Người thực sự hưởng lợi từ căng thẳng liên Triều

(Ngày Nay) - Vào ngày 10/2 năm 2018, Kim Yo-jong đã đặt bước chân đầu tiên trên con đường trở thành một chính trị gia quyền lực như mong ước của cha cô.

Người thực sự hưởng lợi từ căng thẳng liên Triều

Cô con gái út của cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il là thành viên đầu tiên của gia tộc họ Kim đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc kể từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên tạm chấm dứt vào năm 1953.

Đêm trước, cô đã tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông ở Pyeongchang, Hàn Quốc. Kim Yo-jong ngồi sau Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và quan sát hàng trăm vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên diễu hành dưới một lá cờ đại diện cho một bán đảo Triều Tiên thống nhất.

Việc xuất hiện bên cạnh những lãnh đạo cấp cao của thế giới như Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hoặc Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã khiến vị thế của Kim Yo-jong được nâng tầm trước truyền thông quốc tế.

Người thực sự hưởng lợi từ căng thẳng liên Triều ảnh 1

Kim Yo-jong xuất hiện tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, bên tay trái cô là Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.

Và cao trào trong màn trình diễn của cô con gái họ Kim trên đất Hàn Quốc đó là chuyến thăm tới phủ Nhà Xanh của Tổng thống Moon.

Kim Yo-jong đã trở thành thành viên đầu tiên trong gia tộc của mình đặt chân vào cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia đối địch.

Buổi sáng sau lễ khai mạc, Kim ngồi trên một chiếc xe màu đen tiến vào Nhà Xanh. Cô bước xuống thảm đỏ với tư thế ngẩng của một nguyên thủ quốc gia. Cô chọn một bộ trang phục màu đen cùng một chiếc túi xách cùng màu, tông màu tối khiến tất cả chú ý đến chiếc ghim cài áo màu đỏ trên ngực trái với khuôn mặt của ông nội (Chủ tịch Kim Nhật Thành) và cha mình đang mỉm cười.

Nhưng ngay khi bước tới ngưỡng cửa Nhà Xanh, cô dừng chân và nhìn sang trái để chờ một nhân vật khác bước vào trước, người đó là Kim Yong-nam, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị Nhân dân tối cao Triều Tiên, về lý thuyết người đàn ông này là nguyên thủ quốc gia của Triều Tiên.

Người thực sự hưởng lợi từ căng thẳng liên Triều ảnh 2

Kim Yo-jong cùng ông Kim Yong-nam tới thăm phủ Nhà Xanh của Tổng thống Hàn Quốc.

Kim Yo Jong là người phụ trách công tác tuyền truyền của Triều Tiên vào thời điểm đó, và khả năng xây dựng hình ảnh của cô đã được thể hiện trong chuyến thăm Hàn Quốc.

Park Ji-won, Chánh Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, cho biết sau 4 lần gặp Kim Yo Jong, ông đã bị ấn tượng trước một người phụ nữ uyên bác và có bản lĩnh vượt xa tuổi tác.

"Cô ấy giống cha và anh trai mình", ông Park nói. "Cô ấy rất thông minh và ứng biến nhanh. Cô ấy lịch sự, nhưng luôn biết bày tỏ quan điểm của mình".

Chuyến thăm Hàn Quốc trong 3 ngày của Kim Yo-jong đã giúp đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên của Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in.

Vai trò của Kim Yo-jong không chỉ là một người đưa tin thông thường, cô đã thiết lập cho mình vị thế vững chắc để trở thành người quyền lực thứ hai của Triều Tiên sau người anh trai Kim Jong-un.

“Tương lai của sự thịnh vượng thống nhất”

Vào lúc 1 giờ sáng ngày 31/5, tổ chức "Những người đấu tranh cho một Triều Tiên tự do" đã tập trung ở phía nam biên giới, gần khu phi quân sự chia đôi bán đảo Triều Tiên.

Đây là nhóm những người Triều Tiên lưu vong, họ đã lên kế hoạch rải truyền đơn bằng cách buộc vào bóng bay để thả sang phía bên kia biên giới.

Đã có tổng cộng 20 quả bóng bay lớn với 500.000 tờ rơi, 500 tập sách và 1.000 thẻ nhớ chứa các nội dung tuyên truyền chống phá chính quyền Bình Nhưỡng.

Người thực sự hưởng lợi từ căng thẳng liên Triều ảnh 3

Nhóm người lưu vong Triều Tiên đã thả truyền đơn về quê nhà.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, phía Triều Tiên đã hết sức giận dữ bởi nước này đang trong thời điểm ngăn ngừa mầm bệnh COVID-19 xâm nhập từ bên ngoài. Chính quyền miền Bắc cho rằng hành động của nhóm người lưu vong này không chỉ làm tổn hại tới an ninh quốc gia mà còn phá hỏng các nỗ lực phòng dịch.

Và đây cũng là lúc Kim Yo-jong xuất hiện trước truyền thông quốc tế.

