Gần đây, dư luận thường nhắc tới yếu tố hạ tầng giao thông mỗi khi một dự án ra đời hoặc công bố mở bán. Càng chú ý hơn, nếu đó là dự án may mắn nằm trong nội đô trung tâm – nơi vốn dĩ đã hình thành cộng đồng dân cư sinh sống ổn định nhiều năm với dân trí, tiện ích cơ bản đầy đủ.
Đường chưa xong, chung cư cứ mọc
Ở Hà Nội, có thể nhắc tới vài trường hợp bị “soi” theo góc nhìn này, là Rivera Park Hà Nội (đặt tại khu đất 69 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân); Riverside Garden (349 Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân), Thanh Xuân Complex (phố Lê Văn Thiêm), 82 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân)…
Những dự án nêu trên đều thuộc quận Thanh Xuân, với vị trí cách không xa KĐT Trung Hòa – Nhân Chính. Đặc biệt, đa phần trong số này đều chung nhau điểm yếu về hạ tầng giao thông tới mức phải thuyết phục thị trường bằng những quyết định, chủ trương đầu tư liên quan của Thành phố đang… rốt ráo được triển khai.
Lùi về quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, kịch bản “ở đâu có con đường sắp làm – nơi ấy có nhiều ý chí gặp nhau” lại đang được cụ thể hóa bằng dự án nhà ở.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội vừa ra quyết định chấp thuận công ty CP TERRA GOLD Việt Nam là nhà đầu tư thực hiện dự án Tổ hợp công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn nhà ở, nhà trẻ và trường học tại 423 phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Thời gian thực hiện từ quý III/2016 đến quý IV/2020.
Được biết, dự án Tổ hợp công trình hỗn hợp ghi nhận tổng vốn đầu tư lên tới 2.300 tỷ đồng gồm: Vốn chủ sở hữu 460 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 20% tổng vốn đầu tư; vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn huy động hợp pháp khác 1.840 tỷ đồng. Diện tích sử dụng đất khoảng 38.155,9m2, quy mô dân số khoảng 3.500 người; tỷ lệ và số lượng các loại nhà ở 1.332 căn chung cư.
Như vậy, chỉ tính riêng đoạn đường Minh Khai từ chân cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động hiện đã phải “cõng” sơ sơ 4 tổ hợp chung cư quy mô. Điểm nhanh các trường hợp có mức đầu tư mạnh như: Times City đóng góp hơn 20 tòa, Hòa Bình Green của ông chủ Nguyễn Hữu Đường góp 2 tòa, Green Pearl 378 Minh Khai “chiếm” khoảng 2 tòa chung cư (chưa kể liền kề biệt thự).
Bên cạnh đó, phải nhắc tới một danh sách dài gồm Sunshine Palace, Sunshine Garden (phía sau Times City), 87 Lĩnh Nam, Helios Tam Trinh, Udic Complex Vĩnh Tuy, tổ hợp 310 Minh Khai…
Nổ như Sunshine, vẫn “nhờ” hàng xóm?
Trong số các “đại gia” BĐS mới nổi, Sunshine Group là một ẩn số đáng chú ý nhất. Sau khi mau mắn nhảy vào khu đất vàng 16 Phạm Hùng (Mai Trang Tower), tập đoàn do ông Đỗ Anh Tuấn nắm giữ hiện đang được cho là nắm giữ nhiều khu đất “kim cương”, cùng với đó là những dự án có quy mô lên tới cả chục nghìn tỷ đồng tại đất Hà thành.
Tại Lĩnh Nam, ghi nhận một trong số các dự án tiêu điểm của Sunshine Group: Sunshine Palace. Trung tuần tháng 11, dự án gần 400 căn hộ này đã được mở bán sau khi cất nóc trước đó vài ngày.
Về cách thức triển khai, kinh doanh, lãnh đạo chủ đầu tư hoành tráng cho biết: “Chúng tôi không cần huy động vốn mà đầu tư thi công đến thời điểm này mới chính thức công bố mở bán. Do đó, khách hàng có thể đích mục sở thị dự án mà không phải mua nhà trên giấy”.
Bằng cách làm có phần “chơi ngông” trên thị trường địa ốc, tập đoàn này gián tiếp khẳng định sự vượt trội về tiềm lực tài chính so với phần còn lại.
Danh mục các dự án mà Sunshine Group nắm giữ hiện tại đủ khiến bất cứ chủ đầu tư nào thèm khát.
Đơn vị này có tổng vốn đầu tư các dự án lên đến 15.000 tỷ đồng (tiêu biểu như Sunshine Riverside Phú Thượng với vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng, Sunshine Center 16 Phạm Hùng với 1.600 tỷ đồng…)
Bên cạnh dự án tại Lĩnh Nam, chủ đầu tư hiện đang triển khai đồng thời dự án Sunshine Garden. Vài chi tiết cơ bản như sau: nằm liền kề Park Hill (Times City), vị trí Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng; tổng diện tích khu đất gần 13.000m2, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng, dự kiến bàn giao căn hộ vào quý I/2018…
Chủ đầu tư quảng cáo: “Cạnh phía Bắc của khuôn viên dự án là một con đường rộng 30m, nối từ đường Tam Trinh chạy xuyên qua KĐT Times City đến điểm giao cắt với nút giao thông Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên, do tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng và đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt thực hiện. Ở cạnh phía Đông, dự án nằm ngay trên trục đường Yên Duyên – Vĩnh Tuy – Minh Khai đã được Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội quyết định đầu tư theo hình thức BT, dự kiến hoàn thành cùng thời điểm với dự án…”
Tuy vậy, theo một số chuyên gia thạo vấn đề quy hoạch hạ tầng, con đường Yên Duyên chạy xuyên qua Times City mới chỉ dừng ở… chủ trương từ tháng 12/2015.
Theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, với tổng vốn dự kiến hơn 300 tỷ đồng, chi phí GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được lấy từ ngân sách thành phố. Chi phí chuẩn bị đầu tư và thi công xây dựng tuyến đường sẽ do công ty CP phát triển đô thị Nam Hà Nội (một thành viên của Tập đoàn Vingroup) hỗ trợ không hoàn lại.
Theo TBKD