Christopher Martin sống ở tầng trên một cửa hàng tạp hóa tên là Cup Foods, phía Nam thành phố Minneapolis. Cậu làm thu ngân cho Cup Foods. Martin yêu thích công việc này, đồng nghiệp và khách hàng thân thiện, cậu có thể nhớ mặt tất cả những vị khách quen, đồ họ hay mua, nhãn hiệu thuốc lá mà họ thường sử dụng. Quãng thời gian ấy chăm chỉ và đầy ắp tiếng cười.
Nhưng vào ngày 25/5 năm ngoái, một cuộc gặp với vị khách lạ mặt đã đảo lộn cuộc đời Martin, và khơi mào cho một chuỗi sự kiện trên khắp thế giới, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng.
Đó là George Floyd, người đàn ông da đen đã ghé vào Cup Foods để mua một bao thuốc lá. Martin nhận từ George Floyd một tờ 20 đô la, và cậu cho đó là tờ tiền giả. Martin đã báo cho người quản lý, rồi một đồng nghiệp đã gọi cảnh sát. Sau đó, George Floyd chết - sau 9 phút 29 giây giãy giụa đầy bất lực dưới đầu gối của gã cảnh sát da trắng lạnh lùng. Martin chứng kiến tất cả với vẻ mặt bàng hoàng.
Ngày 28/8/2020, đoàn biểu tình mang theo các áp phích có hình George Floyd khi diễu hành từ Đài tưởng niệm Lincoln đến Đài tưởng niệm Martin Luther King Jr. ở Washington. (Ảnh: Carolyn Kaster) |
Chỉ trong vài giờ, thành phố Minneapolis tràn ngập những lời chỉ trích, thế giới bùng lên những cuộc biểu tình và đấu tranh phản đối nạn phân biệt chủng tộc. Và nhiều tháng sau cái chết đó, Martin chìm sâu vào cảm giác tội lỗi và hối hận.
Trong vòng một tuần kể từ khi George Floyd bị gã cựu cảnh sát Derek Chauvin sát hại, Martin nghỉ việc, và cùng gia đình chuyển khỏi căn hộ phía trên Cup Foods. Cậu cảm thấy không an toàn và lo sợ sẽ bị cảnh sát trả thù.
Sau một thời gian đấu tranh, cuối cùng Martin cũng nhận đứng ra làm nhân chứng trong phiên tòa xét xử vụ giết người của Chauvin - một trong những vụ án quan trọng và được theo dõi sát sao nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.
Vụ giết hại Floyd đã ám ảnh Martin rất nhiều trước khi phiên tòa thực sự diễn ra. Đôi khi cậu chế ngự được cảm giác tội lỗi, lúc khác cậu lại để cảm xúc đó gặm nhấm chính mình và yên lặng chờ khoảnh khắc đó trôi qua. Martin đã phải viện đến sự giúp đỡ và tư vấn của nhà thờ và người thân.
“Đó là một loại cảm giác như trong Ma trận, một loại trải nghiệm ngoài khả năng kiểm soát của cơ thể. Cảm giác không thật. Không thể giải thích. Hoàn toàn bất lực. Em biết có rất nhiều điều trong cuộc sống mà mình không thể kiểm soát được. Nhưng cảm giác còn kinh khủng hơn khi điều đó diễn ra ngay trước mắt. Em chỉ ước giá như mình có thể rút lại những quyết định mới vừa đưa ra. "
Trong phiên tòa, Martin đã nói với bồi thẩm đoàn về những gì đã xảy ra và cảm giác của mình lúc đó. Tòa án đã xem đoạn phim CCTV ghi lại cảnh Martin đi lại trên vỉa hè, hai tay ôm lấy đầu khi Floyd bị các cảnh sát đè xuống đất. Martin đã có cảm giác “không-thể-tin-nổi và tội lỗi” trong đoạn ghi hình. Đây là lần đầu tiên Martin đến phòng xử án và cậu biết rằng cả thế giới đều đổ dồn sự chú ý vào những lời khai của mình. Cậu cảm thấy lo lắng, mồ hôi lạnh túa ra ướt đẫm. Martin cảm thấy thật may vì đã không nhìn thấy Derek Chauvin khi tòa lấy lời khai.
“Em đã cảm thấy tội lỗi trong suốt thời gian dài, trước khi phiên tòa diễn ra. Quyết định lúc đó cứ hiện lại mãi trong đầu. Điều gì sẽ xảy ra nếu em chỉ đơn giản nói là anh ấy không thể mua thuốc với tờ tiền đó?” – Martin chia sẻ sau phiên tòa.
Có khả năng cậu sẽ phải ra làm chứng một lần nữa. Ba sĩ quan khác liên quan đến vụ bắt giữ Floyd đã bị các công tố viên địa phương buộc tội về vụ việc và đầu tháng này, chính phủ liên bang đã công bố một loạt cáo buộc dân quyền riêng đối với cả bốn sĩ quan có liên quan.
Martin đã bật khóc khi rời khỏi phiên tòa. Cậu từng thấy tội lỗi, nhưng chưa từng khóc vì George Floyd những tháng trước phiên tòa, nhưng việc cung cấp lời khai về vụ giết người với một cậu thiếu niên 19 tuổi vẫn là một điều quá sức.
“Sự buồn bã và đau thương cứ như những trận sóng ập đến từ hư không. Em nghĩ lúc đó khóc được cũng thật tốt. Cảm giác giống như một sự giải thoát.”
Và Martin có thể cảm thấy sức nặng của cảm giác tội lỗi dần tan đi.