"Thế hệ sau không biết chiến tranh tàn khốc đến mức nào"
Cuộc xung đột nổ ra vào tháng 6 năm 1950 và kết thúc ba năm sau đó, với một hiệp ước đình chiến chứ không phải là một hiệp ước hòa bình chính thức, sau khi hai miền Triều Tiên và các đồng minh của họ giằng co trong thế bế tắc.
Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn còn chiến tranh cho đến ngày nay, khu phi quân sự (DMZ) nằm dọc theo vĩ tuyến 38 từ lâu đã được coi là "vết sẹo" của thời kỳ Chiến tranh Lạnh vốn đã rơi vào dĩ vãng.
Cụ ông Yang Tae-sung, 89 tuổi, nhớ rất rõ ngày hè khi quân đội miền Bắc nổ súng tràn sang phía bên kia biên giới.
Đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Yang tái nhập ngũ vào ngày 25/6 năm 1950, rồi cùng cả đơn vị lên xe ra thẳng chiến trường phía bắc Seoul.
"Quân đội Hàn Quốc lúc bấy giờ được trang bị hết sức yếu kém và hoàn toàn không chuẩn bị cho chiến tranh", ông Yang nhớ lại. "Chỉ có khoảng 103.000 binh sĩ và không có lấy một chiếc xe tăng."
Binh sĩ Hàn Quốc tham gia trận đánh tại Incheon năm 1950. Ảnh: Getty Images |
Trong khi đó, Quân đội Nhân dân Triều Tiên do Liên Xô hậu thuẫn có quân số gần gấp đôi, được hỗ trợ bởi hàng trăm xe tăng, máy bay chiến đấu và tàu chiến.
Ông Yang làm nhiệm vụ cung cấp đạn dược cho quân đội ngoài tiền tuyến và thấu hiểu sự tàn khốc của chiến tranh. Trong một trận ném bom, ông đã mất đi một người bạn thân và mang theo vết sẹo trên đùi trái tới suốt đời.
"Khi tôi tỉnh lại sau vụ ném bom, tôi thấy máu chảy ra từ người bạn mình", ông Yang rưng rưng. "Những mảnh đạn pháo đã xuyên thủng bụng anh ấy".
Một thương binh Hàn Quốc hút thuốc. Ảnh: Getty Images |
Yang cho biết ông hy vọng thay vì chiến tranh, hai miền Triều Tiên sẽ được thống nhất nhờ con đường hòa bình.
"Chính quyền Seoul phải luôn chuẩn bị cho một cuộc xâm lược khác. Thế hệ sau này không biết Chiến tranh Triều Tiên tàn khốc đến mức nào", ông Yang chia sẻ.
"Khát vọng thống nhất là vô nghĩa"
Sinh ra 6 năm sau hiệp định ngừng bắn, Yang Kyung-mo trưởng thành trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, khi miền Bắc vẫn thỉnh thoảng tiến hành các cuộc tấn công vào miền Nam.
"Ngay từ nhỏ, tôi đã được dạy rằng Triều Tiên không có ý tốt với Hàn Quốc", người đàn ông 61 tuổi nói.
Vào năm ông Yang 9 tuổi, chính quyền Bình Nhưỡng đã phái một đội biệt kích nhằm ám sát Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee. Nhóm biệt động này đã bị chặn lại trong một cuộc đấu súng khiến hàng chục người chết ở cả hai phía.
6 năm sau, Bình Nhưỡng tiếp tục thực hiện một âm mưu ám sát Park Chung-hee, dù không thành công nhưng điệp viên Triều Tiên đã giết chết đệ nhất phu nhân miền Nam trong buổi lễ kỷ niệm Ngày giải phóng năm 1974.
Ông Yang nhớ lại không khí sục sôi những cuộc tuần hành phản đối miền Bắc khi còn ở trường tiểu học và được tham gia các khóa học quân sự khi học trung học.
Dù hiểu được những "chấn thương suốt đời" mà thế hệ của cha mình phải chịu đựng, ông Yang coi khát vọng thống nhất hai miền của họ là "vô nghĩa".
"Tôi không nghĩ bất kỳ điều tốt đẹp nào sẽ đến từ sự sụp đổ của chính quyền Triều Tiên", ông nói.
"Tôi từng rất lạc quan về vấn đề thống nhất"
Yang Hee-kon (30 tuổi), chưa bao giờ quan tâm đến những câu chuyện chiến tranh của ông nội mình. Và cho đến khi anh nhập ngũ, nhận thức của anh về Chiến tranh Triều Tiên chủ yếu đến từ các bộ phim hay phim truyền hình.
Tất cả nam công dân Hàn Quốc có nghĩa vụ phải phục vụ trong quân đội gần 2 năm, lực lượng này chiếm phần lớn trong số 600.000 binh sĩ Hàn Quốc, trong khi đó con số tại Triều Tiên là 1,3 triệu quân.
Sau khi nhập ngũ, Yang được đưa tới đóng quân tại khu vực DMZ.
Lính Hàn Quốc đứng gác tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm trong khu phi quân sự. Ảnh: AFP |
"Khi chính bản thân mình nhìn thấy khu vực hàng rào dây thép gai không có người sinh sống, tôi mới thực sự hiểu được những gì ông và cha mình hay kể lại. Khi đã đặt chân tới đây, mọi thứ trở cực kỳ chân thực."
Trong hai năm ở quân ngũ, Yang đã chứng kiến Triều Tiên đánh chìm một tàu chiến Hàn Quốc và pháo kích một hòn đảo biên giới, làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc xung đột vũ trang lớn hơn.
"Nó giống như chiến tranh đã ở ngay trước mắt chúng tôi", thành viên trẻ nhất của gia đình Yang nói. "Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm hơn."
Nhưng khi đã giải ngũ và quay về với cuộc sống thường nhật, Yang cho biết mối quan tâm của anh đối với việc thống nhất đất nước có phần "nguội lạnh".
Người trẻ Hàn Quốc ngày nay trưởng thành trong một nền dân chủ văn hóa sôi nổi và thường ít để tâm tới những biến động với miền Bắc, dù ngay phía bên kia biên giới là cả một kho vũ khí hạt nhân sẵn sàng nhắm vào miền Nam.
"Tôi không có suy nghĩ sâu sắc về quan hệ liên Triều", Yang nói thêm. "Trước đây tôi từng rất lạc quan, nhưng bây giờ tôi nghĩ rằng việc thống nhất vô điều kiện có thể là điều tồi tệ về mặt kinh tế."