Cụ thể, giá cua gạch và cua loại I (2 con một kg) được thương lái thu mua với giá 350.000 đồng một kg, tăng 80.000 đồng mỗi kg so với những ngày cuối tháng 5; cua cái so và cua thịt loại II ( 3- 4 con một kg) từ 180.000 đồng mỗi kg, tăng 50.000 đồng một kg.
Bà Nguyễn Thị Ven, chủ đại lý thu mua cua biển thương phẩm ở xã đảo Long Hòa, huyện Châu Thành cho biết, nguyên nhân cua tăng giá là do đã vào cuối vụ thu hoạch cua biển nuôi, sản lượng cua thương phẩm không còn nhiều. Bình quân mỗi ngày, đại lý thu mua chỉ được từ 200 đến 300 kg cua các loại, giảm 3-4 lần so với cách đây một tuần. Mặt khác, thị trường xuất khẩu cua biển hiện nay rất tốt nên giá cua biển được các chủ cơ sở ở TP HCM thu gom để cung cấp đủ nguồn hàng xuất.
Ông Huỳnh Văn Thường, ấp Rạch Gốc, xã Long Hòa, huyện Châu Thành chia sẻ, ông vừa thu hoạch xong cua biển đợt 3 trên diện tích 4 ha. Đây là đợt thu hoạch cuối cùng để chuẩn bị cho vụ nuôi cua mới, ông thu được 150 kg cua thương phẩm với giá bán xô đồng loạt 250.000 đồng một kg. Năm nay cua biển bán được giá cao nhất trong 6 năm ông thực hiện mô hình nuôi trong ao nuôi tôm sú.
Theo Chi cục nuôi trồng thủy sản Trà Vinh, năm nay là năm thứ 5 nông dân ở các vùng ven biển thuộc các huyện, thị trong tỉnh như: Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành phát triển mạnh nghề nuôi cua biển để thay thế cho một vụ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nhằm hạn chế sự rủi ro việc nuôi tôm sú 2 vụ trong năm.
Bình quân mỗi năm, nông dân ở Trà Vinh thả nuôi cua biển trên diện tích từ 11.000 đến 13.000 ha, năng suất đạt 0,8-1,2 tấn mỗi ha, tổng sản lượng thu hoạch đạt trên 1.400 tấn một năm. Với giá cua ổn định ở mức cua thịt bán xô từ 250.000 đồng một kg; cua gạch từ 350.000 đồng một kg thì người nuôi cua biển thu lợi 80 - 90 triệu đồng một ha, chưa kể khoản thu nhập từ vụ nuôi tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng.