‘Bệnh viện bay’ cứu chữa bệnh nhi tim bẩm sinh Tanzania

(Ngày Nay) - Trên màn hình, một số 0 nháy hai màu xanh đỏ liên tục báo động rằng trái tim của bé Junior đã ngừng đập. Các bác sĩ nhanh chóng phản ứng, những ngón tay của họ điều chỉnh những ống dây nhợ loằng ngoằng cắm vào trong ngực của cậu bé một cách cẩn thận. Một hồi sau, trái tim đập trở lại.
‘Bệnh viện bay’ cứu chữa bệnh nhi tim bẩm sinh Tanzania

Có tới hơn một triệu đứa trẻ ra đời với bệnh tim bẩm sinh mỗi năm. Cứ mười đứa trẻ thì có một em không thể sống qua sinh nhật đầu tiên. Trong khi phẫu thuật chỉnh hình trên bệnh nhi tim bẩm sinh thường được thực hiện trong vài tuần đầu tiên sau sinh, tại Tanzania và nhiều nước đang phát triển khác, tình trạng đói nghèo và thiếu thốn về y tế đồng nghĩa với việc nhiều bệnh nhi không được điều trị.

Bé Junior đang được phẫu thuật tại Bệnh viện Quốc gia Muhimbili ở thành phố cảng Dar es Salaaam. Đây là trung tâm y tế duy nhất trên cả đất nước Tanzania rộng lớn với dân số 50 triệu người có đủ điều kiện để phẫu thuật tim hở. Mẹ của bé đang ngồi ngoài hành lang phòng phẫu thuật, hồi hộp chờ đợi xem cậu con trai bé nhỏ có vượt qua ca phẫu thuật nguy cơ cao nhưng vô cùng cần thiết này hay không.

‘Bệnh viện bay’ cứu chữa bệnh nhi tim bẩm sinh Tanzania ảnh 1

Junior nằm trong số hàng chục bệnh nhi được phẫu thuật bởi nhóm chuyên gia của Tổ chức phi chính phủ Muntada có trụ sở ở Anh. Trong khuôn khổ chương trình Những trái tim nhỏ của Muntada, một nhóm gồm 35 phẫu thuật viên, bác sĩ và y tá của tổ chức này bay tới các nước đang phát triển để phẫu thuật, cung cấp thiết bị y tế và huấn luyện các đồng nghiệp địa phương chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhi tim bẩm sinh.

“Mỗi chuyến công tác, chúng tôi điều trị cho khoảng từ 65 đến 85 bệnh nhi”, bác sĩ Jameel Al-Ata, trưởng nhóm công tác tại Tanzania cho biết. Kể từ khi chương trình Những trái tim nhỏ bắt đầu năm 2008, nhóm chuyên gia đã phẫu thuật và đặt ống thông tim cho hơn 3.000 bệnh nhi. “Chúng tôi lựa chọn những đất nước có khả năng điều trị tim mạch còn hạn chế - chúng tôi đã tới Kazakhstan, Yemen, Ai Cập, Syria, Jordan, Bangladesh. Đối tượng chúng tôi giúp đỡ là bệnh nhi nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh và không có điều kiện được chăm sóc y tế”.

Vừa phẫu thuật, các bác sĩ vừa tranh thủ huấn luyện cho các đồng nghiệp của mình. “Đôi khi, chúng tôi đề nghị các đồng nghiệp địa phương tham gia và hỗ trợ, không phải vì chúng tôi muốn cắt giảm nhân sự của nhóm, mà là vì chúng tôi muốn họ tham gia để quan sát và học hỏi kinh nghiệm”.

Tại Tanzania, số lượng bác sĩ đủ trình độ để phẫu thuật tim hở chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặc dù khu vực tiểu vùng Sahara của châu Phi phải gánh chịu đến 24% dịch bệnh toàn cầu, lực lượng lao động trong lĩnh vực y tế tại đây chỉ chiếm 3% của thế giới. Và mặc dù đây là một đất nước khá ổn định, nhưng phần đông người dân vẫn sống trong nghèo đói - một rào cản lớn trong việc tiếp cận chăm sóc y tế.

