Nguồn hàng cung ứng, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong dịp tết Đinh Dậu 2017 đã được doanh nghiệp chuẩn bị tăng 10-20% so với năm trước. Giá cả được nhận định sẽ tăng khoảng 5-10% so với ngày thường và tăng khoảng 4-5% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan, cho biết doanh nghiệp dự kiến sẽ cung ứng khoảng 3.000 tấn thịt tươi sống gồm thịt heo, thịt bò và khoảng 3.200 tấn thực phẩm chế biến các loại vào dịp tết. Đơn vị này cũng dự trữ khoảng 20% sản lượng hàng hóa phòng khi thị trường có biến động.
Ông Mười cho biết thêm với thực phẩm tươi sống, công ty đã triển khai kế hoạch giết mổ heo hơi, bò hơi nhằm đảm bảo sản lượng cung ứng cho thị trường, trong đó chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lo ngại nhất của doanh nghiệp này, theo ông Mười, là hàng đã được dự trữ nhưng mức tiêu thụ vẫn đang ở trạng thái bình thường.
Đồng quan điểm trên, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết công ty đã chuẩn bị 10 triệu trứng/tháng để cung ứng ra thị trường. Đây là lượng hàng tương đương với năm 2016. Nếu thị trường tiêu thụ hết thì doanh nghiệp cũng có hàng dự trữ để bổ sung.
Tuy nhiên ông Thiện cho rằng để tiêu thụ hết cũng tương đối khó vì hiện tại sức mua thấp, số lượng tiêu thụ không đạt 10 triệu trứng/tháng. Con số này thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 30%.
Duy nhất mặt hàng nông sản (đặc biệt là rau) đứng trước nguy cơ khan hàng và giá cả sẽ bị đẩy lên cao. Lý do được các hợp tác xã trên đại bàn tỉnh Lâm Đồng đưa ra là thời tiết năm nay bất lợi nên năng suất cho vụ tết không được tốt (thấp hơn 20%).
Ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Đà Lạt), cho biết công ty chuẩn bị cung ứng ra thị trường tết 350 tấn/ngày bắt đầu từ ngày 30 âm lịch, tương đương năm trước. Giá ở một số chợ truyền thống có thể bị đội lên nhưng với kênh phân phối siêu thị thì vẫn được bình ổn.
Tổng lượng hàng hóa cập nhật tại các hệ thống siêu thị cũng ghi nhận mức tăng cao hơn năm ngoái. Đại diện của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết tổng lượng hàng hóa dự kiến cung ứng cho ba tháng trước, trong và sau tết là hơn 110.000 tấn, tăng 15% so với năm trước. Trong đó, lượng hàng theo chương trình bình ổn thị trường tăng từ 5% đến 30% tùy nhóm.
Trong lúc đó, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), dự kiến cung ứng khoảng 21.300 tấn hàng hóa, tăng 29,1% (4.802 tấn) so với kế hoạch đăng ký với UBND thành phố, tương ứng số vốn 1.590,6 tỷ đồng.
Hệ thống siêu thị Lotte Mart tăng 20-40% nguồn hàng dự trữ so với cùng kỳ năm ngoái ở các ngành hàng như bánh kẹo, đồ uống, thực phẩm, quần áo thời trang…
Tuy nhiên, xu hướng chi tiêu trong ngày Tết của đa số người dân giảm khiến nhiều kênh phân phối lo ngại về sức mua. Do vậy hầu hết siêu thị cùng nhà sản xuất đều đưa ra các chương trình kích cầu để người dân mua sắm.
Cụ thể, các công ty nằm trong diện bình ổn thị trường cùng hệ thống phân phối sẽ giảm giá sâu đồng loạt các mặt hàng trong chương trình vào những ngày cận Tết. Cụ thể, giá trứng gia cầm sẽ giảm 1.000-2.000 đồng/chục hai ngày trước tết; giá thịt gia súc giảm 3.000 đồng/kg từ ngày 5/1; giá thịt gia cầm giảm 10% vào ba ngày cận tết…
Ngoài ra, các mặt hàng lạ cũng được bổ sung cho dịp Tết để người dân lựa chọn phong phú hơn, đặc biệt là ở các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài. Các hệ thống Aeon Mall, Lotte, Big C đều cho biết sẽ bổ sung các mặt hàng thực phẩm đặc trưng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… để phục vụ nhu cầu ăn Tết của người Việt.
Siêu thị sẽ mở cửa đến trưa ngày 30 Tết
Các hệ thống siêu thị tham gia bình ổn thị trường sẽ tăng thời gian phục vụ khách hàng mùa tết. Cụ thể, từ ngày 20 đến 27/12 âm lịch, mở cửa từ 7h đến 23h; từ ngày 27 đến 29/12 âm lịch, mở cửa từ 6h đến 24h. Ngày 30 tết, mở cửa từ 6h đến 12h.
Từ 8h sáng mùng 2 tết, siêu thị khai trương năm mới. Từ mùng 2 đến mùng 5 tết, mở cửa từ 8h đến 12h. Mùng 6 tết, siêu thị hoạt động kinh doanh bình thường.
Theo Zing