Một văn kiện trong "Tuyên bố Bàn Môn ĐIếm", bản tuyên bố chung giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng trước, đề xuất kết nối và nâng cấp hệ thống đường sắt và đường bộ hai miền. Nhiều tuyến đường trong số các hệ thống này cũng đảm bảo rằng toàn bộ bán đảo Triều Tiên sẽ trở nên liên kết liền mạch hơn với Trung Quốc và Nga, tờ South China Morning Post cho biết.
Được biết, một tuyến đường sắt sẽ kết nối Mokpo - một thị trấn phía tây nam Hàn Quốc, với Seoul và Bình Nhưỡng và cuối cùng là Bắc Kinh. Vành đai đầu tiên này sẽ liên kết khu vực phía tây của bán đảo Triều Tiên với Trung Quốc, một vành đai khác sẽ kết nối bờ biển phía đông với Nga để trao đổi năng lượng và một vành đai dọc theo khu phi quân sự cho mục đích du lịch.
Các quan chức Hàn Quốc chưa đưa ra bình luận về chủ đề này và từ chối đưa ra các chi tiết về nội dung kế hoạch. Ông Park Byeong Seug - một thành viên của Đảng Dân chủ Hàn Quốc, cho biết đề xuất này tuân thủ với các chính sách của Tổng thống Moon Jae-in.
"Khái niệm về ba vành đai là một trong những cam kết của Tổng thống Moon trong cuộc bầu cử năm ngoái. Một bản đồ kinh tế mới bao gồm các liên kết đường sắt giữa hai miền Triều Tiên và Đông Bắc Trung Quốc kéo dài tới châu Âu", ông Park cho biết.
"Chính phủ của tôi sẽ hướng tới việc tạo ra một bản đồ kinh tế mới trên bán đảo Triều Tiên", ông Moon phát biểu tại Berlin vào ngày 6/7 năm ngoái.
"Chúng tôi sẽ kết nối hai miền Nam-Bắc, trước đó đã bị ngăn cách bởi ranh giới phi quân sự, với một vành đai kinh tế và thiết lập một cộng đồng kinh tế nơi hai miền Triều Tiên phát triển cùng nhau", vị lãnh đạo hứa hẹn.
"Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ cùng tồn tại thịnh vượng với tư cách là cây cầu nối liền lục địa châu Á và Thái Bình Dương. Thế giới sẽ thấy một mô hình kinh tế mới của nền kinh tế hòa bình và thịnh vượng", ông Moon nói.
Theo Cheng Xiaohe, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Đại học Renmin, cho biết Bắc Kinh có thể cố gắng thực hiện kế hoạch của Hàn Quốc thành "Sáng kiến một vành đai, một con đường" của họ, thông qua đó Trung Quốc tìm cách thiết lập các tuyến thương mại kết nối vùng Viễn Đông đến Ấn Độ, Châu Âu và Đông Phi.
Ông Cheng nói thêm rằng vùng đông bắc "là vành đai yếu nhất của Trung Quốc và chứng kiến sự phát triển kinh tế nghèo nàn trong nhiều năm qua. Một tuyến đường sắt có thể tạo ra sự khác biệt thực sự cho khu vực".
Các chuyên gia khác cho biết một tuyến đường sắt sẽ biến khu vực thành một trung tâm cung cấp hậu cần tại khu vực Đông Á, qua đó hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
"Nhưng trước hết, bạn phải hợp nhất tiền tệ, nó có thể không phải là điều đầu tiên trong chương trình nghị sự. Nhưng khi ngành công nghiệp tài chính phát triển, nó là điều kiện tiên quyết", Thomas Hoenig - cựu quan chức của Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ trả lời hãng tin Yonhap.
Theo Tim Beal, tác giả của cuốn sách "Khủng hoảng ở Hàn Quốc: Mỹ, Trung Quốc và nguy cơ chiến tranh", trả lời Sputnik rằng khía cạnh kinh tế của "Tuyên bố Bàn Môn Điếm" là một trong những điều thú vị nhất. Tôi nghĩ rằng hội nhập kinh tế có một triển vọng thực sự để đảm bảo hòa bình tại khu vực này. Toàn bộ khu vực sẽ cùng đồng lòng thực hiện nếu kế hoạch này đi theo đúng lộ trình".
"Tuy nhiên, sự thống nhất kinh tế, hoặc thậm chí bình thường hóa, vẫn còn cực kỳ khó khăn đối với Triều Tiên, như các biện pháp trừng phạt của phương Tây được đặt ra nhằm ngăn chặn đầu tư trong nước. Liên Hợp Quốc có thể cân nhắc việc dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt đó, vì Chủ tịch Kim Jong-un đã cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên".
Theo Sputnik