Đối thủ của ông Biden là một đương kim Tổng thống khó đoán, có thể hành động bất chấp tiền lệ. Nhưng trong lần thứ ba chạy đua vào Nhà Trắng, Joe Biden đã vượt qua những trở ngại chính trị và giành chiến thắng áp đảo.
Dưới đây sẽ là những lý do giúp ông Biden, người sinh trưởng trong gia đình của một nhân viên bán xe hơi tại bang Delaware, vươn lên trở thành ông chủ quyền lực của Nhà Trắng.
Đại dịch COVID-19
Có lẽ lý do lớn nhất khiến ông Biden đắc cử Tổng thống lại là thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của ông, cũng như đối thủ Donald Trump.
Không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 230.000 người Mỹ, COVID-19 cũng đã làm thay đổi đời sống xã hội và chính trị Mỹ trong năm 2020. Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tổng tuyển cử, chính Tổng thống Donald Trump cũng phải thừa nhận tác động của đại dịch tới cục diện cuộc bầu cử.
"Đối với tin tức giả mạo, mọi thứ đều là Covid, Covid, Covid, Covid", ông Trump phát biểu vào tuần trước ở bang Wisconsin, nơi mà ứng viên Joe Biden đã bất ngờ giành chiến thắng.
Tuy nhiên, việc truyền thông tập trung vào COVID-19 là để phản ánh chứ không phải tạo ra tâm lý lo lắng cho công chúng về đại dịch, chính quyền Trump đã mất điểm trong mắt cử tri khi không thể dập tắt đại dịch.
Một cuộc thăm dò vào tháng trước của trung tâm nghiên cứu chính trị Pew Research, cho thấy Joe Biden dẫn trước Donald Trump 17 điểm về mức độ tín nhiệm trong cách xử lý dịch bệnh.
Đại dịch và suy thoái kinh tế đã đánh bật Trump khỏi thông điệp tranh cử ưa thích của ông về tăng trưởng và thịnh vượng. COVID-19 cũng nêu bật nỗi bất an của người dân Mỹ sống dưới thời Tổng thống Trump, nhất là khi Tổng thống của họ liên tục đi ngược lại tư vấn của các chuyên gia y tế, ban hành các chính sách gây tranh cãi và tỏ ra phân biệt đảng phái.
Theo thống kê của công ty Gallup, đại dịch là gánh nặng hàng đầu của đội ngũ tranh cử của Tổng thống Donald Trump trong việc lấy lòng cử tri và điểm yếu này đã được phía ông Biden khai thác triệt để.
Khắc phục điểm yếu
Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, Joe Biden thường bị coi là một kẻ hớ hênh khi phát biểu thiếu cẩn trọng trước công chúng. Những sai lầm khó bỏ này đã làm trật bánh chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên của ông vào năm 1987, và sau đó là chiến dịch năm 2007.
Trong cuộc chạy đua thứ ba, ông Biden vẫn có những vấp váp trong lời nói, nhưng chúng không thường xuyên đến mức trở thành một điểm yếu để đối thủ đánh vào.
Tuy nhiên, lần này công chúng lại chỉ bận tâm vào những phát ngôn gây sốc của đối thủ Donald Trump, cũng như những vấn đề lớn hơn mà cả hai cùng tranh luận: đại dịch COVID-19, các cuộc biểu tình Black Lives Matter và suy thoái kinh tế.
Một điểm cộng nữa là đội ngũ tranh cử của Biden đã tỏ ra khôn ngoan hơn khi biết tiết chế các cuộc tiếp xúc với cử tri, điều này giúp cho ứng viên của đảng Dân chủ luôn giữ được sức khỏe và sự tỉnh táo tốt nhất khi tranh luận trước công chúng. Và nếu không có đại dịch, chưa chắc phương pháp này đã được cử tri ủng hộ.
Đội ngũ của Biden đã tận dụng tốt tình hình và "nhường sóng" để Trump đăng đàn và do đó dẫn đến không ít lỗi "vạ miệng" khiến truyền thông soi mói và đưa ra các phản biện hoặc đính chính.
Tâm lý bài Trump
Một tuần trước ngày bầu cử, chiến dịch Biden đã công bố đoạn quảng cáo truyền hình cuối cùng của mình với một thông điệp tương tự như thông điệp được đưa ra trong lần khởi động chiến dịch của ông năm ngoái và bài phát biểu nhận đề cử của ông vào tháng 8.
Theo ông Biden, cuộc bầu cử là một "trận chiến giành lấy linh hồn của nước Mỹ" và là cơ hội để người dân quốc gia hàn gắn sự chia rẽ và hỗn loạn trong 4 năm qua.
