Tính từ khi virus Corona chủng mới đổ bộ tới Đài Loan, hòn đảo này mới chỉ ghi nhận số ca tử vong là 11, một con số ấn tượng đối với một vùng đất chưa từng phải áp lệnh phong tỏa. Lúc dịch bắt đầu, Đài Loan được xem là vùng lãnh thổ chịu rủi ro lớn nhất do ở sát Trung Quốc và lưu lượng người di chuyển giữa hai bên khá lớn.
Với nỗi ám ảnh dịch SARS năm 2003, chính quyền ở Đài Loan trong đợt dịch COVID-19 đã hành động rất nhanh chóng, đóng cửa biên giới. Họ thiết lập Trung tâm Kiểm soát Dịch vào ngày 20/1/2020 để điều phối hợp tác giữa các cơ quan, và giữa chính quyền với doanh nghiệp.
Một nghiên cứu công bố mới đây trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ đã chỉ ra rõ hơn lý do tại sao mà Đài Loan chống dịch hiệu quả đến vậy. Các tác giả của bản báo cáo đã so sánh tính hiệu quả của 2 loại chính sách ứng phó COVID-19 trong những tháng đầu của đại dịch: Các biện pháp dựa trên số ca nhiễm và dựa trên dân số.
Biện pháp dựa trên số ca nhiễm bao gồm phát hiện người nhiễm thông qua xét nghiệm, cách ly các ca dương tính, truy vết tiếp xúc và cách ly 14 ngày những người tiếp xúc gần với người nhiễm. Trong khi biện pháp dựa trên dân số bao gồm các chính sách đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân và giãn cách xã hội.
Trong khi các nghiên cứu trước thực hiện ở nhiều quốc gia khác đưa ra những viễn cảnh về lý thuyết, thì báo cáo này kết hợp mô hình lây truyền cùng dữ liệu thực tế để đưa ra mức độ hiệu quả. Các tác giả đã thu thập dữ liệu của 158 ca nhiễm trong khoảng từ ngày 10/1 - ngày 1/6/2000 từ CDC Đài Loan. Tất cả các ca nhiễm đều được xác nhận thông qua xét nghiệm PCR.
Sau đó, họ so sánh kết quả của Đài Loan với các nơi khác để đánh giá mức độ thành công trong phòng chống dịch.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ riêng các chính sách dựa trên số ca nhiễm của Đài Loan, như truy vết và cách ly, đã giúp giảm số lượng ca nhiễm đáng kể. Sự can thiệp dựa trên ca nhiễm không chỉ nhằm ngăn chặn sự truyền bệnh từ một người sang người khác, mà còn giúp giảm sự lây truyền từ người thứ hai sang người thứ ba hoặc thứ tư... bởi những người tiếp xúc gần người bệnh đầu tiên đều được cách ly. Các chính sách đeo khẩu trang bắt buộc và giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, cũng giúp Đài Loan phòng chống dịch hiệu quả hơn.
Bản nghiên cứu đưa ra kết luận rằng, chính sự kết hợp giữa hai chính sách trên đã giúp Đài Loan thành công trong ngăn chặn COVID-19. Và không chính sách nào trong số này nên được thực hiện riêng rẽ, mặc dù Đài Loan vốn có hệ thống y tế hiệu quả và công tác truy vết tốt.
Một nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca tại một bệnh viện ở Đài Bắc ngày 22/3/2021. (Nguồn: AFP). |
Từ mô hình chống dịch của Đài Loan, các tác giả bản báo cáo khẳng định rằng, các biện pháp y tế công đang được áp dụng trên toàn thế giới hiện nay - mặc dù mức độ và thời lượng có thể khác nhau - là cần thiết.
Tuy nhiên, các tác giả nhấn mạnh rằng, kết quả nghiên cứu được công bố trong thời điểm mà nhiều chủng biến thể của SARS-CoV-2, có khả năng lây lan nhanh hơn so với chủng gốc, nhưng đó không phải là một vấn đề.
Họ cho rằng việc xét nghiệm và cách ly hiện nay vẫn diễn ra một cách đồng thời. Trường hợp cụ thể là ở Đài Loan, nhưng ở một số khu vực khác lại không như vậy, điển hình như ở Anh - nơi mà khoảng thời gian chậm trễ giữa xét nghiệm, công bố kết quả và cách ly đã khiến cho các biện pháp phòng dịch mất đi tính hiệu quả.
Đài Loan là một hòn đảo, và bằng cách kiểm soát chặt biên giới, họ có thể ngăn chặn số ca nhiễm mới tăng lên. Các tác giả nghiên cứu cũng hiểu rõ về vị trí địa lý đặc thù này, bởi vậy không khẳng định mô hình của Đài Loan có thể áp dụng với các nơi khác trên thế giới.
Các tác giả cũng kết luận rằng, việc truy vết tăng cường là không thể thực hiện được khi hệ thống y tế bị quá tải. Đài Loan không mắc vấn đề đó nhờ áp dụng chiến lược thành công.
Nghiên cứu mới cũng đưa ra những kết quả tương tự đối với cách ly 7 ngày và cách ly 14 ngày, và cho rằng thời lượng cách ly có thể được rút ngắn. Một số quốc gia, trong đó có Mỹ, cũng đang xem xét về việc rút ngắn thời gian cách ly dù chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Nhiều quốc gia trên thế giới nhận thấy rằng họ còn nhiều điều phải học từ Đài Loan trong cách chống dịch COVID-19. Hiện nay, trong lúc nhiều chủng vaccine ngừa COVID-19 đang được phân phối và các chủng biến thể mới COVID-19 trỗi dậy, các nước cần phải nghiên cứu thêm về cách phối hợp các biện pháp y tế công.