Bài viết thể hiện quan điểm của Thomas Bal Cancerki giảng viên môn Lịch sử tại Đại học Bang Connecticut. Ông là tác giả của cuốn "Bosom Friends: The Intimate World of James Buchanan and William Rufus King" (Nhà xuất bản Đại học Oxford).
Trong thế kỷ 20, chỉ có 3 Tổng thống Mỹ thất bại trong cuộc đua tái đắc cử, đó là Herbert Hoover, Jimmy Carter và George H.W. Bush. Vậy thì do đâu cả 3 vị này lại nhanh chóng bị thay thế chỉ sau 1 nhiệm kỳ cầm quyền?
Bên cạnh việc vượt qua thời kỳ kinh tế khó khăn, cả 3 vị cựu Tổng thống này đều để lộ những điểm yếu trong tính cách. Hoover có một lối suy nghĩ cứng nhắc về cuộc Đại suy thoái vào đầu những năm 1930, trong khi Carter thể hiện thái độ thờ ơ về tình trạng kinh tế bất ổn vào cuối những năm 1970 và Bush "cha" dường như không có sự kết nối với tầng lớp bình dân vào đầu thập niên 1990.
Sự bất ổn kinh tế không phải là một đặc điểm mới của các cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng khi những cuộc khủng hoảng như vậy xảy ra trong chiến dịch tái đắc cử của Tổng thống đương nhiệm, các cử tri thường có xu hướng ủng hộ một ứng viên mới có đường lối cải cách. Tựu chung lại, những Tổng thống đương nhiệm thất bại khi họ không thể thuyết phục người dân Mỹ kiên định với đường lối của mình.
Từ 3 chiến dịch tái tranh cử trong quá khứ, chúng ta có thể rút ra một công thức cho các cuộc đua tái tranh cử và dự đoán được kết quả cho cuộc bầu cử vào ngày mai.
Herbert Hoover (1932)
Sau khi được bầu làm Tổng thống năm 1928, Herbert Hoover của đảng Cộng hòa khi đó đã được người dân kỳ vọng và xưng tụng là "Kỹ sư vĩ đại" của nước Mỹ. Bốn năm sau, đất nước phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử.
Dưới nhiệm kỳ của Hoover, xã hội Mỹ đã xuất hiện những cụm từ như "Hooverville" - ám chỉ những khu ổ chuột cho người vô gia cư và thất nghiệp, hay "Hoover Flags" - những người dân rỗng túi phải xếp hàng nhận lương thực trên đường phố.
Tổng thống Herbert Hoover từng được mệnh danh là "Kỹ sư vĩ đại" của nước Mỹ. |
Nhưng hành động của chính quyền Hoover đã khiến cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn. Chính phủ khi đó tỏ ra thờ ơ trong việc khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng. Bỏ qua những vấn đề mà người dân phải đối mặt, cương lĩnh của Đảng Cộng hòa trong cuộc năm đó chỉ đơn thuần kêu gọi ngân sách cân bằng và thuế quan bảo hộ cao.
Các cuộc biểu tình và đụng độ trên đường phố Washington cũng khiến Tổng thống khó chịu. Vào tháng 7 năm 1932, Hoover ra lệnh cho Quân đội Mỹ, dưới sự chỉ huy của Tướng Douglas MacArthur, đàn áp phong trào phản đối chính phủ của hơn 40.000 cựu binh và dân thường.
Ứng viên đảng Dân chủ Franklin D. Roosevelt khi đó đã tình làng chính sách kinh tế mới "New Deal" cho người dân Mỹ. Đáp lại, Hoover chỉ liên tục bảo vệ các quyết sách của mình trong suốt các bài phát biểu trước bầu cử.
Ông kiên quyết khẳng định rằng phản ứng của chính phủ đối với cuộc Đại suy thoái là đủ. Tuyên bố trước đám đông, Hoover lập luận "liệu chúng ta có tiếp tục trung thành với các truyền thống của Mỹ hay liệu chúng ta có hướng đến những đổi mới, vốn là những tiết lộ đầy nham hiểm và những lời hứa bị che đậy".
Kết quả là có tới 40 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu vào tháng 11 năm đó, mang lại cho Franklin D. Roosevelt chiến thắng áp đảo. Và thế là kỷ nguyên của "Kỹ sư vĩ đại" bị đánh sập bởi cuộc "Đại suy thoái".
Jimmy Carter (1980)
Chính trường nước Mỹ trải qua một cơn địa chấn vào năm 1974 khi Tổng thống Richard Nixon từ chức sau vụ bê bối Watergate. Người kế nhiệm Gerald Ford sau đó đã ân xá cho Nixon, động thái này đã khiến Ford mất điểm trước công chúng và thất bại trước ứng viên của đảng Dân chủ Jimmy Carter trong cuộc bầu cử năm 1976.
