Thomas Silverstein được xem là tù nhân nguy hiểm bậc nhất nước Mỹ |
Lĩnh án 118 năm tù và biệt giam vì nhiều lần phạm tội giết người, buôn ma tuý và cướp có vũ trang, dư luận ví Thomas Silverstein là tù nhân nguy hiểm và cô độc bậc nhất nước Mỹ.
Lần đầu tiên Silverstein vào tù là năm 1971 với tội danh cướp có vũ trang. Khi đó, hắn 19 tuổi. Bốn năm sau, y được tại ngoại. Sau đó, Silverstein lại tham gia 3 vụ cướp ngân hàng cùng cha và chú. Năm 1977, toà tuyên án Sliverstein 15 năm tù tại nhà giam USP Leavenworth ở thành phố Kansas. Theo BBC, 3 năm sau, gã tiếp tục phạm pháp khi giết một tù nhân tên là Danny Atwell. Toà kết án chung thân, tước quyền tạm tha và chuyển hắn đến nhà tù USP Marion ở bang Illinois, trại giam có hệ thống an ninh cao nhất khi đó.
Nhà tù USP Marion ở bang Illinois, trại giam có hệ thống an ninh cao nhất thời đó tại Mỹ |
Năm 1981, Silverstein bóp cổ đến chết một tù nhân tên là Robert Chappelle. Hắn còn cùng một tù nhân khác có tên Clayton Fountain hạ sát Raymond "Cadillac" Smith, đồng bọn của Chappelle. Hai tù nhân máu lạnh dùng vũ khí tự chế đâm Smith 67 nhát. Sau đó, chúng kéo xác của y ra phía trước phòng giam để thị uy. Sau vụ việc này, Silverstein nhận thêm một án tù chung thân.
Ngày 22/10/1983, với sự giúp đỡ của các phạm nhân khác, sát thủ sinh năm 1952 phá còng tay khi các nhân viên quản ngục đang dẫn hắn tới phòng tắm. Silverstein rút một con dao ra khỏi người, vượt qua 2 người hộ tống và tấn công Merle Clutts, một cán bộ của nhà tù USP Marion. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, Clutts chết bởi 40 nhát đâm.
Sau cái chết của Clutts, các nhà chức trách quyết định chuyển Silverstein đến nhà giam USP Atlanta, nơi hắn bị biệt giam trong tình trạng “không được tiếp xúc với con người”.
Cục Trại giam liên bang (BOP) chịu trách nhiệm giám sát tội phạm này. Lúc đầu, BOP chỉ cho phép Silversyei mặc một chiếc quần lót. Trong khi cài đặt camera an ninh, 2 nhân viên bảo vệ phải ngồi bên ngoài phòng giam để theo dõi hắn. Tình trạng kéo dài trong 6 tháng. Sau đó, cơ quan này quyết định đưa cho Silverstein một số vật dụng khác để giải trí như vô tuyến và các dụng cụ vẽ. Họ lý giải rằng, người ta gần như không thể kiểm soát một tù nhân khi anh ta chẳng còn gì để mất.
Theo Solitary Watch, gã dành nhiều thời gian trong ngày để vẽ. Năm 1989, cảnh sát chuyển kẻ sát nhân tới một phòng giam được xây dựng riêng cho hắn. Người ta gọi căn phòng này là “nhà tù bên trong nhà tù”, gồm 3 phòng: phòng giam Silverstei và 2 phòng giải trí. Đó là toàn bộ thế giới của hắn.
Thời gian duy nhất mà hắn nhìn thấy con người là khi các nhân viên mang bữa ăn tới. Gã ở trong phòng giam 23 giờ mỗi ngày. Vào một thời điểm nhất định, cánh cửa điện tử sẽ mở ra và hắn có thể bước vào một trong 2 phòng giải trí.
Sự trừng phạt đáng sợ
Trong mô tả về cuộc sống tại nhà tù USP Atlanta, Silverstein viết: “Phòng giam nhỏ đến mức tôi có thể đứng một chỗ và chạm tay vào cả 2 bức tường cùng lúc. Trần nhà thấp đến độ tôi có thể đứng lên và chạm vào bóng đèn. Chiếc giường vừa khít với chiều dài của phòng giam. Những bức tường làm bằng thép và sơn màu trắng".
Sát nhân cho biết, sau khi hắn chuyển tới nhà giam, giới chức mới bắt đầu xây dựng và cài đặt các biện pháp an ninh. Công việc này diễn ra trong phòng.
Với buồng giam mới, Thomas Silverstein bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài |
"Để tránh các mạt kim loại bắn vào người khi họ hàn thêm các thanh sắt, tôi phải nằm trên giường và đắp chăn. Thật khó có thể mô tả cảm giác suốt quãng thời gian đó, khi họ xây dựng thêm những bức tường mới ở xung quanh. Tôi tưởng như bản thân đang bị chôn sống. Thật đáng sợ", Silverstein cho hay. Suốt năm đầu tiên, người ta cô lập hắn hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Hắn không được phép tiếp khách, nghe điện thoại, xem vô tuyến, nghe đài, băng hay nói chuyện với ai. Loại tài liệu duy nhất hắn có thể đọc là kinh thánh. Silverstein chia sẻ, hắn không những bị cô lập mà còn mất phương hướng về thời gian. BOP không cho phép Silverstein sở hữu bất kỳ chiếc đồng hồ nào.
Ngoài ra, thứ ánh sáng duy nhất tồn tại trong phòng là ánh đèn. Những yếu tố này khiến hắn trở nên gần như quẫn trí. "Tôi chẳng thể phân biệt ngày và đêm. Tôi thường ngủ thiếp đi và khi tỉnh dậy, tôi cũng chẳng biết bản thân đã ngủ trong bao lâu", gã nói. Hoạt động duy nhất khiến cuộc sống ở "nhà tù trong nhà tù" của hắn trở nên đặc sắc hơn chính là việc các nhân viên mang bữa ăn tới.
"Tôi biết bản thân đã sống như vậy 4 năm dù nhiều khi tôi cảm thấy như đã trải qua cả thập kỷ. Thời gian đó gần như vô tận và vĩnh cửu", Silverstein chia sẻ. Phòng giam không lắp đặt hệ thống sưởi ấm hay làm mát. Vì vậy, không những không gian và thời gian "trừng phạt" mà thời tiết cũng "hành hạ" Silverstein. BOP chỉ cho phép hắn vào phòng giải trí ngoài trời mỗi tuần một lần. Tuy nhiên, căn phòng trống rỗng và Silverstein cũng không nhìn thấy bất cứ người nào xung quanh khu vực đấy.
Silverstein cho hay: "Thị giác của tôi giảm. Mọi thứ bắt đầu mờ đi và tôi trở nên nhạy cảm với ánh sáng. Nó dường như có thể thiêu cháy đôi mắt của tôi. Nó khiến tôi đau đầu. Những người cai ngục từ chối nói chuyện. Nhưng đôi khi tôi nghe thấy tiếng ai đó thì thầm rằng họ ghét tôi và gọi tên tôi. Ngay cả trong giấc mơ tôi cũng vẫn ý thức được rằng mình đang bị giam cầm", hắn nói.
Xem thêm:
- Pablo Escobar – Trùm ma túy khét tiếng nhất trong lịch sử
- Tiết lộ quãng đời “nằm vùng” làm điệp viên của Tổng thống Nga Putin
- Nhà tù Guantanamo: Địa ngục trần gian với những màn tra tấn dã man
- Khám phá thế giới khắc nghiệt của Mật vụ Mỹ USSS