Áp lực sản xuất vaccine của các hãng dược phẩm Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Moderna đã nhận 2,5 tỷ USD tiền thuế của người dân Mỹ để phát triển vaccine ngừa COVID-19. Nhưng các quan chức trong chính quyền Mỹ và các nước khác hiện đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục công ty chia sẻ công nghệ của mình.
Áp lực sản xuất vaccine của các hãng dược phẩm Mỹ

Các công ty dược phẩm của Mỹ hiện đang phải chịu những áp lực ngày càng gia tăng, đặc biệt là Moderna – công ty công nghệ sinh học mới nổi đã phát triển vaccine ngừa COVID – 19 nhờ vào khoản tiền thuế hỗ trợ lên đến hàng tỷ USD, trong việc chia sẻ công thức của họ với các nhà sản xuất ở những quốc gia đang rất thiếu hụt nguồn cung vaccine.

Cuộc chạy đua phát triển thành công vaccine ngừa COVID – 19 sau một khoảng thời gian ngắn hồi năm ngoái đã giúp các hãng dược phẩm như Moderna và Pfizer/BioNTech trở thành tâm điểm và nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Nhưng trước một thực tế rằng hiện chỉ có chưa đến 10% dân người ở các nước nghèo được tiêm chủng đầy đủ, và tình trạng thiếu hụt vaccine vẫn đang khiến cho hàng triệu người tử vong do COVID – 19, giới chức y tế Mỹ và tại các quốc gia khác đang hối thúc các công ty này có những động thái cụ thể để giải quyết tình trạng khan hiếm trên toàn cầu.

Theo một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thúc giục hai hãng dược phẩm Pfizer và Moderna liên doanh để cấp phép công nghệ của mình cho các nhà sản xuất theo hợp đồng với mục đích cung cấp vaccine cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Các cuộc đàm phán đã đi đến một thỏa thuận với Pfizer được công bố vào hôm thứ Tư. Theo đó, thay vì cấp phép công nghệ, hãng dược phẩm này sẽ bán cho Mỹ thêm 500 triệu liều vaccine với hình thức phi lợi nhuận để viện trợ đi nước ngoài. Trong khi đó, các cuộc đàm phán với Moderna đã không đem lại kết quả khả quan.

Một liên minh giữa các nhà sản xuất thuốc và vaccine lớn tại các nước đang phát triển trên thế giới đã gửi lời kêu gọi đến Tổng thống Biden, yêu cầu ông gia tăng sức ép lên các hãng sinh phẩm trong nước để chia sẻ các công nghệ và quy trình được sử dụng để sản xuất vaccine ngừa COVID – 19.

Theo Tiến sĩ Martin Friede – một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Giám đốc điều hành Tổ chức Bằng sáng chế về dược phẩm Charles Gore cho biết, WHO hiện cũng gặp khó khăn trong việc đưa Moderna vào bàn đàm phán. Cả hai hai bên đều đang hợp tác với một trung tâm chuyển giao công nghệ do WHO ở Nam Phi hậu thuẫn, được thành lập để đào tạo các nhà sản xuất từ ​​các nước đang phát triển cách sản xuất vaccine mRNA, một loại công nghệ vaccine mới được cả hai công ty dược phẩm của Mỹ sử dụng.

“Chúng tôi rất muốn được thảo luận với Moderna, liên quan đến giấy phép về quyền sở hữu trí tuệ của họ - điều này sẽ khiến mọi việc trở nên đơn giản hơn rất nhiều, nhưng hiện tại mọi nỗ lực đều không có kết quả”, Tiến sĩ Friede cho biết.

Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm thứ Tư, bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York, ông Biden dự kiến sẽ có cuộc gặp với các nguyên thủ quốc gia, giám đốc điều hành các hãng dược phẩm, các nhóm từ thiện và các tổ chức phi chính phủ để khuyến khích họ cùng nhau hợp tác hướng tới mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới trong năm sau, theo dự thảo tài liệu mà Nhà Trắng gửi cho những người tham gia hội nghị.

Những người ủng hộ việc đảm bảo sức khỏe toàn cầu cho rằng Moderna có nghĩa vụ là phải chia sẻ công nghệ của mình vì vaccine của hãng này một phần dựa vào công nghệ do Viện Y tế Quốc gia Mỹ phát triển, và vì công ty đã nhận 2,5 tỷ USD từ chính quyền liên bang nước này trong Chiến dịch Warp Speed dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump để đẩy nhanh việc sản xuất vaccine ngừa COVID – 19.