Đến năm 1980, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến nước Mỹ rơi vào tình trạng suy yếu. Các cú sốc về giá dầu mỏ, lạm phát gia tăng và cạnh tranh công nghiệp từ nước ngoài đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân. Về mặt đối ngoại, Mỹ phải hứng chịu một "cú tát" khi chính phủ Iran bắt cóc nhân viên đại sứ quán của Mỹ tại Tehran làm con tin.
Jimmy Carter khi còn là Tổng thống Mỹ. |
Phát biểu trước công chúng vào năm 1979, Jimmy Carter mô tả một "cuộc khủng hoảng niềm tin" đã ảnh hưởng đến đất nước với một giọng điệu hết sức bi quan. Để làm cho vấn đề tồi tệ hơn, Carter đã yêu cầu toàn bộ nội các của mình từ chức nhưng chỉ có 5 người nghe theo.
Ngược lại, ứng viên đảng Cộng hòa Ronald Reagan lại tỏ ra lạc quan khi đưa ra tuyên bố nổi tiếng rằng nước Mỹ sẽ phục hồi "khi Jimmy Carter mất việc". Carter đã phản bác lại bằng những cảnh báo về các chính sách kinh tế mất kiểm soát và cắt giảm việc làm nếu Reagan lên cầm quyền, nhưng cử tri đã không còn muốn tin vào Tổng thống đương nhiệm.
Mở đầu thập niên 1980, nước Mỹ đã chọn ra một Tổng thống mới, đó là Ronald Reagan.
George H.W. Bush (1992)
Trong lần đầu tranh cử vào Nhà Trắng, George H.W. Bush đã giành được sự ủng hộ đa số của cử tri trong nước. Nhưng đến năm 1992, một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng đã xảy ra, khiến nhiều người Mỹ mất việc làm và đối mặt với thời kỳ khó khăn.
Với việc chính phủ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt ngân sách, Bush đã đi ngược lại lời lời hứa khi tranh cử khi quyết định tăng thuế vào năm 1991. Mặc dù ông đã lãnh đạo đất nước vượt qua Chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên năm 1991, nhưng tỷ lệ tín nhiệm của cử tri dành cho cho Bush "cha" đã liên tục lao dốc cho đến trước thềm cuộc bầu cử năm 1992.
Tổng thống Mỹ thứ 41 của Mỹ George H.W. Bush. |
Ngoài vấn đề kinh tế, nhiệm kỳ của Bush cũng gặp phải những thách thức tương tự như Tổng thống Donald Trump hiện tại. Việc đề cử Clarence Thomas làm thẩm phán tại Tòa án Tối cao khi ông này vướng phải cáo buộc quấy rối tình dục, kết hợp với cuộc bạo động ở Los Angeles đầu năm 1992 đã làm lung lay vị thế của Tổng thống Bush.
Trong khi đó, ứng viên trẻ tuổi Bill Clinton của đảng Dân chủ đã thu hút sự chú ý của cử tri trong nước, những người muốn kết thúc 12 năm cầm quyền của hai Tổng thống đảng Cộng hòa. Bush cũng bị mất đi lượng phiếu bầu phổ thông vào tay Ross Perot - một ứng viên độc lập.
Mặc dù không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu phổ thông trong tháng 11, Clinton vẫn đảm bảo đủ số phiếu đại cử tri để trở thành Tổng thống Mỹ.
Ông Bush, cựu Phó Tổng thống cuối cùng trở thành Tổng thống, cũng là Phó Tổng thống đương nhiệm đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống kể từ năm 1836. Tuy nhiên, ông Bush đã không thể tái đắc cử vào năm 1992 vì những lý do tương tự như người tiền nhiệm.
Cuộc bầu cử năm 2020 vẫn tồn tại rất nhiều biến số, nhưng cũng có không ít những tương đồng lịch sử, khi một cựu Phó Tổng thống đang thách thức Tổng thống đương nhiệm. Nếu Trump thua, ông sẽ phá vỡ chu kỳ Tổng thống cầm quyền liên tiếp hai nhiệm kỳ của nước Mỹ kể từ năm 1992, điều này có thể tạo tiền đề cho cuộc tái cơ cấu của chính trị Mỹ.
Liệu Biden có chịu chung số phận như hai người bạn thân John McCain của mình, người đã thất bại trước Barack Obama, và John Kerry, người để thua George W. Bush? Hay Trump sẽ là lại gia nhập danh sách những Herbert Hoover, Jimmy Carter và George H.W. Bush? Câu trả lời sẽ sớm được giải đáp từ ngày mai.