Kim cho biết việc rải truyền đơn là vi phạm trực tiếp thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào tháng 4 năm 2018. Theo đó, cả hai nhà lãnh đạo đã đồng ý chấm dứt "tất cả các hành vi thù địch và loại bỏ các hình thức tuyên truyền, bao gồm phát thanh qua loa và phát tờ rơi" dọc theo biên giới chung.

Văn bản này không phân biệt giữa các chiến dịch tuyên truyền do chính phủ tiến hành và các chiến dịch tự phát của các cá nhân. Kim Yo-jong cho biết Triều Tiên sẽ cắt đứt mọi liên lạc với Hàn Quốc, bao gồm cả một đường dây nóng kết nối trực tiếp giữa lãnh đạo của hai nước.

Cô yêu cầu chính phủ Hàn Quốc trừng phạt những "kẻ phản bội dám làm tổn hại đến uy tín tuyệt đối của Lãnh tụ tối cao Triều Tiên”.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết họ đã yêu cầu cảnh sát điều tra những người đứng sau vụ rải truyền đơn. Tuy nhiên, động thái này vẫn không thể làm phía Triều Tiên hài lòng.

30 tháng trước, vào ngày Kim Yo-jong tới thăm Nhà Xanh, cô cảm ơn Tổng thống Moon vì đã hỏi thăm cô trong buổi lễ khai mạc và viết vào sổ lưu niệm rằng cô “mong chờ một tương lai thịnh vượng thống nhất”.

Hôm thứ Ba, Kim đã ra lệnh cho nổ tung văn phòng liên lạc hai miền ở Kaesong trị giá 8 triệu USD do phía Hàn Quốc xây dựng, với tuyên bố để chính quyền miền Nam “trả giá cho tội lỗi của họ”.

Người thực sự hưởng lợi từ căng thẳng liên Triều ảnh 4

Kim Yo-jong bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp năm 2018.

Các cuộc đàm phán cấp thấp giữa hai bên đã không đi đến đâu và phía Triều Tiên tin rằng họ đã bị lừa dối.

Một loạt quan chức cấp cao Triều Tiên đã lên tiếng và cho rằng quốc gia của họ đã bị cả Mỹ và Hàn Quốc lợi dụng nhằm thực hiện các mưu đồ chính trị riêng lẻ.

"Triều Tiên rất thất vọng vì chính sách ngoại giao của Mỹ và Hàn Quốc đã không mang lại những gì họ hứa với người dân Triều Tiên mà ở đây là một mức sống tốt hơn", Joseph Yun, cựu đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên.

Ông Yun nói rằng chính phủ Triều Tiên "cần phải giải thích với chính người dân của họ tại sao sáng kiến ngoại giao lớn của họ không mang lại bất cứ điều gì."

Và công việc này thuộc về Kim Yo-yong. Dù chỉ mới đảm nhận là người đứng đầu bộ phận tuyên truyền chưa lâu, thế nhưng Kim đã ra tay hết sức lão luyện.

Tạo ra một cuộc khủng hoảng

Các chuyên gia trong nhiều năm đã cáo buộc Triều Tiên luôn sử dụng chiêu bài leo thang căng thẳng và tạo ra các cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên nhằm tạo sức ép trên bàn đàm phán và giao rắc mối bất hóa giữa Mỹ và Hàn Quốc.

“Vụ rải truyền đơn phần nào đó khiến Triều Tiên phật lòng, nhưng rõ ràng đây chính là cái cớ để họ buộc phía Hàn Quốc phải đặt một cái gì đó có sức nặng tương đương lên bàn đàm phán nếu mong muốn yên ổn”, Evans Revere – chuyên gia hàng đầu về khu vực Đông Á.

Bằng nhiều cách thức, chính phủ Hàn Quốc mong muốn hỗ trợ cho Triều Tiên để thúc đẩy sự hợp tác hai miền. Từng là Chánh Văn phòng dưới thời Tổng thống Roh Moo-hyun, ông Moon Jae-in rất mong muốn tái thiết lập "Chính sách Ánh dương", qua đó chủ trương hòa hoãn với miền Bắc để giảm thiểu căng thẳng khu vực.

Trước tình hình hiện nay, ông Moon sẽ phải đưa ra một lựa chọn đầy khó khăn bởi hầu hết những gì Triều Tiên muốn Hàn Quốc hỗ trợ đều nằm trong danh mục cấm của Liên Hợp Quốc.

"Người Triều Tiên tỏ ra khá cao tay trong ván cờ này, họ sẽ có một khởi đầu tốt nếu nhận được sự nhượng bộ của Hàn Quốc, nhưng gieo rắc sự bất ổn trong quan hệ Mỹ-Hàn mới thực sự là thành công đối với họ”, ông Revere nói.

Người thực sự hưởng lợi từ căng thẳng liên Triều ảnh 5

Văn phòng liên lạc liên Triều bị đánh sập trong sự ngỡ ngàng của phía Hàn Quốc.

