Bảy bệnh nhân đã xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa và xuất huyết sau khi tham dự một tang lễ ở quận Goueke. Những người vẫn còn sống đã được cách ly trong các trung tâm điều trị, Bộ Y tế Guinea cho biết.
"Đối mặt với tình hình này và phù hợp với các quy định y tế quốc tế, chính phủ Guinea tuyên bố có dịch Ebola", đại diện Bộ Y tế tuyên bố.
Đợt bùng phát dịch Ebola 2013-2016 ở Tây Phi bắt đầu ở Nzerekore, nơi gần các biên giới đông đúc đã cản trở nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh. Ebola tiếp tục giết chết ít nhất 11.300 người với phần lớn các trường hợp ở các nước Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Chiến đấu với Ebola một lần nữa sẽ gây thêm căng thẳng cho các dịch vụ y tế ở Guinea, vốn đang phải ngăn chặn dịch COVID-19. Guinea, quốc gia có khoảng 12 triệu dân, cho đến nay đã ghi nhận 14.895 ca nhiễm COVID-19 và 84 ca tử vong.
Virus Ebola gây ra nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng, mầm bệnh lây lan khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể bệnh nhân. Căn bệnh này có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với COVID-19, nhưng không giống như COVID-19, nó không lây truyền bởi những người mang mầm bệnh không có triệu chứng.
Bộ Y tế Guinea cho biết các nhân viên y tế đang theo dõi và cách ly những người tiếp xúc với các ca bệnh Ebola.
Các nhà chức trách cũng đã yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp vaccine Ebola. Các loại vaccine mới đã cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót trong những năm gần đây.
“WHO đang tăng cường các nỗ lực sẵn sàng và ứng phó với sự hồi sinh tiềm năng này của Ebola ở Tây Phi, một khu vực đã hứng chịu rất nhiều dịch bệnh này vào năm 2014”, Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, Matshidiso Moeti cho biết.
Các loại vccinea và phương pháp điều trị được cải thiện đã giúp nỗ lực chấm dứt đợt bùng phát Ebola lớn thứ hai trong lịch sử, đã được tuyên bố kết thúc tại Cộng hòa Dân chủ Congo vào tháng 6 năm ngoái sau gần hai năm hoành hành và hơn 2.200 ca tử vong.