Đại dịch đe dọa sức khỏe trẻ em Indonesia

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trong những tuần gần đây, tại Indonesia đã ghi nhận hàng trăm ca tử vong do COVID-19, có không ít bệnh nhi dưới 5 tuổi. Chính quyền nước này hiện đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích ngày càng gia tăng do ưu tiên sức khỏe của nền kinh tế hơn sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em.
Đại dịch đe dọa sức khỏe trẻ em Indonesia

Theo công bố từ các bác sĩ hàng đầu tại Indonesia cho biết, nước này có tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở trẻ nhỏ cao nhất trên thế giới. Thực trạng này là một minh chứng rõ ràng, đi ngược lại với quan điểm khẳng định rằng nguy cơ trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là rất thấp.

Các ca tử vong, hơn 100 người mỗi tuần trong tháng này, xảy ra khi Indonesia đối mặt với sự gia tăng lớn nhất của nước này về các ca nhiễm coronavirus - và khi các nhà lãnh đạo của họ phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng họ đã không chuẩn bị và hành động chậm chạp.

“Các con số liên quan đến dịch bệnh ở Indonesia hiện đang cao nhất trên thế giới. Tại sao chúng ta không nỗ lực kiểm soát tình hình để dành những điều tốt nhất cho con trẻ?”, bác sĩ Aman Bhakti Pulungan, người đứng đầu Hiệp hội Nhi khoa Indonesia, nhấn mạnh nguy cơ của dịch bệnh đối với trẻ nhỏ.

Đại dịch đe dọa sức khỏe trẻ em Indonesia ảnh 1

Indonesia hiện đang là tâm dịch của cả châu Á và thế giới. Ảnh: NY Times

Với tốc độ lây nhiễm nhanh gấp nhiều lần so với các biến chủng khác, biến thể Delta hiện đã lan rộng tại Đông Nam Á – khu vực có tỷ lệ tiêm chủng vaccinne thấp. Biến thể này cũng được xác định chính là nguyên nhân khiến cho các ca tử vong gia tăng mạnh, đặc biệt là ở trẻ em.

Indonesia – quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới, trong tháng này đã vượt qua Ấn Độ và Brazil về số ca mắc mới mỗi ngày, trở thành tâm dịch của thế giới. Thứ Sáu tuần trước, chính phủ nước này đã công bố con số kỷ lục với gần 50.000 ca nhiễm mới và 1.566 trường hợp tử vong.

Theo bác sĩ Aman, trẻ em hiện chiếm 12,5% trong các ca mắc được ghi nhận tại Indonesia, con số này tiếp tục có xu hướng tăng so với những tháng trước.

Ông nhấn mạnh rằng, chỉ tính riêng trong tuần trước đã có hơn 150 trẻ em thiệt mạng do COVID-19, ngoài ra các bệnh nhi dưới 5 tuổi hiện cũng đang chiếm một nửa số ca tử vong thời gian gần đây tại Indonesia.

Tính đến nay, Indonesia đã ghi nhận hơn 3 triệu ca mắc COVID-19 và 83.000 trường hợp tử vong. Đặc biệt, kể từ khi đại dịch bùng phát, quốc đảo này đã ghi nhận hơn 800 bệnh nhân dưới 18 tuổi tử vong, phần lớn trong số đó là các trường hợp xảy ra trong tháng qua. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhận định rằng số liệu trên thực tế còn cao hơn nhiều lần, bởi công tác thống kê dữ liệu tại nước này còn gặp nhiều hạn chế.

Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích các nhà lãnh đạo Indonesia khi không lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia y tế trong công tác kiểm soát dịch bệnh, ngay cả khi biến thể Delta đã "tàn phá" Ấn Độ.

Đại dịch đe dọa sức khỏe trẻ em Indonesia ảnh 2

Sức khỏe của trẻ em Indonesia đang bị đại dịch COVID-19 đe dọa. Ảnh: NY Times

“Chính phủ đã chủ quan trong cách ứng phó với đại dịch ngay từ những ngày đầu”, nhà nghiên cứu Alexander Arifianto từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), lên án mạnh mẽ cách thức phòng chống dịch của chính phủ Indonesia.

Cuối tuần qua, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tuyên bố thắt chặt lệnh hạn chế cấm tụ tập đông người đến hết ngày 2/8, nhưng lại cho phép các quầy hàng vỉa hè và chợ truyền thống được hoạt động trở lại.

“Trước thời điểm hiện tại, trẻ em dường như vẫn là nạn nhân giấu mặt của đại dịch này. Nhưng có lẽ giờ đây thì không", Tiến sĩ Yasir Arafat, cố vấn y tế khu vực châu Á thuộc tổ chức phi lợi nhuận Save the Children, cảnh báo. “Ngoài số ca tử vong dưới 18 tuổi ngày tăng, việc trẻ em không thể tiếp cận vaccine và không được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo với Indonesia".

Các chuyên gia y tế nhận định, nguyên nhân khiến cho số ca tử vong ở trẻ nhỏ Indonesia tăng cao như do tình trạng sức khỏe suy nhược, chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, béo phì, tiểu đường và bệnh tim. Việc có các bệnh lý nền sẽ khiến cho trẻ dễ bị virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể và dễ xuất hiện các triệu chứng bệnh nặng hơn.

