 năm qua, có thể mở đường cho một thế hệ thuốc kháng sinh mới và hạn chế các tác nhân kháng thuốc phát triển. Loại kháng sinh này, teixobactin, có thể điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn phổ biến như bệnh lao, nhiễm trùng huyết và có thể sẽ được sử dụng trong vòng 5 năm tới.
7. Bản đồ “biểu hiện gen” – một mã di truyền thứ hai
Hồi tháng 2, một nhóm những nhà di truyền học ở nhiều nơi tại Mỹ đã hoàn tất xây dựng một bản đồ biểu hiện gen người toàn diện nhất sau gần một thập kỷ nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu có thể lập được bản đồ của hơn 100 loại tế bào của con người, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu sự liên kết phức tạp giữa ADN và các bệnh của con người.
8. Hệ sao sáng nhất trong dải Ngân hà
Năm nay, một trong những kính thiên văn mạnh nhất của NASA đã tìm thấy một hệ sao sáng nhất từ trước tới giờ. Hệ sao này bức xạ ra một lượng ánh sáng tương đương với 300 nghìn tỷ Mặt trời. Các nhà nghiên cứu tin rằng có thể có một hố đen siêu lớn tồn tại ở phía sau ánh sáng bất thường của hệ sao này.
9. Kính áp tròng phỏng sinh học kiểu mới
Sau 8 năm nghiên cứu và phát triển, Tập đoàn Công nghệ Ocumentic hồi tháng 5 đã hứa hẹn về một cuộc phẫu thuật chỉ vỏn vẹn trong 8 phút để cấy mắt kính phỏng sinh học vào mắt của bệnh nhân. Loại kính này giúp nâng cao thị lực gấp 3 lần so với mức thị lực tiêu chuẩn 20/20.
10. Biến các tế bào bạch cầu thành tế bào miễn dịch
Trong tháng 3, các nhà khoa học Đại học Stanford đã công bố một phương pháp mới giúp biến đổi các tế bào bạch cầu ác tính thành tế bào miễn dịch vô hại, được gọi là đại thực bào. Phát hiện này là tiền đề cho việc biến đổi tế bào ung thư của con người thành các đại thực bào và những đại thực bào này sẽ tiêu diệt các tế bào ung thư và các tác nhân gây bệnh.
Danh Tuyên (theo UPI)