Vốn ổn định cho bất động sản
Theo thống kê tại TPHCM và Hà Nội, chỉ trong tháng 1/2017, có 2.700 giao dịch thành công và đến tháng 11/2017 lại tăng thêm 3.000 giao dịch thành công (tuy có giảm so với 2016). Có số liệu như vậy là vì trước kia có các giao dịch đầu cơ nhiều hơn, hiện tại tăng giao dịch tiêu dùng.
Bên cạnh đó, đã có những thay đổi về chính sách giúp thị trường BĐS Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Từ khi có Luật Nhà ở 2014 đến nay đã có 2.000 nhà đầu tư, người nước ngoài được cấp sổ đỏ và số lượng người nước ngoài đang tìm mua BĐS tăng. Năm 2017 cũng chứng kiến dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào BĐS thông qua kênh M&A (mua bán và sáp nhập) tăng. Nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này cũng đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 7,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Vốn FDI của nhà đầu tư nước ngoài và kiều hối đổ vào BĐS đã, đang và sẽ tăng cùng với sự thông thoáng của môi trường đầu tư. “Trong năm 2018, các yếu tố vĩ mô ổn định, các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư thông thoáng hơn, sẽ kích thích dòng vốn FDI tăng mạnh. Dự báo trong vòng 5 năm tới, kinh doanh BĐS sẽ tiếp tục thu hút trên dưới 3 tỷ USD vốn FDI mỗi năm”, TS Vũ Đình Ánh dự báo.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV dự báo, ngay cả vấn đề vốn cho BĐS cũng rất tích cực. Mặc dù, bị ngân hàng kiểm soát nhưng giảm không nhiều, trong khi đó dòng vốn đầu tư khác vào BĐS rất ấn tượng. Vốn của tư nhân đổ vào BĐS tăng 60%. Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay đầu tư vào kinh doanh BĐS của Việt Nam đến 31/10/2017 là khoảng 400.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng kinh doanh BĐS và xây dựng chiếm khoảng 15,5% tổng dư nợ (theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia). “Thị trường BĐS năm 2018 có lẽ vẫn tiếp tục đà khả quan”, TS Cấn Văn Lực nhận định.
Phân khúc có nhu cầu cao
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), 2018 thị trường BĐS sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị. Đó cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp đang hạ giá bán căn hộ cao cấp.
Ông Châu cũng đưa dự báo cho thấy trong giai đoạn 2018 - 2020, thị trường BĐS tiếp tục có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, giúp thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn. TPHCM đang tập trung phát triển hệ thống hạ tầng đô thị mới, trước hết là đường, cầu cạn trên cao, các tuyến metro, đường sắt trên cao, xe buýt chất lượng cao, buýt đường sông, nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp “ăn theo” để đầu tư, phát triển thị trường BĐS cả trong trung hạn và dài hạn.
Còn ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, thị trường muốn tiếp tục duy trì được mức giao dịch ổn định, thời gian tới, các dự án đầu tư cần tiếp tục triển khai theo hướng quan tâm đến nhà thương mại giá rẻ, là phân khúc đang có nhu cầu cao và thanh khoản tốt.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, điểm sáng đầu tiên trên thị trường là tồn kho BĐS đang giảm. Tính đến 20/11/2017, tồn kho BĐS còn khoảng 25.700 tỷ đồng, giảm 5.300 tỷ đồng so với tháng 12/2016. Điều đó chứng tỏ thị trường ngày càng phát triển bền vững và ổn định hơn.