Nếu Hà Nội là trung tâm kinh tế văn hoá chính trị với sức hấp dẫn của một thành phố ngàn năm văn hiến, Quảng Ninh là một "địa chỉ đỏ" về du lịch biển đảo, hang động kỳ vĩ thì Hải Phòng cũng có lợi thế riêng với biển Đồ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà. Từ lâu, ba địa danh này đã được xác định là tam giác kinh tế du lịch trọng điểm của Bắc Bộ.
Những “ốc đảo” thừa tiềm năng, thiếu liên kết
Từ một thập niên trước, lượng khách du lịch đến Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đã chiếm 59%, trong đó khách quốc tế chiếm 77% và doanh thu chiếm 80% của các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn số cơ sở lưu trú được xếp hạng tại cả ba tỉnh đều khá ít ỏi và thiếu cân đối trong cán cân cung cầu về du lịch: Hà Nội có 177 cơ sở, công suất sử dụng lên tới 80%, Hải Phòng có 102 cơ sở công suất là 55%. Con số tương tự tại Quảng Ninh là 305 cơ sở lưu trú, công suất chỉ đạt 37%.
Thiếu vắng về cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông, ba địa phương hầu như không có sự liên kết về du lịch, mỗi bên phát triển một cách tự phát với cung cầu hoàn toàn khác biệt, dù khoảng cách địa lý không xa: Hà Nội cách Quảng Ninh gần 200 km và cách Hải Phòng 120 km.
Trong bối cảnh du lịch phải là ngành kinh tế liên ngành, liên vùng, sự cô lập giữa ba khu vực trọng điểm của Bắc Bộ sẽ là cản trở lớn đối với quá trình phát triển, tăng trưởng du lịch của cả nước.
Điều này đã được thay đổi quyết liệt trong các năm gần đây.
Khung cảnh vịnh Hạ Long từ sân golf của FLC Hạ Long |
Bắt tay cùng phát triển
Chỉ trong vài năm, vùng tam giác vàng của Bắc Bộ ghi nhận những thay đổi đột phá về cơ sở hạ tầng với các trục kết nối chính: quốc lộ 5, 10, 17,18; cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, … giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hạ Long đến Hà Nội chỉ còn 90 phút, thời gian di chuyển từ Hải Phòng đến Hà Nội chỉ còn hơn 1 giờ đồng hồ.
Trong tương lai gần, khi tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái, cầu Bạch Đằng nối Hải Phòng với Hạ Long… đi vào hoạt động, kết nối tiếp với trục cao tốc Lào Cai – Hà Nội thành liên tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam, đây sẽ là vành đai giao thương quan trọng với Trung Quốc và thế giới.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch nâng cấp sân bay Cát Bi thành Cảng hàng không quốc tế Cát Bi theo tiêu chuẩn 4E vào giữa năm 2016 và đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay đã trở thanh đòn bẩy kích thích sự tăng trưởng kinh tế bền vững cho tam giác kinh tế phía bắc Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh cũng như cả nước.
Những ông lớn vào cuộc
Cơ sở giao thông từng bước hoàn thiện, phát triển bất động sản tại tam giác vàng Bắc Bộ đã trở thành sân chơi đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư.
Thành phố cảng vượt qua hàng loạt đối thủ, trở thành nơi thu hút dòng vốn FDI lớn nhất cả nước năm 2016 với gần 3 tỷ USD, đồng thời còn là điểm đến của hàng loạt dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn như: Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại khu đô thị Bắc Sông Cấm của tập đoàn Xuân Thành; dự án mở rộng sân golf 36 lỗ của tập đoàn BRG; Dự án khu du lịch phức hợp và nhà máy điện mặt trời của tập đoàn Đầu tư MCKINLEY…
Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Halong Bay Golf Club and Luxury Resort |
Tại đất mỏ, chỉ trong năm 2014-2015, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút hơn 100 dự án bất động sản với tổng vốn đầu tư ước đạt hơn 100.000 tỷ đồng, đáng chú ý là sự quy tụ của những nhà đầu tư nước ngoài như: Tập đoàn Amata (Thái Lan) với khu đô thị công nghiệp công nghệ cao 2 tỷ USD, Tập đoàn ISC Corp (Mỹ) với dự án phức hợp vui chơi giải trí 7,5 tỷ USD tại đảo Tuần Châu hay liên danh CDC (Anh); Middle Utilities Company (Singapore); Infra Asia Investment (HongKong) với dự án phát triển tổ hợp cảng biển hơn 300 triệu USD tại khu vực Đầm Nhà Mạc…
Nhiều nhà đầu tư đã nhanh chân phủ sóng trên cả hai địa bàn của khu tam giác với loạt công trình nghìn tỷ. Đơn cử như FLC, tập đoàn này hiện có ba dự án tại Quảng Ninh bao gồm: FLC Halong Bay Golf Club and Luxury Resort tổng mức đầu tư 3.400 tỷ đồng, dự án tổ hợp dịch vụ du lịch giải trí cao cấp tại huyện Vân Đồn với mức đầu tư dự kiến 2 tỷ USD và dự án tháp đôi 50 tầng với tổng mức đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của Hạ Long.
Tại Hải Phòng, FLC đang triển khai xây dựng quần thể FLC Đồ Sơn có vốn đầu tư 5.300 tỷ đồng, là dự án hoàn toàn lấn biển đầu tiên ở Việt Nam.
Một phần phối cảnh Khu phức hợp FLC Đồ Sơn |
Những nhà đầu tư tiên phong với tiềm năng tài chính vững vàng kể trên không những giúp bức tranh hạ tầng du lịch của tam giác vàng Bắc Bộ tái định hình một cách mạnh mẽ, mà còn “tạo sức mạnh lan tỏa, dẫn dắt, tạo cơ hội rộng mở hơn cho các nhà đầu tư khác”, theo nhận xét của Chủ tịch UBND Quảng Ninh Nguyễn Đức Long.
Không nghi ngờ gì, Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng đã và đang trở thành những cực tăng trưởng quan trọng trong kinh tế du lịch của quốc gia và khu vực, góp phần đưa Việt Nam đứng ngôi đầu bảng về tốc độ phát triển du lịch tại Châu Á và thuộc Top 10 nước tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới đầu năm 2017.