Donald Trump đại chiến báo giới Mỹ

(Ngày Nay) - Cuộc chiến đã kéo dài âm ỉ lâu nay giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với giới báo chí chính thống của nước này đã bùng nổ cuối tuần qua, với việc ông Trump tuyên bố báo chí là “kẻ thù của nhân dân Mỹ” và thư ký báo chí Sean Spicer “cấm cửa” nhiều cơ quan báo chí lớn dự họp báo của Nhà Trắng.
Donald Trump đại chiến báo giới Mỹ

“Tôi muốn tất cả các bạn biết rằng chúng ta đang chiến đấu với tin tức giả mạo. Đó là sự giả mạo, lừa bịp, giả mạo”, ông Trump tuyên bố trước Hội thảo Hành động Chính trị của phe bảo thủ vào cuối tuần trước. “Một vài ngày trước, tôi đã gọi tin tức giả mạo là 'kẻ thù của nhân dân', bởi họ chính là như vậy. Họ là kẻ thù của nhân dân. Họ không có nguồn tin và sẵn sàng bịa đặt khi bí tin”.

Tổng thống Donald Trump cũng lên án việc sử dụng “nguồn tin giấu mặt” và đánh đồng nguồn thông tin vốn rất quan trọng trong hoạt động báo chí này là “tin tức giả mạo”.

Tin tức giả mạo

Tin tức giả mạo không phải điều mới mẻ. Tuy nhiên, tin tức giả mạo đã nở rộ một cách đáng lo ngại trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 vừa qua. Với mạng xã hội và công nghệ thông tin hết nối hiện đại, nhiều nhóm cá nhân đã tìm được cách truyền bá những câu chuyện hoàn toàn giả mạo tới hàng triệu cử tri.

Một loạt tin tức giả mạo theo chiều hướng có lợi cho ông Trump cũng đã xuất hiện trong dư luận trong suốt quá trình tranh cử, có thể kể đến những thông tin như “Giáo hoàng ủng hộ Trump”, “Hillary Clinton bán vũ khí cho IS”, “Đặc vụ FBI điều tra vụ rò rỉ email của Hillary Clinton bị ám sát”.

Bản thân ông Trump khi là ứng cử viên đã có nhiều phát ngôn thiếu xác thực, là mầm mống cho những tin tức giả mạo được truyền bá rộng rãi trong khoảng thời gian đó. Ông là người đã tung ra những thông tin sai sự thật như bố của đối thủ Ted Cruz có liên quan đến vụ ám sát cựu tổng thống John F. Kennedy, Tổng thống Obama không sinh ra tại Mỹ, và liên tục khẳng định rằng biến đổi khí hậu là một trò lừa bịp.

Donald Trump đại chiến báo giới Mỹ ảnh 1

Sau khi trở thành Tổng thống, Donald Trump đã tích cực sử dụng từ “tin tức giả mạo” một cách “đánh bùn sang ao” khi dùng nó để gọi những cơ quan báo chí lớn, có uy tín và có quy trình kiểm chứng thông tin nghiêm ngặt. Trong một thời gian ngắn kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã có tới 21 lần dùng từ “tin tức giả mạo” để nói về các cơ quan báo chí chính thống. Các tờ báo theo xu hướng bảo thủ cũng đã nhanh chóng hưởng ứng và đưa hành động này thành một trào lưu. Những lỗi thông tin trên các tờ báo, phần lớn đã được cải chính, giờ cũng được truyền thông cánh Donald Trump “nâng tầm” lên thành “tin tức giả mạo” và tuyên truyền ra dư luận.

Tẩy chay báo chí chính thống

Cũng trong cuối tuần qua, một sự kiện khác xảy ra cho thấy đối tượng mà chính quyền Trump đang nhắm tới không phải “tin tức giả mạo” mà chính là báo chí chính thống khi thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer cấm của một số cơ quan báo chí lớn trong đó có CNN, BBC, Thời báo New York dự một cuộc họp báo. Ở chiều ngược lại, những tờ báo nhỏ nhưng có khuynh hướng bảo thủ rõ ràng như Breitbart thì được quyền tham dự. Một số cơ quan báo chí lớn như Tạp chí TIME và Hãng tin AP đã quyết định tẩy chay cuộc họp báo này để thể hiện sự đoàn kết với các bạn đồng nghiệp. Tổ chức Phóng viên Nhà Trắng cũng đã chính thức lên án động thái này của của chính quyền Donald Trump.

