10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2018

(Ngày Nay) - Thế giới trong năm 2018 vừa qua đã "chao đảo" trước cuộc đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc, Nga và Iran, trong khi đó tình hình tại bán đảo Triều Tiên đã có những biến chuyển tích cực và nổi lên là các phong trào xã hội như #MeToo hay làn sóng biểu tình tại Pháp,...
Cuộc đối đầu Mỹ-Trung thu hút sự chú ý của cả thế giới trong năm 2018. Ảnh: UK Express
Cuộc đối đầu Mỹ-Trung thu hút sự chú ý của cả thế giới trong năm 2018. Ảnh: UK Express

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Vào tháng 3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng khoản thuế  50 tỷ USD cho khối hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ ( trị giá 250 tỷ USD). 

“Khi mọi người hoặc các quốc gia đến cướp bóc sự thịnh vượng của quốc gia chúng ta, tôi muốn họ trả tiền cho đặc quyền làm việc đó. Nó sẽ luôn là cách tốt nhất để phát huy tối đa sức mạnh kinh tế của chúng ta. Chúng ta hiện đang nhận hàng tỷ USD từ thuế”, ông Trump tuyên bố.

Phía Bắc Kinh sau đó cũng tung ra đòn đáp trả và một số lời chỉ trích nhắm vào chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Washington, tuy nhiên có thể nhận thấy Trung Quốc đang dần trở nên bất lợi và chịu những tác động tiêu cực trong cuộc đối đầu này. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ đạt  mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009. Tháng 12 năm nay cũng là dịp kỷ niệm 40 năm công cuộc “Cải cách và Mở cửa” của quốc gia “tỷ dân” này, tuy nhiên các dấu hiệu tiêu cực về nền kinh tế cùng với căng thẳng gia tăng trong vụ bắt giữ CFO của Huawei – bà Mạnh Vãn Chu, đã khiến cho thỏa thuận “đình chiến 90 ngày” của lãnh đạo hai nước tại hội nghị G20 dường như trở nên vô nghĩa.

Tín hiệu tích cực từ Triều Tiên

Năm 2018 cũng chứng kiến những dấu hiệu tích cực tại khu vực Đông Bắc Á, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên có những động thái “hạ nhiệt” trong quan hệ với Hàn Quốc và Mỹ.

Liên tiếp từ tháng 4 cho đến tháng 9, ông Kim Jong-un đã tham dự các cuộc hội nghị thượng đỉnh liên Triều, đặc biệt là vào tháng 6, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đã chính thức diễn ra, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử một nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp mặt một Tổng thống Mỹ. Trong các cuộc gặp mặt lịch sử này, ông Kim đã cho thấy thiện chí của mình bằng cách chấp thuận từ bỏ một phần chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và cam kết phi hạt nhân hóa để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ phía Mỹ và Hàn Quốc, cùng với đó là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm tạo đà cải cách nền kinh tế Triều Tiên.

10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2018 ảnh 1

Cái bắt tay lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Ảnh: IPD

Sau hàng loạt các lời đe dọa và các động thái căng thẳng trong năm 2017, những cuộc gặp mặt cấp cao của giới lãnh đạo Mỹ-Hàn-Triều đã giúp cho khu vực Đông Bắc Á không còn là “điểm nóng xung đột” của thế giới. Một khi những mối nghi ngại về an ninh được xóa bỏ, thì kỷ nguyên hợp tác giữa hai miền Triều Tiên sẽ sớm trở thành hiện thực trong năm 2019.

Phong trào #MeToo trở thành hiện tượng toàn cầu

Xuất hiện vào năm ngoái ở Mỹ, sau những cáo buộc lạm dụng tình dục đối với nhà sản xuất phim nổi tiếng Harvey Weinstein. Năm 2018, phong trào lan ra toàn cầu khi hàng triệu người đã đứng lên chia sẻ câu chuyện của mình.

Các phiên bản của #MeToo đã trở nên rất phổ biến trên mạng xã hội, ở Italia phong trào được dịch thành #QuellaVoltaChe, ở Tây Ban Nha là #YoTambien, ở Pháp  #BalanceTonPorc . Theo phân tích từ Google, cụm từ #MeToo và các biến thể của nó nằm trong top từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên toàn thế giới.

