Mỹ lặp lại yêu cầu Trung Quốc ngừng cải tạo đảo tại Biển Đông
Trong cuộc họp với Tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, ông Carter một lần nữa nêu quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông. Mỹ kêu gọi Trung Quốc và tất cả các bên tuyên bố chủ quyền chồng lấn dừng cải tạo đất và quân sự hóa vùng tranh chấp, theo đuổi một giải pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Reuters trích dẫn thông cáo của Lầu Năm Góc.
Carter tái khẳng định nỗ lực xúc tiến để hai nước đến tháng 9 đạt được thống nhất về một bản ghi nhớ, nhằm giảm nguy cơ tai nạn khi máy bay hai bên hoạt động gần nhau. Bộ trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh cam kết phát triển "quan hệ quân sự Mỹ-Trung bền vững và thực chất", Lầu Năm Góc cho biết.
Tàu chiến USS Fort Worth của Mỹ tuần tra thường lệ ở Biển Đông hôm 12/5 |
Trung Quốc tháng trước giận dữ khi một máy bay trinh sát Mỹ chở đoàn quay phim bay trên đảo nhân tạo Bắc Kinh đang xây dựng ở Biển Đông. Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục tuần tra tại Biển Đông, bất chấp Trung Quốc phản đối.
Trong khi đó, Úc phản đối Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop ngày 11/6 đã lên tiếng cảnh báo, yêu cầu Trung Quốc không được thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố sẽ chi 425 triệu USD giúp giữ gìn an ninh hàng hải ở vùng biển này.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop |
Theo bà Bishop, Canberra sẽ tiếp tục lên tiếng cho dù Australia có thể bị thiệt hại về mặt kinh tế. Được biết, Biển Đông có vai trò quan trọng đối với Australia khi 60% lượng hàng hóa xuất khẩu và 40% lượng hàng hóa nhập khẩu của nước này đều đi qua vùng biển trên.
Trong khi đó, Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ mới đây đã quyết định chi 425 triệu USD hỗ trợ các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Philippines… duy trì an ninh hàng hải ở Biển Đông cùng với hi vọng đặt nền tảng cho việc thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa quân đội các nước ASEAN cũng như các đối tác ngoài khu vực có lợi ích trong việc đảm bảo hòa bình ở Biển Đông.
Tuần trước, tờ nhật báo The Australian đưa tin Canberra đang xem xét việc điều một máy bay trinh sát hàng hải P-3 bay vào trong vùng 12 hải lý quanh một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Trường Sa. Hiện Bắc Kinh đưa ra yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông, kể cả nhưng nơi rất xa bờ biển Trung Quốc, và đang rầm rộ bồi đắp những bãi đá mà họ kiểm soát tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành những hòn đảo nhân tạo. Bắc Kinh cũng không loại trừ khả năng tuyên bố một ADIZ tại Biển Đông.
Philippines cũng lên tiếng
Ngày 12/6, Philippines sẽ chiếu bộ phim tài liệu gồm 3 phần nhằm bảo vệ lập trường của nước này ở Biển Đông. Bộ phim có nhan đề “Karapatan sa Dagat” (Quyền hàng hải) sẽ được phát trên các đài truyền hình nhà nước nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh 12/6.
Ảnh minh họa |
“Mục đích của chúng tôi là vận động sự ủng hộ của người dân đối với chính sách và hành động của Chính phủ Philippines”, ông Charles Jose, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines nói. Động thái trên của Philippines được đưa ra sau khi Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) chiếu bộ phim tài liệu ngụy biện cho yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý của nước này ở Biển Đông.
Truy cập Ngaynay.vn hàng ngày để cập nhật tin tức Biển Đông mới nhất
Trang Ly (T/h)
Xem thêm:
- Biển Đông hôm nay 12/6: Trung Quốc 'ủ mưu' chiếm Biển Đông từ 30 năm trước
- Biển Đông hôm nay 11/6: Trung Quốc 'vừa ăn cướp vừa la làng'
- Biển Đông hôm nay 10/6: Đã đến lúc Trung Quốc nên 'tự lượng sức mình'
- Biển Đông hôm nay 9/6: Các nước thi nhau tập trận tại Biển Đông, Trung Quốc run sợ?