Ngày 21/2, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ QH làm việc với Kiểm toán nhà nước (KTNN) về việc thực hiện chính sách pháp luật trong đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thực hợp đồng xây dựng - kinh doanh – chuyển giao (BOT).
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, việc đặt quá nhiều trạm thu phí trên đường dài đã đành nhưng trong đường nội bộ khiến người dân bức xúc cần phải xem xét làm rõ thêm tiêu chí lựa chọn dự án BOT trong đó có trạm thu phí.
“Các nước làm một việc quan trọng mà chúng ta không làm là giám sát đánh giá hiệu quả đầu tư như thế nào để có điều chỉnh cần thiết. Các nhà đầu tư ODA gợi ý làm đánh giá để điều chỉnh vay vốn ODA làm dự án, Bộ GTVT có lần xới lên, nhưng cần phải có chủ trương”, ông Long nói.
Theo ông Long, các quy định, vai trò của cấp thẩm quyền quyết định đầu tư là “hữu danh vô thực” làm cho vai trò quản lý nhà nước đối dự án BOT giảm sút, cần phải làm rõ.
“Ai lại coi ông phó ban quản lý dự án lại đi làm thuê cho ông BOT thì còn bảo được ai nữa?”, ông Long cũng cho rằng, đa phần các nhà đầu tư BOT “tự tung tự tác”, chả ai quản lý, làm cho chất lượng công trình không đảm bảo. “Người dân hỏi có ai chống lưng cho ông BOT không mà ông này muốn làm gì thì làm?”, ông Long nêu,
Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh đặt vấn đề có xử lý tổ chức, cá nhân để sai sót như báo có kiểm toán nêu. Những sai sót trong việc đề ra thời gian thu phí quá dài, kiểm toán phải rút ngắn thời gian thu phí từ 10 tháng đến 13 năm không thể nói là nhầm. “Một chủ trương lớn như thế mà để nhóm lợi ích ăn cướp tiền của dân. Chắc có ông nào chống lưng cho BOT”, ông Thanh nhận định.
Nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Hà Văn Hiền cũng lưu ý, việc kiểm soát các dự án BOT còn hạn chế để các chủ đầu tư tự tung tự tác, dẫn đến thất thoát, tiêu cực từ tài chính, chất lượng, thời gian, tiến độ.
Các dự án BOT mang tính chiến lược còn ít, chủ yếu cải tạo nâng cấp trong ngắn hạn. Trong khi việc lập dự án BOT phần lớn do DN làm, cơ quan nhà nước thẩm định phê duyệt. Chính vì vậy dễ dẫn sai sót, có sự thỏa thuận nào đó.
“Tại sao có sự nhầm lẫn giá định mức, nhầm lẫn trong xác định tổng mức đầu tư? Nếu cơ quan quản lý nhà nước chặt chẽ sẽ không có tình trạng này! Tại sao không đấu thầu mà phần lớn chỉ định thầu”, ông Hiền thắc mắc.
Cùng nhận định, ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đặt vấn đề: “Tổ chức hội nghị nhiều khi cũng phải đấu thầu, mà tại sao dự án lớn như thế lại chỉ định thầu”, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế thắc mắc và đề nghị phải qua đấu thầu công khai minh bạch việc này.