Các nhà máy sản xuất bằng robot của Adidas từng là một phần trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu từ thị trường của nhãn hàng này, cũng như nhằm làm giảm chi phí sản xuất và vận chuyển. Adidas ban đầu lên kế hoạch xây dựng một mạng lưới toàn cầu các nhà máy robot.
Công ty sản xuất đồ thể thao Đức đã không cung cấp thông tin chi tiết về lý do tại sao đóng cửa các nhà máy công nghệ cao, lý do có thể là do chi phí đắt đỏ và không thể triển khai công nghệ để sản xuất các sản phẩm khác nhau.
Martin Shankland, người đứng đầu các hoạt động toàn cầu của Adidas, cho biết các nhà máy robot đã giúp công ty nâng cao chuyên môn trong sản xuất sáng tạo, nhưng áp dụng những gì họ đã học được từ các nhà cung cấp sẽ trở nên "linh hoạt và tiết kiệm hơn".
Adidas bắt đầu sản xuất giày chủ yếu bằng robot tại một nhà máy ở thị trấn phía nam thành phố Ansbach gần trụ sở chính ở Bavaria năm 2016 và đã mở một nhà máy khác gần thành phố Atlanta của Mỹ vào năm 2017.
Được thành lập bởi thợ sửa giày người Đức Adi Dassler vào năm 1949, Adidas đã chuyển phần lớn dây chuyền sản xuất từ châu Âu sang châu Á và hiện phụ thuộc vào hơn 1 triệu công nhân trong các nhà máy ở Trung Quốc và Việt Nam.
Tuy nhiên, Adidas cho biết việc sản xuất tại hai nhà máy robot sẽ ngừng hoạt động muộn nhất vào tháng 4 năm 2020 vì công ty này muốn tập trung vào việc sử dụng các công nghệ mà họ tiên phong đi đầu để sản xuất giày tại hai nhà cung cấp của họ ở châu Á.
Các nhà cung cấp sẽ sử dụng các kỹ thuật để tạo ra một loạt các sản phẩm với thời gian sản xuất ngắn, không chỉ là giày chạy, trong khi Adidas sẽ tiếp tục thử nghiệm các quy trình sản xuất tại một cơ sở được gọi là adiLab ở Scheinfeld, Đức.
Adidas cho biết họ sẽ tiếp tục hợp tác với Oechsler - một công ty của Đức hiện đang điều hành hai nhà máy robot, trong các lĩnh vực sản xuất khác như sản xuất đế cho giày Boost, cũng như đế cho các loại giày bóng đá và đế in 3D tiên tiến.