Định vị Buôn Ma Thuột thành 'điểm đến của cà phê thế giới'

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 dự kiến được tổ chức từ ngày 10/3 - 14/03/2023. Giống với những lễ hội trước, sự kiện lần này tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam; từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới. 

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường; tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê. Lễ hội cũng là dịp để Đắk Lắk giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh; xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi họp báo trước thềm Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Cà Phê lần thứ 8 khẳng định: "Từ lâu cà phê là nông sản đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, đem lại nguồn sinh kế cho người dân Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Với diện tích trồng và sản lượng cà phê đáp ứng cho thị trường nội địa và quốc tế lớn nhất cả nước, Buôn Ma Thuột được mệnh danh là "Thủ phủ Cà phê của Việt Nam". Kể từ năm 2010, định kỳ hai năm một lần, tỉnh Đắk Lắk lại tổ chức lễ hội cà phê để tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê".

Định vị Buôn Ma Thuột thành 'điểm đến của cà phê thế giới' ảnh 1

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Cà Phê lần thứ 8 phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Nhật Lâm

Năm nay, lấy chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới", lễ hội nhằm thể hiện tinh thần sáng tạo, đổi mới để khẳng định và nâng tầm vị thế của cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng; lan tỏa, giới thiệu văn hóa cà phê Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Lễ hội cà phê cũng một trong những nỗ lực của Buôn Ma Thuột trong việc xây dựng hình ảnh về một thành phố thông minh, thân thiện, mến khách; trở thành điểm đến nổi bật trên dải đất cao nguyên xanh tươi và trù phú.

Với 18 hoạt động diễn ra trong lễ hội bao gồm Hội thi nhà nông đua tài (12/3/2023); Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê (10-14/3/2023); Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản (10-13/3/2023); Hoạt động hưởng ứng cà phê miễn phí của các địa phương (10/3/2023); Biểu diễn ca kịch "Khát vọng Dam Săn" (11/3/2023); Lễ hội Ánh sáng; Hội voi Buôn Đôn (12/3/2023); Đua thuyền độc mộc huyện Lắk (12/3/2023). Lễ hội Cà phê 2023 không chỉ hướng đến việc tiếp tục kế thừa tinh hoa của những kỳ lễ hội trước, ngoài hoạt động thương mại, tiêu thụ, xuất khẩu; lễ hội còn hướng đến lan tỏa giá trị văn hóa, hướng phát triển "canh tác cà phê thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu" của 44 dân tộc anh em đang sinh sống trên toàn tỉnh.

Trong cương vị Đại sứ truyền thông, hoa hậu H' Hen Niê chia sẻ bản thân cô là người dân Buôn Ma Thuột, sinh ra trong một gia đình làm nông và lớn lên cùng cây cà phê. Với vinh dự trở thành Đại sứ lần thứ hai cho Lễ hội Cà phê, H'Hen Niê đã cùng Ban Tổ chức có sự đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm lan tỏa tốt nhất những giá trị của lễ hội và của con người Đắk Lắk.

Định vị Buôn Ma Thuột thành 'điểm đến của cà phê thế giới' ảnh 2

Hoa hậu H'Hen Niê tại buổi họp báo về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2023. Ảnh: Nhật Lâm.

"Là người con của buôn làng Tây Nguyên, Hen càng tự hào hơn khi trở thành Đại sứ truyền thông tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. Với những trải nghiệm và tình yêu với loại nông sản này, dù đi đến bất cứ nơi đâu, Hen cũng đều tự hào và hạnh phúc để kể về về gia đình, về những người hàng xóm và miền đất nơi mình lớn lên - nơi cho ra đời loại cà phê chất lượng tốt nhất thế giới", H'Hen Niê nói.

Không chỉ hướng đến đại chúng với những hoạt động đa dạng, trong lễ hội lần này, Ban tổ chức còn tập trung vào giới trẻ khi tổ chức những sự kiện với quy mô lớn, trẻ trung, sôi động như Đêm hội Ánh sáng. Bên cạnh đó, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 còn có sự tham gia, quảng bá của nhiều gương mặt truyền thông trên các nền tảng xã hội như các KOLs, KOCs, travel blogger, idol tiktok... nhằm tìm ra những góc độ mới trong nét đẹp đậm đà bản sắc trong văn hóa và thiên nhiên Tây Nguyên.

Theo Kiện tướng thể hình Phan Bảo Long, Đại sứ truyền thông mạng xã hội, đến với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, anh mong muốn lan tỏa khát vọng của những người con Đắk Lắk. Nếu chủ đề của lễ hội lần trước là "Tinh hoa đại ngàn", thể hiện khát vọng từ bên trong của cộng đồng thì năm nay, với "Điểm đến của cà phê thế giới" Phan Bảo Long và các Đại sứ truyền thông khác chú trọng đưa văn hóa dân tộc hướng ra bên ngoài, kết nối giữa con người với con người, mang cà phê của Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Được biết, trong thời gian diễn ra Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, tỉnh Đắk Lắk sẽ mời 160 cơ quan, đơn vị quốc tế tham gia. Theo đó, có 54 cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài (44 đại sứ quán, 10 tổng lãnh sứ quán); 57 tổ chức quốc tế (5 tổ chức, nhà tài trợ nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, 8 hiệp hội, doanh nghiệp cà phê và 44 tổ chức quốc tế khác); 17 tỉnh, thành phố, 3 đoàn nghệ thuật các nước và 29 cơ quan báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam.

TikTok đang ở 'thời điểm then chốt'
TikTok đang ở 'thời điểm then chốt'
(Ngày Nay) - Ông Shou Zi Chew - CEO của TikTok, thừa nhận ứng dụng này đang ở "thời điểm then chốt" khi ngày càng có nhiều nhà lập pháp Mỹ tìm cách cấm nền tảng này do lo ngại vấn đề an toàn dữ liệu.
UNESCO công bố 32 tác phẩm dự thi nổi bật cuộc thi Nhiếp ảnh sáng tạo Hà Nội Rethink - Phần 3
UNESCO công bố 32 tác phẩm dự thi nổi bật cuộc thi Nhiếp ảnh sáng tạo Hà Nội Rethink - Phần 3
(Ngày Nay) - Cuộc thi Nhiếp ảnh sáng tạo dành cho người trẻ Hà Nội Rethink của UNESCO Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của tất cả các bạn trẻ. Sau hành trình trải nghiệm, sống và yêu Hà Nội “thêm một chút”, cộng đồng người trẻ yêu nhiếp ảnh và văn hóa đã chụp lại và kể những câu chuyện chưa kể về Hà Nội qua những tác phẩm đầy sáng tạo của mình. Tất cả các bức ảnh gửi về cuộc thi là những trải nghiệm, câu chuyện, góc nhìn của người trẻ về Thủ đô yêu dấu.