Theo người dân, đây là trận mưa lớn thứ hai trong tuần qua, lượng nước mưa từ cổng số một của Khu Công nghiệp Dầu Giây đổ ra quá lớn, không kịp chảy xuống cống thoát nước nên tràn qua đường dân sinh làm hàng chục hộ dân có đất vườn, ao cá dọc theo suối Hòn bị tàn phá nặng nề. “Nước ngập đến nửa thân cây, vườn cây ăn trái của người dân chúng tôi coi như tan nát hết rồi”, ông Lê Công Lợi bàng hoàng.
“Tôi ở đây hơn 30 năm, mưa lớn nhiều ngày cũng chưa bao giờ có nước dâng lên như vậy. Dịch bệnh nhiều tháng qua khiến tình cảnh ai nấy đều khó khăn, gia đình đang tính chuyện vớt cá để bán thì đâu ngờ nước lũ tràn vào ngập hết ao, nửa tấn cá đã lớn đến kỳ bán và cá giống mới mua về theo nước đi sạch. Chuồng gà ta cả trăm con cũng bị nước cuốn trôi đi hết”, bà Màu buồn bã.
Nước mưa như lũ từ KCN Dầu Giây chảy ra suối Hòn |
Nước mưa cao một mét, chảy xiết tràn vào vườn bưởi, các hồ cá tai tượng, cá trắm cỏ của ông Võ Văn Hùng, nhiều con cá lớn hơn 2kg đã theo dòng đi mất. “Tôi chưa bao giờ thấy nước ghê như vậy, hồ cá coi như không còn một con. Bờ tường cao 3m bị nước đánh sập một đoạn dài hơn 60m, hơn 1,5 tấn cá bị thiệt hại, hơn 30 gốc bưởi bật gốc và hàng trăm bao phân bón bị cuốn trôi. Gia đình tôi thiệt hại ước tính gần 500 triệu đồng”, ông Hùng nói.
Sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, UBND huyện Thống Nhất đã chỉ đạo, phân công cán bộ phụ trách đến ghi nhận ngay trong ngày. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài khiến nước dâng cao gây nhiều khó khăn. Thời điểm phóng viên đến hiện trường cũng không thể tiếp cận các hộ dân gần cống xả số một của Khu Công nghiệp vì nước vẫn đang ngập rất sâu.
Nước đánh sập tường rào của người dân. |
Đến sáng ngày 25/8, ông Trần Quang Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện cho biết: “Hôm nay, lãnh đạo huyện tiếp tục quay lại kiểm tra, xác minh và đánh giá thiệt hại của người dân. Sau đó, chúng tôi sẽ trình UBND huyện đưa ra giải pháp nhanh để khắc phục, hỗ trợ người dân”.
Sau khi đi khảo sát thật tế, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, ông Mai Văn Hiền nói: “Đúng là dòng nước đổ về từ các khu vực trên QL1A quá lớn, đến sáng nay chúng tôi mới có thể vào sâu bên trong khảo sát được. Huyện sẽ mời đại diện Khu Công nghiệp và các ban ngành địa phương họp để đưa ra giải pháp khai thông dòng chảy khẩn cấp vì nhiều đoạn suối còn quá hẹp. Huyện cũng sẽ đề nghị hỗ trợ thiệt hại cho người dân.”
Thiệt hại là hết sức nặng nề. |
Khu Công nghiệp Dầu Giây được thành lập trên vùng đất trồng cao su thuộc địa bàn huyện Thống Nhất với diện tích 331ha. Từ cuối năm 2019, sau khi cho thuê gần hết diện tích, được sự đồng ý của UBND tỉnh Đồng Nai, Khu Công nghiệp Dầu Giây được giao tiếp 75ha để xây dựng phần mở rộng phía đông đường DT769 - đây là vùng đất cao nằm ở thượng nguồn của suối Hòn.
Khi thực hiện phần mở rộng này cơ quan chức năng chưa thực hiện khai thông dòng suối nên nước mưa vốn được rừng cao su giữ lại nay đổ thẳng ra ngoài gây thiệt hại cho khu dân cư hai bên bờ và hạ nguồn. “Mùa mưa trước đã nhiều lần người dân phản ánh, cứ ngỡ họ đã khắc phục xong khi hệ thống đường bê tông, đường nhựa đã hoàn tất. Thế mà mới mấy trận mưa lớn đã phá tan nát hết rồi", ông Hùng ngỡ ngàng.
Người dân bắt đầu dọn đất đá sau khi nước rút. |
Trước đây, vào năm 2019, người dân ở phía tây của Khu Công nghiệp cũng được đền bù hàng trăm triệu đồng vì nước mưa chảy ra gây thiệt hại cho cây chôm chôm và sầu riêng. Sau đó, huyện đã đầu tư làm cống thoát nước với tổng kinh phí 27 tỷ đồng để khắc phục tình trạng này.