Tại Diễn đàn Toàn cảnh TMĐT Việt Nam 2017 ngày 24/2, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) công bố chỉ số TMĐT Việt Nam 2016.
Theo đó TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng là 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số TMĐT với số điểm lần lượt là 78,6; 75,8 và 52,8.
3 địa điểm có chỉ số TMĐT thấp nhất là Bắc Kạn (21,2 điểm), Cà Mau (21,2 điểm) và Lạng Sơn (21,2 điểm).
Chỉ số TMĐT năm 2017 được khảo sát tại 54 tỉnh thành trên cả nước, giảm 9 tỉnh so với danh sách địa phương khảo sát năm trước. Kết quả cho thấy chênh lệch của 2 trung tâm kinh tế lớn là TP.HCM và Hà Nội so với các địa phương còn lại là rất lớn. Riêng khoảng cách giữa địa phương đứng thứ 2 (Hà Nội) và thứ 3 (Đà Nẵng) đã lên tới 23 điểm.
Khoảng cách giữa địa phương xếp đầu là TP.HCM với hai địa phương thấp nhất là Cà Mau và Lạng Sơn lên tới 57,4 điểm.
Cách biệt giữa điểm trung bình của nhóm 5 tỉnh thấp nhất (22,5 điểm) và điểm trung bình của nhóm 5 tỉnh cao nhất (58,5 điểm) lên tới 36 điểm, cao hơn khoảng cách 30,5 điểm của năm 2015; 20,3 điểm so với năm 2014 và 18,0 điểm năm 2013. Có thể thấy xu hướng chênh lệch về sự phát triển TMĐT giữa các địa phương đang tăng dần.
Báo cáo của VECOM cũng cho biết năm 2016 đã có nhiều hoạt động từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp để thu hẹp khoảng cách về mức độ phát triển TMĐT giữa các địa phương đang tăng dần.
Nếu so sánh với xếp hạng năm trước, 3 địa phương có chỉ số TMĐT cao nhất vẫn giữ nguyên là TP.HCM, Hà Nội và Đà Năng. Ba địa phương xếp hạng thấp nhất năm trước là Điện Biên, Lai Châu, Sơn La năm nay không được khảo sát.
Theo ông Nguyễn Trọng Tuyến, Tổng thư ký VECOM, EBI, năm 2017 tiếp tục cho thấy thương mại điện tử Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển nhanh nhưng chưa thực sự bền vững do lòng tin của người tiêu dùng còn thấp và mức chênh lệch rất lớn giữa thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với các địa phương khác.
Trả lời Zing.vn, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng quản lý hoạt động TMĐT, Cục TMĐT & CNTT, Bộ Công Thương cho biết cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hỗ trợ các địa phương có chỉ số TMĐT thấp trong thời gian tới.
Ông Tuấn cho biết Cục TMĐT & CNTT đã có kế hoạch tổng thể giai đoạn 2016-2020 với nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ các địa phương. Các giải pháp về logistic, giải pháp về đào tạo nâng lực quản lý nhà nước về TMĐT, nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT... sẽ giúp các địa phương nâng cao thứ hạng của mình trong tương lai.
Chỉ số thương mại điện tử (viết tắt là EBI từ tiếng Anh E-Business Index) được xây dựng theo các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên bốn nhóm tiêu chí lớn.
Nhóm thứ nhất là nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin. Nhóm thứ hai là giao dịch doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C). Nhóm thứ ba là giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Nhóm thứ tư là giao dịch giữa chính phủ với doanh nghiệp (G2B).
Chỉ số này giúp các đối tượng nhanh chóng xác định được mức độ triển khai thương mại điện trên phạm vi cả nước cũng như tại từng địa phương, sự tiến bộ qua các năm và gợi ý cho mỗi địa phương những giải pháp cần thiết để nâng cao ứng dụng thương mại điện tử.