Đặc biệt, Giải thưởng Nobel Hòa bình 2018 đã được trao cho bác sĩ người Congo, Denis Mukwege và Nadia Murad – nữ nô lệ tình dục sống sót trong hang ổ của tổ chức khủng bố IS, “cho những nỗ lực của họ trong việc chấm dứt hành vi bạo lực tình dục”.

Phong trào #MeToo đã đạt được những thành công nhất định tại các quốc gia và khu vực khác nhau. Tuy nhiên, câu hỏi hiện nay là liệu phong trào #MeToo sẽ tạo ra hiệu quả lâu dài hay sẽ chìm dần vào quên lãng như một số phong trào xã hội khác. Để điều đó xảy ra, chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức và quan trọng nhất, mọi người sẽ cần phải thay đổi nhận thức của mình về nạn lạm dụng tình dục.

Câu chuyện Brexit vẫn chưa có hồi kết

Suốt năm qua, nữ Thủ tướng Anh Theresa May trở thành tâm điểm chỉ trích của chính giới Anh và các quan chức EU khi bà không thể dàn xếp ổn thỏa các  thỏa thuận rời Liên minh châu Âu của Vương quốc Anh.  Mùa hè năm 2018 chứng kiến biến động lớn trong nội các Anh, khi lần lượt Ngoại trưởng Boris Johnson và Bộ trưởng Brexit David Davis đồng loạt tuyên bố từ chức – động thái nhằm phản đối các điều khoản trong bản kế hoạch của Thủ tướng May. Thủ tướng May cũng đáp trả rằng một số thành viên trong Quốc hội đang tìm cách phá hỏng Brexit, đồng thời nói rõ bà không nghĩ rằng một cuộc trưng cầu ý dân khác về Brexit là đúng đắn.

Cho đến tận tháng 12, bản kế hoạch Brexit của bà May vẫn chưa được Quốc hội thông qua (theo kế hoạch là vào ngày 11/12) mặc cho thời hạn nước Anh rời khỏi EU là vào ngày 29/3. Không chỉ vậy, Thủ tướng Anh còn phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong nội bộ Đảng Bảo Thủ của mình, tuy nhiên bà May đã “sống sót” và phải tìm đường đàm phán với các lãnh đạo EU nhằm đưa ra một bản thỏa thuận hợp lý nhất.

Phía châu Âu vẫn nhất quyết đưa ra quan điểm về việc sẽ không có thêm một điều khoản nào được thêm vào bản kế hoạch, nếu không có gì thay đổi trong đầu năm tới, rất có thể nước Anh sẽ rời EU mà không có bất cứ một thỏa thuận nào – viễn cảnh mà chính quyền bà May xem như “cơn ác mộng”.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Trung Mỹ và Yemen

Cuộc nội chiến ở Yemen giữa phe chính phủ và phiến quân Houthi đã bước sang năm thứ tư và là tác nhân gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất trên thế giới hiện nay.

Có đến mười 14.000 người Yemen đã chết trong các trận giao tranh và hơn 50.000 người đã chết vì nạn đói do chiến tranh gây ra. Những bức ảnh kinh hoàng của những đứa trẻ Yemen hốc hác vẫn chưa đủ sức thuyết phục được hai bên đặt vũ khí xuống.

10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2018 ảnh 2

Lực lượng biên phòng Mỹ đã phải sử dụng hơi cay để trấn áp đám đông có ý định đột nhập trái phép. Ảnh: Reuters

Còn tại Trung Mỹ, tháng 10 vừa qua chứng kiến làn sóng di dân rất lớn tới các nước như Mexico và Mỹ, những đoàn đi dân hàng nghìn người đi bộ tới biên giới Mỹ-Mexico với hy vọng có thể xin được tị nạn tại những “miền đất hứa”, do bối cảnh chính trị, xã hội ở quê nhà hiện lâm vào khủng hoảng  đã không cho phép họ sinh sống như trước.

