Trường tiểu học và THCS Nà Hẩu (huyện Văn Yên, Yên Bái) nằm cách trung tâm thị trấn 30km, heo hút trên miền núi, nơi đây chính là bản làng của người dân tộc Mông.
Con đường dẫn đến ngôi trường tiểu học Nà Hẩu vô cùng “gian nan”. Con đường heo hút, khúc khuỷa hai bên là vực thẳm, đầy rẫy những “ổ voi, ổ gà”. Giữa cái nắng chói chang của những ngày cuối tháng 11, con đường đất này khô bụi mù mịt. Chẳng dám tưởng tượng, nếu trời mưa thì người dân sẽ đi lại bằng cách nào.
Chúng tôi đến thăm ngôi trường đặc biệt này vào đúng dịp lễ hiến chương nhà giáo Việt Nam. Từ xa nhìn lại thấp thoáng bóng dáng ngôi trường cũ kỹ với vài phòng học, các lớp vữa bắt đầu bung ra từng mảng theo thời gian.
20/11 ở đây không rực rỡ cờ hoa cũng không đông vui nhộn nhịp và trang hoàng lộng lẫy như ở các trường dưới miền xuôi. Ngày đặc biệt này, nhà trường vẫn tổ chức lễ kỷ niệm nhưng rất đơn giản. Sân khấu là vài tấm gỗ ghép lại, học sinh mang những lời ca, tiếng hát đến để chúc mừng giáo viên chứ tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một bông hoa hay một gói quà.
Cô giáo Đàm Thị Sỹ ngày ngày vượt 30km đến trường dạy học |
Chia sẻ cùng PV báo Infonet, cô giáo Đàm Thị Sỹ (SN 1971) cho hay: “Tôi đã công tác ở trường tiểu học Nà Hẩu từ năm 2006. Học sinh của tôi chủ yếu là người dân tộc Mông, hoàn cảnh của các em vô vùng khó khăn.
Nhà tôi ở thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên, Yên Bái) cách trường khoảng 30km. Các thầy cô ở trường hầu như nhà đều cách trường tới vài chục cây số. Cuối tuần chúng tôi đi xe máy về nhà, tới đầu tuần lại trở lại trường với học sinh. Đi đường rừng núi cheo leo, hiểm trở khá nguy hiểm, nhất là những ngày mưa nhất là với phụ nữ chúng tôi.
Những trận mưa lớn kéo đến, đường trơn trượt, có những đoạn đường bị kéo cả xuống vực sâu, chúng tôi bị cách ly mấy ngày. Tới khi đường sửa xong mới về được nhà.
Trường chúng tôi thuộc vùng đặc biệt khó khăn và dường như các thầy cô không có 20/11. Trước ngày lễ lớn này, nhà trường cũng tổ chức một buổi mít tinh và món quà chúng tôi nhận được là những bài múa, những lời hát và những nụ cười tươi thắm như những đóa hoa rừng của học sinh. Chỉ cần các em đến lớp đầy đủ đã là niềm động viên rất lớn với chúng tôi”.
Cô tâm sự thêm: “Khi xem truyền hình, những ngày này ở các trường dưới xuôi luôn tấp nập học sinh, phụ huynh với những bó hoa tươi thắm dành tặng giáo viên đôi khi cũng tủi, thế nhưng ngày 20/11 của chúng tôi thường trôi qua lặng lẽ và bây giờ chúng tôi quen với điều đó.
Học sinh ở đây không tặng quà cho các thầy cô nhân dịp 20/11. Tuy nhiên, vào bất kỳ thời điểm nào trong năm mà gia đình “có cỗ” thì phụ huynh và học sinh luôn mời chúng tôi tới. Còn nhớ, những năm 2006 khi tôi mới xuống trường công tác chưa hiểu được phong tục, tập quán của người Mông ở đây nên khi thấy phụ huynh mời tới ăn cơm cũng khá ngại. Đặc biệt, trong bữa cơm, các giáo viên thường được mời uống rượu. Hay vào mùa thu hoạch, phụ huynh thường mang cho chúng tôi bó rau, củ khoai. Cho tới giờ, phụ huynh vẫn giữ thói quen ấy và chúng tôi - những người giáo viên cũng coi họ như người nhà của mình.
Ở vùng dân tộc khó khăn thế này, việc học sinh chán nản và muốn bỏ học rất nhiều. Mỗi khi lớp có học sinh nghỉ học mấy ngày hay bỏ học là tôi lại lặn lội tìm đến nhà các em, phân tích cho phụ huynh hiểu đồng thời cũng động viên cho các em tới lớp. Tháng nào cũng vài ba lần, tôi trích một phần tiền lương để mua kẹo, hoa quả đến lớp chia cho các con, gần gũi, chia sẻ để các con thấy mỗi ngày tới trường thực sự là một niềm vui”.
Chia sẻ về gia đình mình, cô giáo Đàm Thị Sỹ cho hay: “Tôi có hai đứa con, tuy là giáo viên nhưng việc giáo dục con cái chủ yếu do chồng tôi đảm nhận. Bởi lẽ, tôi công tác xa nhà, cuối tuần mới tranh thủ về thăm chồng con và chiều chủ nhật lại lên trường. Để tôi có thể yên tâm công tác, thực sự tôi đã nhận được sự thông cảm và động viên rất lớn từ chồng và các con”.
Theo Infonet