Chị Flora đến từ thành phố Shinyanga ở miền Bắc Tanzania. Chị đã vượt quãng đường gần 1.000 km để đưa cậu con trai bốn tuổi tới gặp các bác sĩ. Bé Innocent là một trong những bệnh nhi may mắn: Em đã được phẫu thuật vài ngày trước.

“Nó từng thở rất khó khăn, hay quấy khóc và không thể làm gì. Nó ngủ li bì suôt ngày và hay toát mồ hôi trộm”, Flora cho biết.

“Bệnh viện bay”

Tim bẩm sinh là căn bệnh thường thấy ở các nước đang phát triển, một phần là do những hạn chế trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước sinh. Y học chưa chỉ ra được nguyên nhân thực sự rõ ràng, nhưng tình trạng nhiễm virus rubella và tiểu đường ở thai phụ được cho là làm gia tăng khả năng trẻ bị mắc bệnh tim bẩm sinh.

Do Muhimbili là bệnh viện duy nhất có thể phẫu thuật tim cho trẻ em ở Tanzania, phụ huynh từ khắp nơi trên đất nước đổ tới đây với hy vọng có thể chữa khỏi bệnh cho con cái họ. Từ hòn đảo Zanzibar nhỏ bé ngoài khơi Tanzania cũng đã có tới 20 đứa trẻ đã tới để được điều trị.

“Danh sách chờ mổ của chúng tôi rất dài - cho tới cuối năm ngoái đã có tới 500 bệnh nhân chờ mở,” bác sĩ Mohamed Janabi, giám đốc trung tâm tim mạch bệnh viện Muhimbili, cho biết. “Và phần đông các bệnh nhân - khoảng 70% trong số họ - không có điều kiện chi trả. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng tôi đang rất tích cực học hỏi nâng cao trình độ để không trở nên lệ thuộc vào các đồng nghiệp nước ngoài”, bác sĩ Janabi nói.

‘Bệnh viện bay’ cứu chữa bệnh nhi tim bẩm sinh Tanzania ảnh 2Ảnh minh họa

Bảo hiểm sức khỏe cũng chưa được phổ biến tại Tanzania. Bởi lý do này, nhiều người phải thanh toán trực tiếp khi sử dụng dịch vụ chăm sóc y tế. Trong đa số trường hợp, cái nghèo đã khiến người bệnh không thể tiếp cận các phương pháp điều trị. “Tôi ước rằng sẽ nhiều người có bảo hiểm y tế hơn, lúc đấy chúng tôi chỉ việc phẫu thuật mà không phải lo nghĩ đến điều gì”.

Không phải mọi bệnh nhi đều cần phẫu thuật tim hở. Bệnh viện Muhimbili được trang bị một phòng đặt ống thông tim - nơi các bác sĩ có thể thực hiện các thủ thuật ít xâm lấn như đặt bóng hoặc đặt stent.

Bé Innocent đã được phẫu thuật tim hở. Bác sĩ Mohammad Shihata, một trong những người trực tiếp điều trị cho Innocent, cho biết cuộc phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Nhưng các bệnh nhi ở Tanzania phải đối mặt với những khó khăn thường không thấy tại các nước phát triển.

“Rất nhiều người đã không được điều trị, hoặc không có cơ hội tiếp cận chăm sóc y tế, và tình trạng bệnh của họ đã diễn ra quá lâu. Cơ thể con người không được cấu tạo để chịu đựng tình trạng thiếu oxy trong thời gia kéo dài, hoặc tình trạng chênh lệch áp lực giữa các vùng tim”, bác sĩ Shihata cho biết.

Một trong những thách thức khác là sự thiếu nguồn máu dự trữ. Tình trạng này trầm trọng đến nỗi ngay cả các bác sĩ của bệnh viện cũng phải hiến máu khẩn cấp để cứu sống một bệnh nhi gặp biến chứng sau phẫu thuật.

