Báo cáo cho thấy, hơn 400 thành phố lớn với tổng dân số lên đến 1,5 tỷ người đang đứng trước nguy cơ "cao”, thậm chí là “cực kỳ nguy hiểm” do tình trạng ô nhiễm môi trường sống làm giảm tuổi thọ, cạn kiệt nguồn nước, những đợt nắng nóng kéo dài, thiên tai khắc nghiệt và tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Thủ đô Jakarta của Indonesia là thành phố đứng đầu trong bảng xếp hạng đánh giá rủi ro, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những tác động do tình trạng ô nhiễm, lũ lụt và sóng nhiệt gây ra.
Nhưng Ấn Độ mới là một trong những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi có đến 13 trong số 20 thành phố nằm trong danh sách 100. So với các quốc gia khác trên thế giới, nhiều khả năng nước này sẽ có thể phải đối mặt với một tương lai khó khăn nhằm ngăn chặn những tác động của khủng hoảng khí hậu.
Chỉ riêng tình trạng ô nhiễm không khí đã là nguyên nhất gây ra hơn 7 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm, trong đó, có đến 1 triệu ca đến từ các vùng đô thị của Ấn Độ.
Đánh giá ô nhiễm không khí được tập trung vào tác động của các hạt bụi mịn PM2.5, phần lớn bắt nguồn từ việc đốt than và các nhiên liệu hóa thạch khác.
“Là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới và là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng trên toàn cầu, nhiều thành phố đang phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng từ chất lượng không khí rất xấu, tình trạng khan hiếm nước và các hiểm họa tự nhiên”, ông Will Nichols, tác giả chính của báo cáo cho biết.
“Ở nhiều quốc gia châu Á, những thành phố này sẽ dần trở nên kém thu hút hơn khi áp lực dân số tăng lên cùng với tình trạng biến đổi khí hậu sẽ gây ra những mối nguy hại liên quan đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gây, đồng thời tạo ra những ảnh hưởng đe dọa trực tiếp đến vai trò trong việc tạo ra của cải của của các nền kinh tế này.”
Trung Quốc hiện cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường. Quốc gia này có đến 35/50 thành phố trên toàn thế giới chịu ảnh hưởng từ tình trạng ô nhiễm nguồn nước, 2/15 thành phố của thế giới đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước vô cùng nghiêm trọng.
Nhưng những khác biệt trong hệ thống chính trị và mức độ phát triển của Trung Quốc có thể sẽ giúp nước này giảm thiểu được những tác động từ môi trường, ông Nichols nhận định.
“Hệ thống chính trị đặc thù cùng với việc Trung Quốc luôn sẵn sàng thực hiện các biện pháp mạnh, chẳng hạn như đóng cửa các nhà máy để đáp ứng các mục tiêu phát thải, sẽ giúp quốc gia này có nhiều cơ hội hơn trong việc giảm thiểu những rủi ro nói trên”, ông Nichols chỉ ra.
Trong khi đó, sự quản lý yếu kém của Ấn Độ cùng với quy mô của nền kinh tế phi chính thức khiến việc giải quyết các vấn đề môi trường và khí hậu ở cấp thành phố tại quốc gia này trở nên khó khăn hơn nhiều.
Đây là báo cáo đầu tiên trong số các đánh giá rủi ro xác định các thành phố "dễ bị tổn thương". Các chỉ số trong báo cáo dựa trên những số liệu về tình trạng khí hậu, những mối đe dọa từ các hiện tượng thời tiết cực đoan cùng nhân tố con người và khả năng thích ứng của từng quốc gia.