Màn kích nổ tòa nhà liên lạc liên Triều mang nhiều ý đồ phía sau. Kim Yo-jong đã bóng gió trong một tuyên bố trước đó rằng văn phòng này, vốn đã nhàn rỗi trong nhiều tháng, sẽ "hoàn toàn sụp đổ".

Không ai biết được rằng đây không phải lời nói suông từ phía Triều Tiên cho tới khi họ bất ngờ nghe thấy tiếng nổ thất thanh tại Kaesong – thành phố được kỳ vọng là cầu nối cho hợp tác hai miền.

Đây là một nước đi nặng tính chiến thuật của Triều Tiên, ngay lập tức thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, tình trạng bất ổn tại Mỹ và căng thẳng biên giới Trung-Ấn đang khiến thế giới quên đi vấn đề hai miền Triều Tiên.

Và không ai khác ngoài Kim Yo-jong hưởng lợi từ sự sụp đổ của tòa nhà liên lạc.

“Công chúa Triều Tiên”

Khi Kim Yo-jong còn nhỏ, cha cô đã nói với một nhà ngoại giao Nga rằng cô con gái út có năng khiếu về chính trị và dự đoán cô sẽ có một tương lai rạng rỡ.

Nhận định của Chủ tịch Kim Jong-il đã trở thành sự thật, và sau vụ cho nổ tòa nhà liên lạc, chắc chắn đây không phải là lần cuối cùng truyền thông thế giới nhắc tới cái tên Kim Yo-jong.

Thậm chí nhiều chuyên gia còn nhận định việc để Kim Yo-jong liên tục “tỏa sáng” như hiện nay là cả một sự chuẩn bị công phu của bộ máy tuyên truyền Triều Tiên.

Mặc dù gia tộc họ Kim ở Triều Tiên có đông đảo thành viên, nhưng chỉ có Kim Yo-jong, Kim Jong-un và cha cô được truyền thông Triều Tiên coi là những người thừa kế của “dòng máu Paektu” của Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Người thực sự hưởng lợi từ căng thẳng liên Triều ảnh 6

Kim Yo-jong liên tục tháp tùng anh trai mình tại các sự kiện, cho thấy cô là "nhân vật quyền lực số 2" của Triều Tiên.

Sự nghiệp liên tục thăng tiến của Kim Yo-jong đã đi ngược lại với văn hóa chính trị Đông Á, nơi được coi là vẫn còn nặng tính gia trưởng và trọng nam khinh nữ.

"Có thể thấy rằng cứ sau vài tháng, cô ấy được trao một danh hiệu mới, một vị trí mới, trách nhiệm mới để chứng tỏ năng lực của mình”, ông Revere cho biết. "Các tờ báo liên tục đăng tải các bài viết trích lời hoặc có ảnh của Kim Yo-jong”.

Nhưng trong khi người Triều Tiên ngày càng nghe nhiều tin tức về Kim Yo-jong, họ dường như lại ít nhận được các tin tức về Chủ tịch Kim Jong-un.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã vài lần vắng mặt một cách bí ẩn trong nhiều năm qua, làm dấy lên những tin đồn về sức khỏe của ông. Chủ tịch Triều Tiên được cho là bị thừa cân và là người nghiện rượu và hút thuốc nặng, điều này đặt ra nghi vấn Triều Tiên đã lên sẵn kịch bản cho một người kế nhiệm tiềm năng.

Người thực sự hưởng lợi từ căng thẳng liên Triều ảnh 7

Kim Yo-jong liên tục nhận được sự chú ý của giới truyền thông quốc tế, không kém gì người anh trai Kim Jong-un.

Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là suy đoán bởi sức khỏe của Kim Jong-un là một trong những bí mật được bảo vệ chặt chẽ nhất của Triều Tiên, ngang bằng với chương trình vũ khí hạt nhân của nước này bởi nó có thể tạo ra những biến động lớn trong khu vực và trên thế giới.

Một số người còn cho rằng hai anh em họ Kim sẽ chơi trò “người xấu, người tốt”, trong đó Kim Yo-jong sẽ đóng vai người đưa ra những quyết định cực đoan còn anh trai mình sẽ đóng vai người hùng giải quyết xung đột.

Nhiều người khác tin rằng bộ máy truyền thông Triều Tiên không chỉ muốn Kim Yo-jong dừng lại ở hình ảnh một “quân sư” trong dàn lãnh đạo của anh trai mình, mà hướng tới vị trí Phó Chủ tịch: một người luôn trung thành với Chủ tịch Kim Jong-un và sẵn sàng chia sẻ gánh nặng cho nhà lãnh đạo.

Bất cứ điều gì tiếp theo đến với Kim Yo-jong, chính trị luôn là một trò chơi nguy hiểm ở Triều Tiên, và một sự thay đổi chóng vánh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo CNN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.