Phát ngôn viên của hãng dược phẩm Moderna, Colleen Hussey, cho biết hôm ối thứ Ba rằng công ty đã đồng ý không áp dụng bằng sáng chế với các sản phẩm liên quan đến dịch bệnh COVID – 19, và “sẵn sàng chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ của chúng tôi đối với vaccine ngừa COVID – 19 cho các bên khác trong thời kỳ hậu đại dịch”.

Nhưng một số người nhấn mạnh rằng thế giới cần công nghệ sản xuất vaccine của Moderna ngay thời điểm này, chứ không phải sau khi đại dịch kết thúc.

Theo Alain Alsalhani, chuyên gia nghiên cứu vaccine thuộc Tổ chức bác sĩ không biên giới, cho biết, mặc dù chia sẻ “công thức” sản xuất vaccine là bước quan trọng đầu tiên, nhưng điều đó là chưa đủ để một địa điểm sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA mới được thiết lập một cách nhanh chóng và hiệu quả.

“Vì đây là một công nghệ mới, nên tất cả quy trình cần được chia sẻ”, ông Alsalhani bình luận. “Một trong những vấn đề mà chúng tôi gặp phải là tài liệu khoa học trong việc sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA còn quá ít. Đây cũng là lý do tại sao vấn đề không chỉ ở công thức, mà còn phụ thuộc vào tính tích cực và đầy đủ trong quá trình chuyển giao công nghệ.”

Trong một tuyên bố mới được đưa ra, công ty dược phẩm Pfizer cho biết hãng này và bên đối tác BioNTech đã ký một bản cam kết với công ty dược phẩm sinh học Nam Phi Biovac để sản xuất vaccine Pfizer cho các quốc gia tại khu vực châu Phi. Nhưng Biovac sẽ chỉ phụ trách quy trình sản xuất đóng chai chứ không được chia sẻ công thức, phần "dung dịch thuốc" sẽ được sản xuất tại Châu Âu.

Một số giám đốc điều hành các hãng dược phẩm nhận định rằng trung tâm sản xuất tại Nam Phi có thể sẽ chưa sẵn sàng để tham gia sản xuất vaccine. Nhưng theo bản tóm tắt trên trang web của WHO, có thể thấy rằng cả Afrigen, cơ sở giảng dạy của trung tâm sản xuất tại Nam Phi và Biovac đều "phù hợp với mục đích đề ra". Theo đó, Afrigen “có năng lực và kinh nghiệm” phát triển một kế hoạch cho “quy trình sản xuất vaccine mRNA, quy trình này sẽ được chuyển giao cho Biovac.”

Trong trường hợp các công ty dược phẩm không chủ động tham gia hợp tác, một số chuyên gia pháp lý và những người ủng hộ đảm bảo sức khỏe toàn cầu cho rằng chính quyền Biden có thể cố gắng buộc họ chia sẻ tài sản sở hữu trí tuệ của mình bằng cách sử dụng quyền hạn được quy định trong Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, một đạo luật được ban hành vào năm 1950 cho phép Tổng thống Mỹ áp đặt các công ty Mỹ trong những trường hợp khẩn cấp.

Lawrence O. Gostin, chuyên gia luật y tế công cộng tại Đại học Georgetown, cho biết Tổng thống Biden có thể tuyên bố đại dịch là một mối đe dọa an ninh quốc gia, điều này sẽ cho phép ông ấy “yêu cầu các công ty ký hợp đồng chuyển giao công nghệ để đổi lấy khoản bồi thường hợp lý” từ chính phủ liên bang và các đối tác sản xuất.

“Moderna đã nhận khoản tiền hỗ trợ từ chính phủ liên bang trong Chiến dịch Warp Speed, ​​và cả Pfizer và Moderna đều nhận được hỗ trợ kinh phí trong suốt khoảng thời gian nghiên cứu cônng nghệ mRNA”, ông Gostin cho biết, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng các công ty này cần “có trách nhiệm, có lương tâm đạo đức với xã hội trong việc chia sẻ công nghệ đó vì lợi ích của toàn thế giới”

Các quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết việc buộc các công ty phải hợp tác là không hề đơn giản, và khẳng định việc ép buộc các hãng này chia sẻ công nghệ của mình sẽ dẫn đến một cuộc chiến pháp lý kéo dài và có phần phản tác dụng.