“Không thể giúp tất cả mọi người”

Với quá nhiều bệnh nhi cần được chăm sóc y tế, các bác sĩ của tổ chức Muntada phải nỗ lực không để cảm xúc lấn át lý trí. Bác sĩ Khalid Kamal Al-Hroub chia sẻ rằng họ thường phải cố nén cảm xúc của mình. “Đôi khi, bạn cảm thấy quá xúc động và mất bình tĩnh, làm ảnh hưởng tới bệnh nhân. Bởi vậy, tốt nhất là phải giữ một cái đầu lạnh”, ông cho biết. Bác sĩ Al-Hroub đã tham gia khoảng 40 chuyến công tác trên khắp khu vực châu Phi và Trung Đông. “Nếu bạn không thể cầm dao mổ, các bé sẽ chết”, Al-Hroub nói.

Trong nhóm chuyên gia của Muntada có Zeba Butt, một y tá 29 tuổi đến từ Pakistan. “Tôi không cảm thấy quá xúc động, bởi tôi hiểu rằng mình đang cố gắng mang lại những điều tốt đẹp. Nếu cứ xúc động thì làm sao có thể làm việc hiệu quả được chứ?”.

Nhưng vẻ mặt nữ y tá thoáng trầm tư khi cô nhắc tới quê hương mình - một trong những nơi có tỉ lệ trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh cao nhất thế giới. Mỗi năm, Pakistan có khoảng từ 40.000 đến 50.000 trẻ em được sinh ra với bệnh tim bẩm sinh, nhưng chỉ có tám  bác sĩ tim mạch có thể phẫu thuật trên bệnh nhi. “Tôi cảm thấy thương cho quê hương mình”, y tá Butt nói. “Tôi muốn người dân quê tôi nhận được sự giúp đỡ”.

Các bác sĩ của tổ chức Muntada không thể giúp đỡ tất cả những bệnh nhi mà họ gặp. Với những đứa trẻ may mắn, ca phẫu thuật đã trả lại cho chúng cuộc sống. Nhưng những đứa trẻ khác sẽ phải trông đợi vào việc Muntada đạt được mục tiêu đường dài của mình - huấn luyện các y bác sĩ Tanzania để trong tương lai họ sẽ không còn cần tới sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Bé Shabani hai tuổi được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh khi mới được bốn tháng tuổi. Mẹ của bé, chị Halima, đã nhận thấy con mình có mạch đập nhanh và hơi thở nặng nhọc. Chị đưa con tới trạm xá địa phương và được giới thiệu tới bệnh viện Muhimbili. “Tôi nghe nói ở đó họ thực hiện phẫu thuật, và con tôi đã được chọn vào danh sách mổ”, chị Halima cho biết. “Giờ đây, cháu đã khỏe mạnh và rất hạnh phúc”.

“Trước đây thì nó yếu lắm, nhưng từ giờ thì tôi nghĩ cháu sẽ khỏe thôi. Cháu sẽ có thể tới trường, có thể làm được mọi thứ vì nó không còn ốm yếu nữa. Giờ thì cháu đang hồi phục rồi, và chúng tôi không thể diễn tả hết sự cảm kích của mình”.

Bệnh tim bẩm sinh là những dị dạng bất thường của tim xuất hiện ngay từ khi đứa trẻ mới sinh ra. Bất kỳ một cơ quan nào trong cơ thể cũng có nguy cơ bị dị dạng hay bất thường về cấu trúc nhưng những bất thường về cấu trúc tim mạch là những bất thường đáng chú ý nhất. Hiệu ứng bệnh lý của nó có thể nhân bản theo cấp số cộng và đôi khi có thể khiến trẻ tử vong ngay lập tức mà không thể cứu chữa được.

Bệnh tim bẩm sinh chỉ là một thuật ngữ chung chứ thực tế nó bao gồm rất nhiều bệnh. Cho đến nay, có quá nhiều bệnh tim bẩm sinh được chỉ ra. Danh sách lên tới hàng chục bệnh. Một số bệnh là đáng quan tâm vì đứa trẻ còn có thể sống đến tuổi trưởng thành nhưng một số bệnh thì chưa thể tìm ra được một biện pháp nhanh chóng nào vì sự tử vong nhanh quá mức. Trong số các loại bệnh tim bẩm sinh thì 4 bệnh sau đây là đáng chú ý: Bệnh thông liên nhĩ; Bệnh thông liên thất; Bệnh còn ống động mạch; Bệnh tứ chứng Fallot.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?