Chuyện tự học tiếng Anh của tỷ phú Jack Ma

(Ngày Nay) - Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Jack Ma chia sẻ ông tự học tiếng Anh bằng cách tiếp cận khách du lịch và hướng dẫn họ miễn phí. Đó là cách hiệu quả nhất để học ngoại ngữ. 
Chuyện tự học tiếng Anh của tỷ phú Jack Ma

Jack Ma (tên thật Ma Jun) là người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba và là một trong những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Tổng giá trị tài sản mà tỷ phú này sở hữu lên đến khoảng 25 tỷ USD (tính đến năm 2014).

9 năm hướng dẫn viên miễn phí cho khách du lịch

Theo Channel New Asia, Ma từng cho biết ông đã phạm vô số sai lầm và gặp một loạt vấn đề trong quá trình gây dựng Alibaba. Kỹ năng tiếng Anh tốt đã giúp ông tạo nên “đế chế” lớn mạnh như ngày nay.

Trả lời phỏng vấn trong chương trình Diễn đàn kinh tế thế giới trên kênh Bloomberg TV năm 2015, tỷ phú đã chia sẻ về quá trình học ngoại ngữ vô cùng bền bỉ và đầy quyết tâm của mình.

Chuyện tự học tiếng Anh của tỷ phú Jack Ma ảnh 1Tỷ phú Jack Ma khi còn nhỏ (trái). Ảnh: 60 Minutes

“Khi 12 hay 13 tuổi, tôi bỗng nhiên có một tình yêu vô bờ với tiếng Anh. Tuy nhiên, thời điểm đó không hề có sách hay địa điểm nào bạn có thể học thứ ngôn ngữ này”, vị tỷ phú nói.

Năm 1972, tổng thống Mỹ lúc đó là Richard Nixon đến thăm Hàng Châu và nơi đây trở thành trung tâm du lịch. Để học tiếng Anh, mỗi sáng bất kể mưa, nắng hay tuyết, Jack Ma đạp xe 40 phút để tới khách sạn Hàng Châu (giờ gọi là khách sạn Shangri-La Hàng Châu) và gặp gỡ các du khách nước ngoài.

“Cứ như vậy trong suốt 9 năm, tôi làm hướng dẫn viên miễn phí cho khách du lịch và đổi lại họ dạy tôi tiếng Anh. Trước đó, tôi là người Trung Quốc chính gốc, chưa từng ra nước ngoài.

Một vài người hỏi Jack, làm thế nào cậu có thể nói tiếng Anh như người phương Tây vậy? Tôi nghĩ rằng 9 năm đó đã thay đổi cuộc đời tôi. Các vị khách du lịch phương Tây đã giúp tôi mở mang tâm trí bởi kiến thức họ mang tới vô cùng đa dạng, khác hẳn với những gì tôi được học từ trường hay cha mẹ”, Ma chia sẻ.

Giải thích về cái tên Jack Ma, vị tỷ phú 50 tuổi kể trong thời gian 9 năm đó, ông từng làm hướng dẫn cho một nữ du khách đến từ Tennessee, Mỹ. Tên thật Ma Yun khá khó phát âm nên cô ấy gọi ông là Jack. Tên Jack Ma bắt đầu được sử dụng từ đó.

Vô số thất bại nhưng không nản chí

Ngoài học tiếng Anh, cuộc đời Jack Ma còn gặp vô số khó khăn và thất bại, nhưng với ý chí quyết tâm và không bao giờ từ bỏ, ông đã thành công như ngày nay.

Ông từng thi trượt kỳ thi quan trọng tiểu học một lần, trượt thi trung học 2 lần và 2 lần trượt đại học. Đến lần thứ 3, Jack Ma đỗ vào Học viện Sư phạm Hàng Châu - ngôi trường mà ông mô tả là tệ nhất ở quê lúc đó.

Sau 3 năm đại học, ông nộp đơn xin việc ở 30 công ty nhưng đều bị từ chối. Ma nộp đơn vào quân đội nhưng cũng không được nhận.

“Tôi thậm chí đã đến xin làm ở KFC, 24 người đến ứng tuyển thì 23 người được chọn, tôi là người duy nhất bị loại. Tôi trong nhóm 5 người đăng ký vào quân đội, 4 người kia được nhận”, Jack Ma nhớ lại.

Cũng thời gian đó, ông thực hiện hai dự án kinh doanh khác nhau nhưng cả hai đều bị thất bại.

Tỷ phú tiết lộ rằng ông từng nộp đơn xin học vào Đại học Harvard 10 lần và bị từ chối cả 10. Không nản chí, ông tự nhủ với bản thân một ngày nào đó, mình sẽ tới và giảng dạy tại ngôi trường này.

Sau đó, Ma làm giảng viên tiếng Anh ở một trường đại học địa phương với mức lương 12 USD/tháng. Tiếp theo, ông làm phiên dịch và bắt đầu làm quen với Internet trong một lần sang Mỹ. Đó cũng là lúc Ma quyết định thành lập một công ty Internet tại Trung Quốc.

Nhờ vốn tiếng Anh tốt, ông học hỏi được nhiều kiến thức từ nước ngoài, khắc phục sai lầm và đưa công ty thành công như hiện nay.

Theo Zing
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.