Tuy nhiên, bên dưới khẩu hiệu đó là một phép tính đơn giản. Biden đã đánh cược vận may chính trị của mình với luận điểm rằng Tổng thống Trump quá phân cực và thường xuyên kích động đám đông, và những gì người dân Mỹ muốn lúc này là một nhà lãnh đạo điềm tĩnh hơn, ổn định hơn.
Thierry Adams, một cử tri gốc Pháp sau 18 năm sống ở Florida đã bỏ phiếu đầu tiên trong cuộc bầu cử tổng thống ở Miami vào tuần trước cho biết: “Tôi kiệt sức vì thái độ của Trump với tư cách là một con người."
Đảng Dân chủ đã thành công trong việc biến cuộc bầu cử này trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về Trump, chứ không phải là một lựa chọn giữa hai ứng cử viên.
Thông điệp chiến thắng của Biden chỉ đơn giản là ông "không phải Trump". Một phản ứng chung từ các đảng viên Dân chủ là chiến thắng ở Biden có nghĩa là người Mỹ có thể thức dậy mà không bận tâm Tổng thống lại có những phát biểu gây chia rẽ.
Chiến lược trung dung
Trong chiến dịch tranh cử để trở thành ứng cử viên đảng Dân chủ, ông Biden đã gặp không ít khó khăn trước các đối thủ dày dạn kinh nghiệm là Bernie Sanders và Elizabeth Warren, những người theo đường lối cánh tả, có nguồn tài trợ ổn định và thu hút được đám đông ủng hộ.
Bất chấp áp lực từ phe tự do của mình, Biden vẫn mắc kẹt với chiến lược trung dung, từ chối hỗ trợ chăm sóc sức khỏe toàn dân do chính phủ điều hành, giáo dục đại học miễn phí hoặc đánh thuế tài sản. Điều này cho phép ông tối đa hóa sự hấp dẫn của mình đối với những người ôn hòa và bất mãn đảng Cộng hòa trong chiến dịch tổng tuyển cử.
Chiến lược này được phản ánh trong việc Biden chọn Kamala Harris làm phó tướng thay vì chọn một người có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phe cánh tả trong đảng Dân chủ.
Một điểm cộng của Biden đó là ông tập trung vào vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, chủ đề luôn gây thiện cảm với các cử tri trẻ tuổi.
"Không có gì bí mật khi chúng tôi đã chỉ trích các kế hoạch và cam kết của Phó Tổng thống Biden trong quá khứ", Varshini Prakash, đồng sáng lập của nhóm hoạt động môi trường Phong trào Mặt trời mọc cho biết vào tháng Bảy. "Ông ấy đã đáp lại nhiều lời chỉ trích đó: tăng đáng kể quy mô và mức độ khẩn cấp của các khoản đầu tư, cung cấp thông tin về cách ông ấy bảo vệ môi trường và tạo công ăn việc làm tốt cho công đoàn, và cho thấy những hành động ngay lập tức."
Nhiều tiền hơn, ít vấn đề hơn
Đầu năm nay, ngân quỹ tranh cử của Biden đã cạn kiệt. Trong khi Tổng thống Trump đã dành gần như toàn bộ nhiệm kỳ tổng thống của mình để tích lũy một kho chiến dịch tranh cử lên tới 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, từ tháng 4 trở đi, chiến dịch Biden đã tự biến mình thành một công ty gây quỹ và đã kết thúc với vị thế tài chính mạnh hơn nhiều so với đối thủ của ông, một phần là tận dụng các sai lầm của ông Trump.
Vào đầu tháng 10, chiến dịch Biden có số tiền mặt nhiều hơn 144 triệu USD so với đối thủ, cho phép họ liên tục "nhồi" các video quảng cáo lên sóng truyền hình tại các bang chiến trường.
Tất nhiên, tiền không phải là tất cả. Bốn năm trước, chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton có hầu bao rủng rỉnh hơn chính ông Donald Trump.
Nhưng vào năm 2020, khi chiến dịch tranh cử trực tiếp bị hạn chế bởi đại dịch và người Mỹ trên khắp đất nước dành nhiều thời gian hơn để xem ti vi, lợi thế tiền mặt của Biden cho phép ông tiếp cận cử tri và đưa thông điệp của mình cho đến phút cuối cùng.
Quảng cáo cho phép Biden mở rộng bản đồ bầu cử, đưa tiền vào những nơi được xem là thành trì của đảng Cộng hòa như Texas, Georgia, Ohio và Iowa. Hầu hết những vụ đặt cược đó đều không thành công, nhưng Biden đã đẩy Trump vào thế phòng thủ, sau đó xuất sắc lật đổ đối thủ Cộng hòa tại bang Arizona và dẫn trước tại bang Georgia.
Tiền mang lại cho Biden các lựa chọn và sáng kiến chiến dịch và ứng viên đảng Dân chủ đã tận dụng tốt lợi thế của mình để từ đó nếm quả ngọt là chiếc ghế trong phòng Bầu dục.