Tỷ lệ tiêm chủng thấp ở quốc gia này cũng được xem là một nguyên nhân. Theo số liệu từ dự án Our World in Data của Đại học Oxford, mới chỉ có 16% người Indonesia đã được tiêm một liều vaccine, và 6% đã được tiêm chủng đầy đủ.

Thời gian gần đây, Indonesia đã cho phép tiêm vaccine ngừa COVID-19 trẻ em từ 12 đến 18 tuổi, nhưng trẻ em dưới 12 tuổi hiện vẫn chưa được đưa vào danh sách tiêm chủng.

Ngoài ra, việc các bệnh viện bị rơi vào tình trạng quá tải khi số ca bệnh tăng mạnh trong thời gian gần đây khiến nhiều bệnh nhân không được chăm sóc y tế đấy đủ cũng được xem là một nguyên nhân khác. Hiện nay, tại Indonesia có rất ít bệnh viện được thiết lập để chăm sóc các bệnh nhi mắc COVID-19.

"Nếu bọn trẻ có vấn đề về sức khoẻ, chúng ta sẽ đưa chúng đến đâu? Phòng cấp cứu tại các bệnh viện sao? Các khu vực phòng cấp cứu gần như đã chật ních bệnh nhân. Và chúng ta đều đã thấy trong vài tuần qua, mọi người phải chờ đợi ở nhiều ngày để được chăm sóc y tế. Những đứa trẻ sẽ phải vượt qua điều đó như thế nào?”, Tiến sĩ Aman bày tỏ quan ngại.

Theo ông Edhie Rahmat - giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Project HOPE tại Indonesia , trong bối cảnh các bệnh viện đang bị quá tải, khoảng 2/3 bệnh nhân trưởng thành phải thực hiện cách ly tại nhà, điều này đã làm tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh ở trẻ em từ những người thân trong gia đình.

Ông Edhie chỉ ra nguy cơ trẻ sơ sinh mắc phải COVID-19 từ người lớn. “Nhiều trẻ sơ sinh được đưa ra viện trong tình trạng âm tính với COVID-19, nhưng sau đó lại bị nhiễm virus và tử vong sau khi có hàng xóm và người thân đến thăm. Thật đau lòng trước tình cảnh đó".

Tiến sĩ Aman khẳng định việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cộng đồng tuân thủ các quy định phòng dịch sẽ là một giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ trẻ em trước những tác động của dịch bệnh. “Tất cả vấn đề đều bắt nguồn từ người lớn. Chính người lớn đã không chấp hành những quy định được đặt ra. Họ từ chối đeo khẩu trang và vẫn đưa con cái đến nơi đông người”.

Theo NY Times
Hello Kitty thu về 4 tỷ USD/năm
Hello Kitty thu về 4 tỷ USD/năm
(Ngày Nay) - Theo tờ Economist, Sanrio, công ty Nhật Bản sở hữu Hello Kitty, kiếm được gần 4 tỷ USD doanh thu từ Hello Kitty mỗi năm. Nhân vật này ước tính đã mang lại cho người tạo ra mình 80 tỷ USD trong 50 năm qua.
Liên hợp quốc cảnh báo "ngày tận thế" ở Bắc Gaza
Liên hợp quốc cảnh báo "ngày tận thế" ở Bắc Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 1/11, các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ), gồm Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Chương trình Lương thực thế giới (FAO) cùng các nhóm cứu trợ khác, đã lên tiếng cảnh báo tình hình ở phía Bắc Dải Gaza đang ở mức "thảm họa" do xung đột leo thang.
Một đảo ở Bắc Cực biến mất
Một đảo ở Bắc Cực biến mất
(Ngày Nay) - Ngày 31/10, Hiệp hội địa lý LB Nga thông báo hòn đảo Mesyatsev đã biến mất khỏi quần đảo Franz Josef của Nga ở Bắc Cực.
Lan tỏa nghệ thuật hát bội trong cộng đồng
Lan tỏa nghệ thuật hát bội trong cộng đồng
(Ngày Nay) - Là thế hệ thứ 3 trong gia đình có 5 thế hệ theo nghề hát bội, Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm (tên thật là Nguyễn Văn Tốt, 66 tuổi) đã có hơn 50 năm gắn bó với ánh đèn sân khấu và nghệ thuật hát bội.
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất (PSUV), Phó Tổng thống thường trực Cộng hòa Bolivar Venezuela Delcy Rodríguez Gómez. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tổng thống Venezuela chuyển thông điệp cảm ơn đến lãnh đạo Việt Nam
(Ngày Nay) - Các cuộc tiếp xúc cấp cao gần đây giữa lãnh đạo Venezuela và Việt Nam tiếp tục là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ ngày càng mật thiết giữa hai đảng, nhà nước, chính phủ và nhân dân hai nước anh em. Mối quan hệ hữu nghị này đã được thử thách qua thời gian và giờ đây đã trở thành di sản chung của hai dân tộc.