Donald Trump đại chiến báo giới Mỹ ảnh 2

Để đẩy cuộc đối đầu lên cao hơn nữa, ông Trump cũng đã tuyên bố sẽ không dự Tiệc tối với các phóng viên Nhà Trắng, một sự kiện được tô chức thường niên nhằm gây quỹ học bổng cho các nhà báo tương lai. Đây là sự kiện thường có sự có mặt của Tổng thống, các nhà báo, những người nổi tiếng và các chính trị gia nổi bật khác ở Washington. Đây vốn cũng là một dịp để Tổng thống làm thân và “ghi điểm” về sự hài hước của mình với báo giới. Ngoài Donald Trump ra, chưa có Tổng thống Mỹ đương nhiệm nào bỏ qua không dự sự kiện này, trừ Cựu tổng thống Ronald Reagan người đã bất đắc dĩ không thể tới dự được sau một âm mưu giám sát vào năm 1981.

Mục đích

Ông Trump từng tuyên bố ông coi báo chí truyền thông là một kẻ thù còn hơn cả đảng Dân chủ. Ông  thường xuyên kích động những người ủng hộ mình chế nhạo các nhà báo có mặt đưa tin về chiến dịch vận động tranh cử, và thường xuyên sử dụng tài khoản mạng xã hội Twitter của mình để tấn công cá nhân bằng ngôn từ với các nhà báo. Chiến lược gia Nhà Trắng Steve Bannon thường xuyên nhắc tới báo chí như một “đảng đối lập” thù địch với ông Trump. Bản thân Tổng thống cũng tuyên bố “sẽ truyền mọi thông điệp thẳng tới người dân" bởi “bảo chí thật sự đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Mức độ thiếu trung thực đã vượt ngoài tầm kiểm soát”. Những sự kiện diễn ra cuối tuần qua đã củng cố thêm những nhận định rằng, Donald Trump sẽ không sớm mà “làm lành” với giới truyền thông chính thống.

Theo một số nhà phân tích, thái độ và hành vi thù nghịch với báo chí của Tổng thống Donald Trump là một chiến lược có tính toán để hạ thấp uy tín và mức độ tin cậy của những người đang ngày ngày đưa tin về những tuần đầu tiên đầy sóng gió của nhiệm kỳ Trump.

Donald Trump đại chiến báo giới Mỹ ảnh 3Ông Trump từng tuyên bố ông coi báo chí truyền thông là một kẻ thù còn hơn cả đảng Dân chủ

“Rõ ràng, đây là một sự gia tăng căng thẳng, Tổng thống Trump đã sử dụng những ngôn từ nóng nảy với mục đích hạ thấp uy tín và vai trò của báo giới Hoa Kỳ”, nhà báo Carlos Lauria thuộc Ủy ban Bảo vệ Nhà báo quốc tế nhận định.

Nhưng mặc dù ông Trump có thể thành công với chiến lược này và đánh lạc hướng người dân khỏi những vấn đề cốt lõi, nhưng đang có những dấu hiện rằng đảng Cộng hòa và cả chính những thành viên trong nội các của ông Trump đang không thể tiếp tục chấp nhận thái độ thù nghịch này. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã tuyên bố ông không có ác cảm gì với báo chí. Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố Nhà Trắng vẫn sẽ cam kết ủng hộ một nền báo chí tự do, độc lập. Thượng nghĩ sĩ John McCain thì khẳng định, phát ngôn của Tổng thống Trump về việc báo chí là “kẻ thù của nhân dân” là thứ phát ngôn chỉ có ở những nhà độc tài muốn hạ thấp vai trò của báo chí.

Chiến lược thiếu khôn ngoan

Cựu Tổng thống Thomas Jefferson từng chỉ trích báo chí là “những phương tiện ô nhiễm” chuyên chở thông tin lừa dối và sai lệch. Cựu Tổng thống Richard Nixon từng đối đầu với các nhà báo và gọi họ là “kẻ thù” trong vụ bê bối Watergate. Cựu Tổng thống Bill Clinton cũng từng công khai lên án báo giới là “nhà cung ứng sự hận thù và chia rẽ” ngay trên sóng truyền thanh.

Dù ông Trump không tham dự nhưng sự kiện này vẫn sẽ là một dịp quan trọng đối với các hãng truyền thông độc lập và với cộng đồng.

