Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, phát biểu trong cuộc họp báo tối ngày 29/3 (giờ địa phương), người đứng đầu Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie cho biết sẽ có tổng cộng 113 tàu đi qua Kênh đào Suez theo cả hai chiều cho đến sáng 30/3, trong bối cảnh cơ quan này đang nỗ lực giải quyết tình trạng ùn tắc sau khi “siêu tàu” Ever Given được giải cứu khỏi mắc cạn.
Ông Rabie nhận định rằng, nếu SCA duy trì số lượng tàu như trên thì tất cả các tàu đang ùn ứ có thể đi qua Kênh đào Suez trong vòng 3-3,5 ngày tới. Cơ quan này sẽ nỗ lực không ngừng để đảm bảo hoạt động thông suốt cho tuyến huyết mạch hàng hải này. Bên cạnh đó, người đứng đầu SCA cho biết thêm có 422 tàu đang đợi để sẵn sàng tiến vào Kênh đào Suez và không có tàu nào muốn thay đổi lộ trình khi họ tin vào năng lực giải quyết khủng hoảng của Ai Cập.
Theo SCA, các tàu đang chờ đợi để đi qua Kênh đào Suez bao gồm hàng chục tàu chở container, tàu chở dầu hay khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Ông Rabie khẳng định các tàu có kích cỡ như Ever Given vẫn có thể di chuyển an toàn qua Kênh đào Suez, đồng thời SCA sẽ không thay đổi chính sách trong việc tiếp nhận những tàu tương tự.
Trước đó, SCA đã quyết định nối lại hoạt động giao thông qua kênh đào Suez sau khi giải cứu thành công tàu Ever Given, vốn bị mắc cạn trong kênh đào này suốt gần một tuần qua. Leth Agencies - nhà cung cấp dịch vụ tại Kênh đào Suez xác nhận tàu Ever Given đã di chuyển tới phía Bắc, tiến về Hồ Bitter để trải qua quá trình kiểm tra trong ít nhất 3 ngày.
Kênh đào Suez, được khánh thành năm 1869, là tuyến vận tải quan trọng đối với việc vận chuyển dầu thô, hóa chất và các sản phẩm tinh chế từ khu vực Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương đến châu Âu và Bắc Mỹ. Theo SCA, khoảng 12% giao thương toàn cầu đi qua Kênh đào Suez với tổng số 18.829 tàu chở 1,17 tỷ tấn hàng hóa trong năm 2020. Vụ mắc cạn đã khiến hoạt động giao thương đi qua Kênh đào Suez hầu như tê liệt, khiến hơn 300 tàu khác bị tắc nghẽn ở 2 đầu kênh đào dài khoảng 190 km này.