Các giám đốc điều hành của hai hãng Pfizer và Moderna nói rằng quy trình sản xuất theo công nghệ mRNA rất phức tạp, và có quá ít người có kinh nghiệm, nên việc thiết lập các cơ sở mới ở những nơi khác trên thế giới sẽ không khả thi và không thể diễn ra đủ nhanh để đem lại hiệu quả như kỳ vọng. Hai công ty này khẳng định họ sẽ sản xuất đủ số lượng vaccine ngừa COVID – 19 để đáp ứng nhu cầu ở quy mô toàn cầu vào giữa năm tới, và nhấn mạnh cách nhanh nhất để giải quyết tình trạng bất bình đẳng về vaccine là thông qua việc phân phối công bằng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia sản xuất dược phẩm và những người khác cho rằng các những diễn biến trong 18 tháng qua chứng minh rằng việc sản xuất vaccine ở các nước đang phát triển là rất quan trọng để đảm bảo quyền được tiếp cận công bằng.

Đơn cử, tại Châu Phi, hầu hết lượng vaccine có được ở khu vực này đều bị phụ thuộc và được cung cấp bởi Viện Huyết thanh của Ấn Độ. Nhưng năm tháng trước, chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu vaccine nhằm đối phó làn sóng dịch COVID – 19 cho biến thể Delta lây lan nhanh trên khắp cả nước đang hoành hành ở quốc gia đó.

“Chúng ta vẫn được thông báo rằng ‘Vaccine đang được sản xuất, Vaccine đang được cung cấp", nhưng ba triệu người đã chết kể từ khi vaccine Pfizer lần đầu tiên được FDA cấp phép”, Zain Rizvi, chuyên gia trong việc đảm khả năng bảo tiếp cận thuốc của tổ chức vận động Public Citizen, bình luận.

Moderna và Pfizer có được những lợi ích tài chính trực tiếp khi không chia sẻ công nghệ của riêng mình và bảo vệ được lợi thế cạnh tranh không chỉ trong việc bán vaccine ngừa COVID – 19, dự kiến mang lại doanh thu hơn 53 tỷ USD trong năm nay, mà còn cả trong hoạt động nghiên cứu sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA, chẳng hạn như vaccine cho bệnh ung thư, HIV và sốt rét. "Họ không muốn có những đối thủ cạnh tranh trong tương lai", ông Rizvi nhận định.

Liên minh các nhà sản xuất thuốc ở các nước đang phát triển đang đề nghị Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính phủ Mỹ gây áp lực với các công ty trong một số vấn đề, bao gồm: giấy phép sở hữu trí tuệ, giấy phép về công nghệ liên quan đến sản xuất vaccine, cung cấp chuỗi tế bào và hỗ trợ tìm kiếm những thiết bị quan trọng nhưng hiện đang trong tình trạng khan hiếm.

Thay vào đó, Moderna sẽ được bồi thường phí cấp phép, thu lợi nhuận theo tỷ lệ phần trăm trên mỗi liều thuốc được bán ra.

“Nếu chúng tôi có công nghệ của Moderna hoặc BioNTech, chúng tôi sẽ có thể được phê duyệt sản xuất vaccine trong vòng 18 tháng, còn nếu không, chúng tôi phải thực hiện quy trình phát triển đầy đủ - vì vậy thời gian chờ đợi sẽ là 36 tháng nếu mọi thứ theo đúng tiến độ, nhưng có thể lâu hơn,” Tiến sĩ Friede, người đứng đầu Sáng kiến Nghiên cứu vaccine của WHO.

Tiến sĩ Friede cũng cho biết Pfizer và Moderna đang ở thời điểm quan trọng, họ sẽ cần phải đưa ra quyết định xem họ muốn đóng vai trò gì trong tiến trình này.

Theo NY Times
Quang cảnh buổi hội thảo.
Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới
(Ngày Nay) - Ngày 19/12, Hội thảo “Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới” đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây là một trong chuỗi hoạt động của đợt cao điểm tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948-10/12/2024).
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.