Canh bạc rủi ro của Facebook

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bằng cách cắt đứt nguồn tiếp cận tin tức của hơn 13 triệu người dùng tại Australia, Mark Zuckerberg cùng các cộng sự tại Facebook đang đưa ra thông điệp cứng rắn cho các thể chế truyền thống: dỡ bỏ các rào cản hoặc chìm trong bóng tối.
Canh bạc rủi ro của Facebook

Kể từ sáng ngày 18/2, người dùng Facebook tại Australia không thể chia sẻ hoặc tiếp cận các đường dẫn tin tức trên nền tảng mạng xã hội này. Lệnh cấm này bắt nguồn từ sự phản đối của Facebook đối với dự luật mới, trong đó chính phủ Australia quy định công ty công nghệ này phải trả tiền cho các hãng truyền thông địa phương.

Tuy nhiên, lệnh cấm này đồng thời xóa sổ các trang cung cấp thông tin cứu hộ, môi trường, y tế vốn hết sức cấp thiết cho người dùng Australia. Động thái mang tính "vùi dập" này đã đẩy cả công dân và chính trị gia trên cả nước, cùng các chính phủ trên khắp thế giới, ủng hộ dự luật mới.

Theo Stephen Scheeler - cựu giám đốc điều hành của Facebook tại Australia và New Zealand, Facebook đang đánh một canh bạc lớn, “bằng cách thực hiện đường lối cứng rắn với một cường quốc hạng trung như Australia, đây sẽ là thông điệp thách thức gửi tới các thể chế khác".

"Khi làm bẽ mặt một chính phủ trước mặt thế giới, bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lún sâu. Vụ việc giữa Australia và Facebook có thể là chất xúc tác cho cải cách toàn cầu thực sự. Đây có thể là thời điểm cả thế giới ngồi dậy và bắt đầu hành động nghiêm túc để đặt trách nhiệm với xã hội lên các công ty Big Tech", ông Scheeler nói.

Không chọn đường lối cứng rắn như Facebook, một đại gia công nghệ khác là Google đã dàn xếp thành công thỏa thuận hợp tác với 3 công ty truyền thông lớn nhất của Australia, bao gồm Seven West Media, Nine Entertainment và NewsCorp.

Để tránh đặt ra tiền lệ pháp lý về việc trả tiền cho các hãng thông tấn, Google đã thực hiện các giao dịch có quy mô tương tự với các công ty truyền thông lớn và nhỏ của Australia. Trong khi đó, chính phủ Australia đã đạt được mục đích của mình là buộc các công ty nước ngoài trả tiền cho doanh nghiệp địa phương.

Thỏa thuận này thậm chí tạo ra sân chơi cạnh tranh giữa các hãng thông tấn và các nền tảng độc quyền mà họ không thể tránh được khi kinh doanh.

Việc vận động hành lang của hãng thông tấn News Corp có lẽ đã giúp thuyết phục chính phủ Australia hành động theo khuyến nghị của cơ quan quản lý cạnh tranh. Với tư cách là hãng thông tấn lớn nhất cả nước, News Corp sẽ thu được những lợi ích đáng kể từ dự luật mới này.

Sau lệnh cấm của Facebook, ứng dụng tin tức của hãng ABC News hiện đang đứng ở vị trí số 1 trong bảng xếp hạng lượt tải. Ngoài ra, ứng dụng đọc báo này cũng dẫn đầu trong bảng xếp hạng ứng dụng tổng thể của App Store ở Australia.

Theo NiemanLab, lệnh cấm của Facebook đã thu hẹp đáng kể lượng người xem đối với một số hãng tin Australia, khiến lượng truy cập giảm 93% một ngày sau khi lệnh cấm có hiệu lực, theo số liệu của trang NiemanLab.

Để đáp trả lại động thái của Facebook, ứng dụng ABC News đã thêm một biểu ngữ vào trang chủ của mình: “Bỏ lỡ tin tức của chúng tôi trên Facebook? - Nhận tin tức mới nhất và thông báo trực tiếp với ứng dụng ABC News.

Việc độc giả trực tiếp truy cập vào các nền tảng tin tức thay vì thông qua Facebook như trước lại đang tạo ra tín hiệu tích cực cho các hãng thông tấn Australia.

Phát biểu trên đài phát thanh Australian Broadcasting Corp, Bộ trưởng Tài chính Australia Simon Birmingham cho rằng dự luật sắp được thông qua sẽ đáp ứng sự cân bằng phù hợp.

Theo ông Birmingham, quy định này sẽ giúp các hãng thông tấn trong nước được trả phí một cách công bằng và hợp lệ.

Dự luật cũng sẽ cho phép chính phủ có quyền chỉ định một trọng tài để thiết lập chi phí cấp phép nội dung nếu các cuộc đàm phán riêng giữa hai bên không thành công.

“Không có lý do gì Facebook không thể làm và đạt được những gì Google đã làm được”, ông Birmingham nói thêm.

Theo biên tập viên Lenore Taylor của tờ The Guardian, Facebook giờ chỉ còn hai lựa chọn. Một là thỏa thuận với các hãng thông tấn như cách Google đã làm, hoặc là "cuốn gói" khỏi Australia.

Facebook lập luận rằng báo chí có một lợi ích “tối thiểu” đối với hoạt động kinh doanh của mình, đó là chỉ khoảng 4% nội dung mà người dùng xem là trên news feed của họ. Theo logic đó, thì Facebook nếu phải trả phí thì cũng sẽ chỉ bỏ ra một khoản tiền nhỏ hơn nhiều so với Google.

Lệnh cấm của Facebook cũng sẽ làm dấy lên lo ngại, đặc biệt là đối với các tòa soạn địa phương, các tổ chức phi chính phủ.

Nhưng điều này cũng làm nổi bật những nguy cơ đối với họ khi quá phụ thuộc vào một bên thứ ba sẵn sàng "rút phích cắm" ngay trong đêm mà không có cảnh báo. Một số tổ chức và tòa soạn đã và đang suy nghĩ về cách thức đa dạng hóa kênh phân phối các bài viết, sản phẩm của mình.

Và nếu Facebook vẫn đứng ngoài cuộc, chắc chắn sẽ có những đối thủ cạnh tranh khác nhảy vào thế chỗ và dư luận càng có thiện cảm xấu về các ông lớn công nghệ, đặc biệt là Facebook.

Canh bạc của Facebook là Australia sẽ không thể sống nếu thiếu mạng xã hội này. Nhưng nền tảng này vẫn chưa tưởng tượng ra hậu quả nếu người dân Australia chúng minh rằng họ đã sai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.