Theo hãng tin Reuters, với số lượng tàu chở dầu và dịch vụ vận chuyển có sẵn của Nga và các nước châu Á, dầu của Nga vẫn có thể giao dịch mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Tháng trước, các lãnh đạo G7 đã nhất trí về việc áp đặt mức giá trần đối với dầu của Nga nhằm hạn chế doanh thu của nước này từ xuất khẩu năng lượng. Giới hạn giá vẫn chưa được quyết định. Các công ty ngân hàng, bảo hiểm và vận tải biển sẽ bị cấm cung cấp dịch vụ cho các công ty Nga bán dầu với giá cao hơn mức giá được quy định. Ngày 5/12 cũng đánh dấu thời hạn Liên miinh châu Âu (EU) cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu thô Nga qua đường biển.
Tuy nhiên, theo một quan chức thuộc Bộ Tài chính Mỹ, 80-90% dầu Nga vẫn có thể lưu thông bên ngoài cơ chế giá trần trên. Vị quan chức nhấn mạnh một số tàu đang thay đổi quốc gia đăng ký và các công ty, doanh nghiệp cũng dần chuyển ra khỏi các nước thuộc nhóm G7 để tránh việc bị áp đặt mức giá trần.
Andrea Olivi làm việc cho tập đoàn kinh doanh hàng hóa Trafigura chỉ ra về lý thuyết, dầu thô của Nga vẫn có một lượng tàu chở đủ để xuất khẩu sang các nước khác sau 5/12. Ngoài tàu chở dầu của nước mình, Nga có thể sử dụng các tàu của Trung Quốc và Ấn Độ, khai thác các nhà kinh doanh dầu mỏ và các công ty bảo hiểm của Trung Đông và châu Á.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Nga hiện là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới. Truyền thông dự đoán giới hạn giá có thể được đặt ở mức 60 USD/thùng thay vì mức giá hiện tại là khoảng 90 USD. Nga cho biết họ sẽ không cung cấp dầu và các mặt hàng khác liên quan dưới mức giá trần cũng như trong trường hợp các điều kiện thương mại không đem lại lợi nhuận.