Jeff Mason- Chủ tịch Hiệp hội phóng viên Nhà Trắng

Các sử gia có thể dẫn chứng vô số trường hợp các tổng thống tiền nhiệm “cơm không lành, canh không ngọt” với báo chí. Tuy nhiên, không có trường hợp nào tương xứng về quy mô và mức độ căng thẳng so với cuộc tấn công toàn diện của đương kim Tổng thống Donald Trump - một cuộc tấn công đang leo thang từng ngày để trở thành một cuộc chiến tranh thực sự.

“Chưa có cuộc thánh chiến nhằm vào báo giới nào ngang tầm với cuộc chiến mà ông Trump đang tiến hành”, ông Douglas Brinkley, giáo sư sử học Đại học Rice cho biết. “Ông Trump quyết tâm dần cho .báo chí tơi tả bất cứ khi có dịp, và đó là điều vô tiền khoáng hậu”.

Giống như Donald Trump, cựu Tổng thống Thomas Jefferson cũng từng đối đầu nảy lửa với báo chí trong nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, điều khác biệt là ông chưa bao giờ đánh giá thấp vai trò của báo chí. Ông từng nói: “Nếu để tôi quyết định lựa chọn giữa một chính phủ không có báo chí hay một nền báo chí không có chính phủ, tôi sẽ chẳng ngại ngần gì mà chọn ngay điều thứ hai”.

Một khảo sát của Đại học Quinnipiac cho thấy, mặc dù không hài lòng với báo chí chính thống nhưng có đến 52% người Mỹ tin rằng báo chí sẽ nói sự thật về những vấn đề quan trọng, trong khi chỉ có 37% tin vào điều tương tự từ Donald Trump. Đáng chú ý hơn, trong khi có 50% người được hỏi cho rằng báo giới đã không công bằng với Donald Trump, thì có tới 61% người được hỏi tin rằng Donald Trump đã bất công với báo giới.

Khảo sát này cho thấy chiến lược hạ thấp uy tín báo chí của Tổng thống Donald Trump sẽ có thể sớm phản tác dụng với chính ông. Có thể rằng, đã đến lúc Tổng thống Donald Trump nhìn vào người tiền bối Jefferson để tìm kiếm một lời khuyên giá trị và một chiến lược hợp lý hơn.

Người dân ủng hộ ai?

Một cuộc thăm dò của Đại học Emerson công bố mới đây cho thấy 49% người dân Mỹ tin rằng chính quyền Tổng thống Trump là chân thật, 48% nghĩ ngược lại. Có 53% cử tri thì tin rằng các hãng truyền thông là giả dối, trong khi 39% tin vào các hãng truyền thông. Kết quả này cũng khác biệt giữa những cử tri của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ; khi có 91% cử tri đảng Cộng hòa tin rằng giới truyền thông không thành thật, trong khi 69% phía đảng Dân chủ tin vào truyền thông.

Đứng giữa quan sát cuộc chiến giữa chính quyền Trump và báo giới chính là người dân Mỹ. Trong những tuần qua, chương trình truyền hình “Saturday Night Live” nối tiếng của Mỹ đã liên tục lấy người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer làm chủ đề đàm tiếu của họ.

Kết quả thăm dò của hãng Gallup công bố mới đây cho thấy 36% người dân Mỹ cho rằng giới truyền thông đã có quan điểm quá khắt khe với ông Trump, trong khi 31% nói rằng quan điểm này là cần thiết và 28% nói rằng báo chí thậm chí chưa đủ khắt khe với Tổng thống.

Có khoảng 74% cử tri đảng Cộng hòa tin rằng truyền thông đã quá khắt khe với ông Trump, so với 49% cử tri đảng Dân chủ tin rằng báo chí cần phải mạnh tay hơn nữa.

Tổng thống Trump cũng thường sử dụng mạng xã hội Twitter để đưa ra những lời phê bình của mình, cho rằng họ đã thất bại trong việc nêu vấn đề nợ quốc gia.

“Truyền thông đã không báo cáo về khoảng nợ quốc gia trong tháng đầu tiên mà tôi nắm quyền. Khoản nợ này đã giảm tới 12 tỷ USD, so với mức nợ khổng lồ 200 tỷ mà chính quyền Obama trước kia phải đối mặt trong tháng đầu” - ông Trump viết.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).