Hiện đã có tổng cộng hơn 8.600 người tị nạn tới từ Trung Mỹ đang trú ẩn tại thành phố Tijuana của Mexico, động thái này đã gây ra những sự xáo trộn lớn cho cuộc sống của những người dân địa phương. Sau các cuộc đụng độ với cảnh sát Mexico hoặc thậm chí là lực lượng biên phòng Mỹ, đoàn người tị nạn hiện vẫn còn đang mắc kẹt trong các trung tâm trú ẩn ở Mexico với điều kiện sinh hoạt tạm bợ cùng với đó là một “Giấc mơ Mỹ” hết sức mông lung trước mắt.

Mỹ tuyên bố rút khỏi các JCPOA và INF

Khi thông báo hôm 8/5 rằng Mỹ sẽ rút khỏi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) và tái áp đặt các lệnh cấm vận kinh tế với Iran cũng như những công ty làm ăn với quốc gia này, ông Trump đang cho thấy mong muốn tái đàm phán song phương các thỏa thuận của chính quyền Obama, mặc cho các lời chỉ trích của đồng minh phương Tây và Iran.

Bằng cách xé bỏ thỏa thuận hạt nhân này, Mỹ muốn đặt lại chiếc “vòng kim cô” cấm vận, nhằm xiết chặt nền kinh tế Iran trước sự lo ngại của các đồng minh lâu năm là Arab Saudi và Israel về sự trỗi dậy của Iran trong khu vực.

Chưa hết bất ngờ, vào ngày 20/10, ông Trump tiếp tục tuyên bố sẽ rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết vào năm 1987 với Nga và cáo buộc nước này đã “vi phạm thỏa thuận trong nhiều năm qua”. Điều này khiến phương Tây và Nga dấy lên quan ngại về một cuộc chạy đua vũ trang tiếp theo sắp sửa nổ ra.

“Chúng tôi sẽ không để họ vi phạm thỏa thuận hạt nhân, vượt rào và chế tạo vũ khí trong khi chúng tôi không được phép”, ông Donald Trump nói.

Lý giải cho quyết định này, học giả Trung Quốc Yang Danzhi từ Trung tâm Nghiên cứu về an ninh khu vực thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, Mỹ đã xác định Nga và Trung Quốc là các đối thủ chiến lược lớn của nước này: “Xuất phát từ những mâu thuẫn về kinh tế và an ninh, Mỹ đang xem Trung Quốc là địch thủ. Bằng cách sử dụng thông điệp chống Trung Quốc làm cái cớ, Mỹ đang cố gắng từ bỏ tất cả các giới hạn liên quan đến việc kiểm soát an ninh và cuộc chạy đua vũ trang”.

Một năm tang thương đối với Indonesia

Vào ngày 28/9 năm 2018, một trận động đất xảy ra ở phần eo của bán đảo Minahassa, Indonesia, với chấn tâm của nó ở huyện miền núi Donggala,  tỉnh Trung Sulawesi, trận động đất nằm cách tỉnh lỵ Palu 77 km (48 dặm). Ngay sau đó, một cơn sóng thần cục bộ sau đó tấn công Palu, cuốn đi các ngôi nhà và tòa nhà ven biển nằm trên đường đi của nó, giết chết ít nhất 1203 và làm bị thương 540 người, hơn 100 người vẫn còn mất tích.

Sau thảm họa kép động đất và sóng thần, người dân Indonesia tiếp tục trải qua nỗi đau khi chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu JT 610 của hãng hàng không Lion Air đã rơi xuống biển Java chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ thủ đô   Jakarta để tới Pangkal Pinang vào sang 29/10. Toàn bộ 189 người trên máy bay (181 hành khách  cùng 8 phi hành đoàn) đều đã được thông báo thiệt mạng sau vụ tai nạn.

10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2018 ảnh 3

Người dân Indonesia liên tiếp phải hứng chịu các thảm họa thiên nhiên trong năm 2018. Ảnh: The New York Times.

Tới những ngày cuối năm, Indonesia tiếp tục phải hứng chịu tổn thất sau khi một cơn sóng thần quét qua bãi biển các đảo Java và Sumatra hôm 22/12. Thống kế tới ngày 26/12 cho thấy đã có 429 người thiệt mạng, với 1.485 người bị thương và 154 người khác vẫn mất tích.

