Ông Victor Khureya, Giám đốc điều hành của công ty vận tải biển Gander & White cho biết: “Tôi chưa từng thấy điều gì như thế này kể từ cuộc suy thoái năm 2008. Ước tính cước vận chuyển hàng không từ châu Âu đến Trung Quốc, Malaysia và Nhật Bản tăng từ 8 đến 12 lần so với chi phí thông thường."
Tình hình có vẻ còn bi đát hơn ở những nơi khác. Ông Edouard Gouin, người đồng sáng lập Convelio, một công ty hậu cần vận chuyển hàng mỹ nghệ, nói rằng một khách hàng Trung Quốc gần đây đã được báo giá 58.000 USD để gửi một container đến Bắc Âu. Theo ông, hành trình này sẽ có giá khoảng 3.000 đô la vào đầu năm 2021, ghi nhận một mức tăng gấp khoảng 20 lần chỉ trong quý 1. Gouin nói thêm rằng mặc dù không ai có thể dự đoán được tình huống phát triển nhanh chóng như vậy, nhưng ông không hy vọng mọi thứ sẽ dịu đi “ít nhất là trong ba tháng tới”. Cả hai đơn vị vận chuyển đều nói rằng các phòng trưng bày thương mại đều đã hủy đơn đặt hàng do chi phí tăng cao.
Điều này ảnh hưởng thế nào đối với các hội chợ sắp tới hiện vẫn còn được theo dõi chặt chẽ. Người phát ngôn của Hội chợ Nghệ thuật Quốc tế Art Basel cho biết: “Đây là một tình huống đang phát triển nhanh chóng và chúng tôi sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với các phòng trưng bày để hỗ trợ tốt nhất cho sự tham gia của họ trong những tuần và tháng tới.”
Mặc dù hội chợ Hongkong (25-29/5) là hội chợ đầu tiên bị ảnh hưởng, người phát ngôn của hội chợ nói rằng nhiều nhà triển lãm đã tiến hành vận chuyển tác phẩm của mình, và Art Basel đã đàm phán về việc lưu trữ miễn phí trong thành phố với các đối tác vận chuyển. Họ nói thêm rằng các phòng trưng bày rút khỏi Hongkong hiện phải chịu phí hủy bỏ thông thường, trong khi rút khỏi hội chợ Basel ở giai đoạn này sẽ khiến các nhà triển lãm phải trả 50% phí gian hàng.
Frieze, công ty tổ chức Hội chợ Seoul khai mạc vào tháng 9, từ chối bình luận về vấn đề này. Được biết, họ đang sát sao theo dõi tình hình, và các phòng trưng bày vẫn có thời gian cân nhắc rút khỏi sự kiện đến tháng 6, và vẫn nhận được khoản hoàn tiền đầy đủ.
Trong khi đó, Angus Montgomery Arts, nhà tổ chức hội chợ lớn nhất Châu Á, vẫn chưa công bố kế hoạch dự phòng cho việc hủy bỏ hội chợ. Một phát ngôn viên của công ty cho biết họ vẫn đang theo dõi tình hình. Người phát ngôn của Gian hàng Hàn Quốc tại Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế Venice Biennale tháng này nói rằng chi phí vận chuyển bằng đường hàng không đã “chiếm rất nhiều” ngân sách của họ.
Một số tác động trực tiếp được các đơn vị vận chuyển dự đoán bao gồm các công trình nhỏ hơn và ít cồng kềnh hơn được gửi qua tuyến Á-Âu. Hơn nữa, vận chuyển hàng hóa đường biển dự kiến sẽ tăng mạnh, vì bay vòng quanh Nga có thể kéo dài thêm 5 giờ cho một hành trình. Ông Gouin nói: “Vận tải đường biển đã là thứ mà rất nhiều khách hàng của chúng tôi cân nhắc vì lý do môi trường, bởi loại hình này sử dụng ít nhiên liệu hơn 10 lần so với bay bằng đường hàng không."
Các nguyên nhân khác ít rõ ràng hơn đằng sau việc giá cả tăng vọt là tỷ lệ bảo hiểm tăng cao và sự thiếu hụt nghiêm trọng của các phương tiện chở hàng và container. Nga sở hữu một tỷ lệ lớn tàu, container và các loại máy móc khác, không loại nào hiện có thể sử dụng được. Giá các loại xe còn lại vì thế tăng cao do nhu cầu ồ ạt tăng. Ông Khureya cho biết: “Tình hình đã đến mức đỉnh điểm kể từ khi đại dịch bùng phát, khiến các chuyến bay bị gián đoạn và gây ra tình trạng thiếu hụt lao động và nguyên vật liệu cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng. Cuộc chiến này chỉ làm cho tình hình khó khăn trở nên tồi tệ hơn."
Tuy nhiên, chắc chắn đây là thời điểm sinh lợi để làm việc trong lĩnh vực vận chuyển. Công ty vận tải và vận chuyển container của Pháp CMA-CGM, công ty lớn thứ ba trên thế giới, đã báo cáo lợi nhuận 23,1 tỷ euro vào năm 2021, nhiều hơn cả hai ngân hàng lớn nhất của Pháp là BNP Paribas và Société Générale cộng lại.