Chiến dịch tiêm chủng 'thần tốc' của Bhutan

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tại Vương quốc Bhutan, hơn 60% người dân được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Giới chức y tế nước này đã dùng tới máy bay trực thăng, thậm chí đã phải đi bộ qua lớp băng tuyết, để tiếp cận được những ngôi làng này nhằm đẩy nhanh quá trình tiêm chủng.
Một nhà sư được tiêm chủng vaccine ở Thimphu, thủ đô của Bhutan, vào ngày đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng. Ảnh: AFP
Một nhà sư được tiêm chủng vaccine ở Thimphu, thủ đô của Bhutan, vào ngày đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng. Ảnh: AFP

Tại Lunana, một trong những khu vực xa xôi nhất của Bhutan, nơi có rất nhiều hồ băng và những triền núi hiểm trở, điều đáng ngạc nhiên là hầu hết người dân sống tại đây đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Các liều vaccine AstraZeneca đã được vận chuyển đến Lunana bằng máy bay hồi tháng trước. Các nhân viên y tế đã phải di chuyển liên tục từ ngôi làng này sang ngôi làng khác trong tiết trời lạnh giá, khắc nghiệt.

“Tôi đã chủ động đăng ký tiêm phòng để chứng minh với những người dân làng mình rằng loại vaccine này không gây tử vong và an toàn để sử dụng", ông Pema, một trưởng làng ở Lunana, chia sẻ. "Sau đó, tất cả mọi người đều đồng ý tiến hành tiêm chủng".

Chiến dịch tiêm chủng 'thần tốc' của Bhutan ảnh 1

Trực thăng đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối vaccine đến các vùng núi Bhutan. Ảnh: Bộ Y tế Bhutan

Chiến dịch tiêm chủng của Lunana là một phần trong câu chuyện thành công của cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh diễn ra một cách thầm lặng tại Bhutan – một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á.

Tính đến cuối tuần vừa qua, đã có 478.000 người Bhutan được tiêm vaccine, chiếm hơn 60% dân số. Bộ Y tế Bhutan cho biết trong tháng 4, hơn 93% người lớn đủ điều kiện tại quốc gia này đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Kế hoạch tiêm mũi đầu tiên cho người dân của chính phủ Bhutan được thực hiện tại khoảng 1.200 trung tâm tiêm chủng trong khoảng thời gian từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Tính đến ngày 17/4, tỷ lệ tiêm chủng của quốc gia này cao thứ 6 trên thế giới.

Tỷ lệ này cao hơn Vương quốc Anh và Mỹ, hơn 7 lần so với nước láng giềng Ấn Độ và gần 6 lần mức trung bình toàn cầu. So với một số quốc gia bị cô lập về mặt địa lý với tỷ lệ dân số thấp, như Iceland hay Maldives, Bhutan vượt trội hơn hẳn về tỷ lệ tiêm vaccine.

Theo Bộ trưởng Y tế Bhutan Dasho Dechen Wangmo, thành công mà quốc gia này có được là nhờ vào “sự lãnh đạo và hướng dẫn” từ Quốc vương, tính đoàn kết của cộng đồng, sự tin tưởng vào tính an toàn của vaccine.

Bà Dechen Wangmo cũng cho biết hệ thống chăm sóc sức khỏe căn bản đã cho phép nước này “sử dụng mọi nguồn lực một cách tối đa để triển khai tiêm chủng ở những vùng xa xôi của đất nước".

“Là một quốc gia nhỏ với dân số chỉ hơn 750.000 người, một chiến dịch tiêm chủng kéo dài 2 tuần hoàn toàn nằm trong tầm tay chúng tôi”, bà Dechen Wangmo cho biết. "Vẫn còn một số vấn đề nhỏ trong công tác hậu cần khi quá trình tiêm chủng được thực hiện, nhưng tất cả đều đều được kiểm soát được".

Tất cả các liều vaccine được sử dụng tại Bhutan cho đến nay đều được sản xuất bởi Viện Huyết thanh của Ấn Độ – nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, và được tài trợ bởi Ấn Độ.

Chính phủ Bhutan cho biết họ có kế hoạch tiêm liều vaccine thứ hai khoảng 8 đến 12 tuần sau đợt đầu tiên, phù hợp với hướng dẫn của hãng dược phẩm AstraZeneca.

Chiến dịch tiêm chủng 'thần tốc' của Bhutan ảnh 2

Người dân thủ đô Thimpu đeo khẩu trang khi ra ngoài đường. Ảnh: AFP

Will Parks, đại diện UNICEF tại Bhutan, cho biết giai đoạn tiêm chủng đầu tiên của nước này là một “câu chuyện thành công, không chỉ về phạm vi bao phủ mà còn về cách thức tiến hành tiêm chủng được thực hiện từ khi kế hoạch này được đề ra".

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân ở Bhutan được triển khai hoàn toàn miễn phí, nhưng hệ thống y tế này của nước này “gần như không thể tồn tại lâu dài”.

"Những bệnh nhân cần điều trị đặc biệt hoặc phức tạp thường sẽ được chuyển đến Ấn Độ hoặc Thái Lan và chi phí sẽ do chính phủ chi trả", tiến sĩ Yot Teerawattananon, chuyên gia kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết. "Điều này sẽ khiến cho ngân sách quốc gia của Bhutan bị ảnh hưởng nặng nề".

Mỗi tuần, một ủy ban thuộc chính phủ Bhutan lại nhóm họp để quyết định bệnh nhân nào được đưa ra nước ngoài điều trị. Ủy ban này thường sẽ tập trung vào các ca phẫu thuật não và tim, cấy ghép thận và điều trị ung thư.

“Tôi không nghĩ rằng hệ thống y tế của Bhutan có thể đối phó với sự gia tăng các ca bệnh COVID-19, vì vậy họ phải ưu tiên tiêm vaccine", tiến sĩ Yot nhận định.

Bhutan hiện ghi nhận chưa đến 1.000 ca mắc COVID-19 và chỉ có 1 trường hợp tử vong. Kể từ khi đại dịch bùng phát, bất kỳ ai nhập cảnh vào Bhtan đều phải thực hiện cách ly trong 21 ngày, đây cũng là quốc gia kiểm soát biên giới chặt chẽ nhất trên thế giới.

Ông Kaka - người đứng đầu khu vực Lunana, cho biết phần quan trọng nhất của chiến dịch tiêm chủng không “nằm dưới mặt đất” mà là “trên bầu trời”. “Nếu không có trực thăng, việc tiêm vaccine sẽ gặp vấn đề rất lớn, vì sẽ không có cách tiếp cận được khu vực này”, ông cho biết.

Theo New York Times
Viettel khởi công trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn quy mô siêu lớn đầu tiên tại Việt Nam
Viettel khởi công trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn quy mô siêu lớn đầu tiên tại Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 23/4/2025, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức Lễ khởi công trung tâm dữ liệu & Nghiên cứu phát triển công nghệ cao Viettel tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Đây sẽ là trung tâm dữ liệu (TTDL) quy mô siêu lớn, thuộc Top 10 khu vực Đông Nam Á.
TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 9.000 tỷ đồng chia cổ tức 15% bằng tiền mặt và cổ phiếu
TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 9.000 tỷ đồng chia cổ tức 15% bằng tiền mặt và cổ phiếu
(Ngày Nay) - Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – HOSE: TPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025. Tại đại hội, cổ đông thống nhất thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng, đặc biệt là phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt, 5% bằng cổ phiếu.