Mỹ rút quân khỏi Syria và Afghanistan

Vào dịp Giáng sinh vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột đưa ra quyết định rút toàn bộ lực lượng quân đội Mỹ (2000 binh sĩ) đang đồn trú tại Syria và dự kiến tiếp tục rút 7000 quân khỏi Afghanistan, sau khi tuyên bố Mỹ đã chiến thắng tổ chức khủng bố IS. Động thái này đã gây ra sóng gió trên chính trường Mỹ, khi ngay sau đó Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tuyên bố chính thức nghỉ hưu do “bất đồng quan điểm với Tổng thống Trump” và điều này sẽ cho thấy sự “bỏ mặc” của Mỹ đối với các đồng minh trong khu vực.

Ngay sau khi lá thư từ chức của ông Mattis xuất hiện “rầm rộ” trên truyền thông, Tổng thống Trump đã tỏ ra rất giận dữ và tuyên bố bổ nhiệm Thứ tưởng Patrick Shanahan sẽ trở thành quyền Bộ trưởng bắt đầu từ ngày 1/1 năm 2019, qua đó chính thức sa thải Bộ trưởng Mattis sớm hơn 2 tháng so với dự định ban đầu.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ

Tháng 11 năm 2018 chứng kiến một cuộc chạy đua cho các vị trí trong hệ thống lưỡng viện của Mỹ, với 35/100 ghế tại Thượng viện và toàn bộ 435 ghế ở Hạ viện sẽ được bầu lại. Kết thúc chiến dịch, đảng Cộng hòa vẫn cho thấy sự vượt trội khi thành công trong việc kiểm soát Thượng viện còn đảng Dân chủ giành lại Hạ viện sau 8 năm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhìn nhận kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ là một thành công qua dòng thông báo ngắn gọn: “Chiến thắng kỳ vĩ vào tối nay. Cảm ơn tất cả".

10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2018 ảnh 4

Tổng thống Trump vẫn hết sức lạc quan sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Ảnh: New York Post 

Với việc mỗi đảng kiểm soát một viện, điều này sẽ phân chia các cơ quan lập pháp của Mỹ và gây cản trở cho việc thực thi chính sách của Tổng thống Donald Trump trong hai năm tới. Tuy vậy, điều này sẽ không có quá nhiều ảnh hưởng tới tham vọng chinh phục cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2020, khi mức độ ủng hộ của ông Trump tại Thượng viện và các bang quan trọng đã được củng cố sau cuộc bầu cử.

Phong trào biểu tình “Áo vàng”

Bắt đầu nổ ra vào ngày 17/11 tại một số vùng nông thôn Pháp rồi lan nhanh tới các vùng đô thị, người dân Pháp đã đổ ra các đường và mặc chiếc áo phản quang màu vàng – thứ mà mỗi tài xế bắt buộc phải có ở trên xe, để phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu của chính quyền Tổng thống Macron sẽ có hiệu lực vào năm 2019.

Tình trạng bất ổn kéo dài do các cuộc đụng độ giữa phe áo vàng và cảnh sát đã khiến tổng cộng 1.843 thường dân và 1.048 nhân viên thực thi pháp luật đã bị thương, trong đó có 3 người thiệt mạng.

10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2018 ảnh 5

Tình trạng bất ổn kéo dài khiến tình hình nước Pháp vào cuối năm 2018 trở nên hết sức căng thẳng. Ảnh: The Daily Star

Tình trạng bạo lực và bất ổn diễn ra liên tiếp tại nước Pháp vào các dịp cuối tuần khiến nước này thiệt hại hàng triệu USD, chính phủ Pháp sau đó đã có những động thái “nhân nhượng” với người biểu tình như tăng lương cơ bản, cắt bỏ chính sách thuế nhiên liệu,…thế nhưng vẫn chưa có dấu hiệu các cuộc biểu tình sẽ chấm dứt.

Đáng chú ý, người dân tại các nước lân cận như Bỉ, Hà Lan, hoặc chí là ở Canada hay Đài Loan cũng đổ ra đường biểu tình với biểu tượng là chiếc áo vàng, để phản đối các chính sách tăng thuế của chính phủ, tuy nhiên chỉ ở Pháp, phong trào “áo vàng” mới thực sự nhuốm màu bạo lực.

Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.