Hải chiến Jutland
Khi xảy ra Thế chiến I, Đức tập trung mọi tàu chiến vào hạm đội High Seas do Đô đốc Reinhard Scheer chỉ huy. Trong khi đó, hạm đội Grand của Anh do Đô đốc John Jellicoe làm tư lệnh.
Tuần dương hạng nặng HMS Invincible bốc cháy dữ dội sau khi trúng đạn pháo từ tàu chiến Đức. Ảnh: Wikipedia |
Theo National Interest, tháng 5/1916, 2 vị chỉ huy hạm đội lên kế hoạch gài bẫy lẫn nhau với mong muốn tiêu diệt đối phương. Kế hoạch của Đức là dàn dựng một kế hoạch tấn công vào biển Bắc nhằm thu hút hạm đội tàu chiến Anh sau đó sẽ sử dụng các tàu ngầm để tiêu diệt. Trong khi đó, hạm đội Anh với sức mạnh áp đảo cũng muốn nhân cơ hội tiêu diệt sức mạnh tác chiến của Hải quân Đức. Cả 2 dồn mọi quyết tâm vào trận hải chiến Jutland, gần Đan Mạch.
Sự xuất hiện của toàn bộ hạm đội Grand khiến Hải quân Đức rơi vào tình huống nguy hiểm mang tính sống còn. Phía Anh có đến 28 thiết giáp hạm, 9 tuần dương hạm trong khi Đức chỉ có 16 thiết giáp hạm, 6 tiền thiết giáp và 5 tuần dương hạm. Hải quân Anh đã mắc sai lầm chiến lược khi để các tàu chiến Đức đột phá vòng vây và thoát khỏi khu vực. Kết quả mỗi bên tổn thất 4 thiết giáp hạm. Trận Jutland được xem là một thất vọng của Hải quân Hoàng gia Anh.
Trận đánh Mers-el-Kebir
Sau khi Pháp đầu hàng phát xít Đức, số phận các tàu chiến của hải quân nước này trở nên không rõ ràng.
Thiết giáp hạm Bretagne phát nổ sau khi trúng đạn từ chiến hạm Anh. Ảnh: Returnofkings |
Chúng có thể rơi vào tay phe phát xít. Phần lớn các thiết giáp hạm của Pháp đang neo đậu ở căn cứ Mers El Kébir, Algeria. Ngày 3/7/1940, Hải quân Hoàng gia Anh quyết định can thiệp và ra tối hậu thư cho Hải quân Pháp, gia nhập phe Đồng minh hoặc tự giải giáp vũ khí, đánh đắm tàu chiến.
Trong khi các sĩ quan chỉ huy Hải quân Pháp còn đang tranh luận về tương lai thì Hải quân Anh nổ súng. Kết quả cuộc hải chiến bất ngờ khiến 1 thiết giáp hạm Pháp bị đánh chìm, 2 hỏng nặng, 3 tàu khu trục hư hại, 1.297 thủy thủ thiệt mạng.
Chạm trán ở Calabria
Những năm Thế chiến II, các trận hải chiến ở Địa Trung Hải chủ yếu nhằm bảo vệ đoàn tàu buôn đi qua khu vực. Ngày 9/7/1940, lực lượng đặc nhiệm Hải quân Italy gồm 2 thiết giáp hạm, 6 tuần dương hạm hạng nặng, 8 tuần dương hạng nhẹ, 16 tàu khu trục bất ngờ chạm trán đoàn hộ tống của Hải quân Hoàng gia Anh ở khu vực Calabria, gần Italy.
Chiến hạm Italy nhả đạn trong cuộc chạm trán với Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Wikipedia |
Lực lượng phía Anh gồm: 1 tàu sân bay, 3 thiết giáp hạm, 5 tuần dương hạng nhẹ và 16 tàu khu trục. Các thiết giáp hạm của Anh có lợi thế về hỏa lực tấn công dồn dập vào tàu chiến đối phương. Chiến hạm Italy cũng đáp trả ác liệt. 2 bên đều tuyên bố chiến thắng.
Hải chiến ở eo biển Đan Mạch
Khi Hải quân Đức đưa thiết giáp hạm Bismarck vào sử dụng năm 1940, nó trở thành chiến hạm lớn nhất thế giới. Ngày 21/5/1941, siêu hạm lớn nhất của Đức cùng tuần dương hạng nặng Prinz Eugen rời Na Uy trong nhiệm vụ tiêu diệt đội tàu buôn của phe Đồng minh ở Đại Tây Dương.
Siêu hạm lớn nhất của Đức tấn công dữ dội vào thiết giáp hạm lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Navasource |
Hải quân Hoàng gia Anh điều động 2 thiết giáp hạm hạng nặng và 4 tàu khu trục nhằm ngăn chặn ý đồ của Đức. Các chiến hạm 2 bên gặp nhau ở eo biển Đan Mạch. Thiết giáp hạm Bismarck nhanh chóng chứng tỏ uy lực của chiến hạm lớn nhất thế giới khi đánh chìm chiến hạm HMS Hood (từng là thiết giáp hạm lớn nhất thế giới).
Chiến hạm của Đức tiếp tục quay sang đấu pháo ác liệt với thiết giáp hạm HMS Prince of Wales có kích thước và tải trọng tương đương với Bismarck. 2 siêu chiến hạm đều hư hại sau cuộc chiến ác liệt. Chiến hạm Anh buộc phải quay về căn cứ để sửa chữa trong khi siêu hạm của Đức bị rò rỉ nhiên liệu buộc phải từ bỏ nhiệm vụ. Hải quân Anh quyết định báo thù cho chiến hạm Hood bằng cách gửi lực lượng truy đuổi chiến hạm Đức. Biểu tượng sức mạnh Hải quân Quốc xã bị đánh chìm vào ngày 27/5/1941.
Trận đánh Guadalcanal
Ngày 13/11/1942, lực lượng đặc nhiệm Hải quân Đế quốc Nhật Bản gồm 2 thiết giáp hạm cố gắng tấn công phi trường Henderson, nằm trên đảo Guadalcanal. Nhóm tàu tuần dương và khu trục của Hải quân Mỹ trong khu vực nhanh chóng tấn công đáp trả gây hư hại cho chiến hạm Nhật.
Thiết giáp hạm USS Washington pháo kích dữ dội vào tàu chiến Nhật đêm 12/11/1942. Ảnh: 2today |
Tối 14/11, lực lượng Nhật cố gắng tổ chức tấn công một lần nữa, nhưng sự xuất hiện của 2 thiết giáp hạm phía Hải quân Mỹ khiến nỗ lực của Nhật bị phá sản. 2 thiết giáp hạm, 1 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục bị đánh chìm, phía Mỹ tổn thất 2 tuần dương hạng nhẹ và 3 tàu khu trục.
Xem thêm:
- Sức mạnh thống trị đại dương của Hải quân Mỹ
- 'Pháo đài bay' B52: Niềm kiêu hãnh của Không quân Mỹ
- Top 5 tàu sân bay lớn nhất hành tinh
- Top 10 trực thăng tấn công 'sát thủ' nhất thế giới
Nguồn Zing News