"Tôi đã đưa ra một quyết định khó khăn, cực kỳ khó khăn cho cá nhân tôi và tất cả chúng ta. Tôi đã ký một thỏa thuận với lãnh đạo Nga và Azerbaijan về việc ngừng chiến tranh bắt đầu từ 01:00 (giờ địa phương)", Pashinyan nói trong một tuyên bố được đăng trên trang Facebook của mình vào đầu giờ sáng thứ Ba.
Thủ tướng Pashinyan cho biết ông đã đưa ra quyết định ký thỏa thuận dựa trên phân tích sâu sắc về tình hình quân sự và “tin chắc rằng trong tình hình hiện tại, đây là kết quả tốt nhất có thể".
Theo nguồn tin của Sputnik, người dân tại thủ đô Yerevan của Armenia đã đổ ra đường phản đối chính phủ sau khi Thủ tướng Pashinyan tuyên bố thỏa thuận hòa bình tại Nagorno-Karabakh.
Truyền thông Armenia cho biết hàng nghìn người đã tập trung ở trung tâm thành phố, trong khi những người biểu tình khác đã tiến vào trụ sở chính phủ, đập vỡ cửa sổ và làm hư hỏng đồ đạc bên trong. Thậm chí Chủ tịch Quốc hội Armenia Ararat Mirzoyan đã bị đánh đập bởi những người biểu tình, những người khác cũng yêu cầu Thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức.
Đám đông giận dữ người Armenia phản đối chính phủ ký thỏa thuận hòa bình. |
Về phần mình, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết thỏa thuận này sẽ "trả lại các vùng lãnh thổ của chúng tôi mà không cần đổ máu thêm". Ông Aliyev cho biết tất cả các hoạt động quân sự trong khu vực nằm trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng do người Armenia sinh sống và kiểm soát đã dừng lại.
"Hôm nay, tôi ký thỏa thuận này với niềm tự hào! Xin chúc mừng người dân Azerbaijan!", ông Aliyev nói thêm.
Tổng thống Vladimir Putin cho biết các lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ được triển khai dọc theo đường liên lạc ở Nagorno-Karabakh và trong hành lang kết nối khu vực với Armenia.
Ông Putin cho biết thỏa thuận ngừng bắn quy định việc trao đổi tù nhân chiến tranh và thi thể, chính quyền Moscow đã liên tục đóng vai trò trung gian hoàn giải trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan, tuy nhiên các lệnh ngừng bắn liên tục bị phá vỡ.
Tổng thống Azerbaijan tuyên bố vào hôm Chủ nhật rằng các lực lượng của ông đã chiếm Shusha, một thành phố được coi là "Jerusalem của Nagorno-Karabakh" vì ý nghĩa tôn giáo của nó.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan phát hành một đoạn video thứ hai cho thấy lá cờ của nước này bay trên các tòa nhà trong thành phố.
Shusha nằm cách thủ đô Stepanakert khoảng 10 km về phía nam và nằm trên vùng đất cao hơn, khiến Stepanakert trở thành mục tiêu của pháo kích và tên lửa, buộc nhiều thường dân đã bỏ chạy về phía Armenia vào cuối tuần qua.