Cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước diễn ra trong khoảng 14 phút vào ngày 23/7. Đến ngày 15 tháng 8, Tổng thống Ashraf Ghani đào tẩu sang UAE, trước khi Taliban tiến vào Kabul.
Trong cuộc trò chuyện, ông Biden đề nghị viện trợ nếu phía Afghanistan có thể công khai kế hoạch kiểm soát tình hình trong nước.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ không quân chặt chẽ, nếu chúng tôi biết kế hoạch là gì,” ông Biden nói. Vài ngày trước cuộc gọi, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích để hỗ trợ quân đội Afghanistan, một động thái mà Taliban cho là vi phạm thỏa thuận hòa bình Doha.
Tổng thống Mỹ cũng khuyên Ghani nên kêu gọi trợ giúp từ những thế lực trong nước để đề ra chiến lược quân sự trong tương lai, sau đó giao trọng trách cho một "chiến binh", ám chỉ Bộ trưởng Quốc phòng Bismillah Khan Mohammadi.
Ông Biden cũng ca ngợi các lực lượng vũ trang Afghanistan, vốn được đào tạo và tài trợ bởi chính phủ Mỹ.
“Rõ ràng ngài có một quân đội tốt nhất. Ngài có 300.000 binh sĩ so với 70-80.000 (tay súng Taliban) và rõ ràng họ có khả năng chiến đấu tốt", ông Biden khẳng định.
Trong phần lớn cuộc gọi, Tổng thống Mỹ tập trung vào điều mà ông gọi là vấn đề "nhận thức" của chính phủ Afghanistan. "Tôi không cần phải nói với ngài nhận thức trên toàn thế giới và ở Afghanistan, tôi tin rằng cuộc chiến chống Taliban đang diễn ra không tốt đẹp."
Ông Biden nói với Tổng thống Ghani rằng nếu các nhân vật chính trị nổi tiếng của Afghanistan tổ chức một cuộc họp báo cùng nhau, ủng hộ một chiến lược quân sự mới, "điều đó sẽ thay đổi nhận thức và điều đó sẽ thay đổi rất nhiều điều tôi nghĩ."
Những lời khẳng định của Tổng thống Mỹ cho thấy ông không lường trước được viễn cảnh chính quyền Tổng thống Ghani sẽ sụp đổ sau đó 23 ngày. "Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ, về mặt ngoại giao, chính trị, kinh tế, để đảm bảo chính phủ của ngài không chỉ tồn tại mà còn được duy trì và phát triển", ông Biden nói.
Sau cuộc điện đàm, Tổng thống Afghanistan nói ông tin rằng có thể có hòa bình nếu ông có thể "tái cân bằng giải pháp quân sự."
“Chúng tôi đang đối mặt với một cuộc xâm lược quy mô toàn diện, bao gồm Taliban và Pakistan, cùng ít nhất 10-15.000 phần tử khủng bố quốc tế, chủ yếu là người Pakistan”, ông Ghani tuyên bố.
Tuyên bố công khai cuối cùng từ Ghani, người đang trú ẩn tại UAE, được đưa ra vào ngày 18/8. Ông cho biết phải rời khỏi Afghanistan để ngăn chặn đổ máu.
Trước đó vào ngày 11/8, các báo cáo tình báo của Mỹ chỉ ra rằng Taliban có thể cô lập thủ đô của Afghanistan trong 30 ngày và có thể chiếm lấy thủ đô này trong vòng 90. Kết quả là Taliban đã tiến vào tiếp quản thủ đô Kabul trong chưa đầy một tuần sau đó.
Cuộc điện đàm giữa Biden-Ghani cũng nhấn mạnh cuộc đấu đá nội bộ chính trị dai dẳng đã gây khó khăn cho chính phủ Afghanistan.
Khi Tổng thống Biden đề xuất cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai tham gia cuộc họp báo, ông Ghani đã từ chối.
“Karzai sẽ không hữu ích. Ông ấy có quan điểm trái ngược, thời gian là điều cốt yếu, chúng tôi không thể chạy theo từng cá nhân. Chúng tôi đã cố gắng trong nhiều tháng với Tổng thống Karzai. Lần trước chúng tôi gặp nhau trong 110 phút, ông ta chửi rủa và buộc tội tôi là tay sai của Mỹ. "
Biden ngừng một lúc trước khi trả lời: "Tôi sẽ không vội vàng phán xét về điều đó."