Giải thưởng sẽ được công bố chính thức tại sự kiện e-Digital Media Asia 2020 vào ngày 15/10.
Dự án của TTXVN với tên gọi “Cuộc chiến chống tin giả – Những ý tưởng sáng tạo và giải pháp hiệu quả” gồm 3 cấu phần: 1/ Bài hát chống Fake News bằng 15 ngôn ngữ; 2/ Tài khoản Factcheckvn trên mạng xã hội TikTok hướng vào giới trẻ; 3/ Dự án "Nói không với Fake News" đào tạo kỹ năng phòng tránh tin giả cho học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông, đã triển khai tại nhiều tỉnh thành trong toàn quốc.
Cùng đoạt giải thưởng ở hạng mục này có một dự án của Singapore Press Holdings.
Tin giả lan truyền khắp thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ, đặc biệt trong thời gian diễn ra đại dịch kể từ đầu năm nay. TTXVN, với vai trò là một trong những cơ quan báo chí hàng đầu ở Việt Nam, từ lâu đã luôn tiên phong trong cuộc chiến cam go chống tin giả, tin thất thiệt, thông qua hàng ngàn nội dung chuyên sâu bằng nhiều loại hình báo chí, cảnh báo độc giả và khán thính giả về mối đe dọa này, đồng thời chủ động bóc trần những thông tin sai lệch bằng các sản phẩm báo chí.
Kể từ năm 2019, TTXVN đã triển khai một loạt ý tưởng sáng tạo, đưa cuộc chiến chống fake news lên một cấp độ mới.
Sử dụng sản phẩm rap news kết hợp nhạc rap với tin tức vốn rất được ưa chuộng, vào tháng 4/2020, TTXVN đã tung ra một ca khúc chống tin giả, tập trung những hệ lụy xung quanh việc phát tán tin giả về đại dịch Covid-19. Ca khúc được thể hiện bằng tiếng Việt, sau đó được biên dịch và chạy phụ đề bằng 14 ngôn ngữ khác gồm tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Italy, Đức, Trung, Nhật, Hàn, Thái, Indonesia, Khmer, Lào và Arab.
Bài hát “Chung tay loại bỏ Fake News” không chỉ được đăng tải trên tất cả các website và nền tảng thuộc TTXVN mà còn được phát trên các hệ thống báo chí truyền thông lớn của đất nước như VTV, VOV, VTC, thu hút hàng triệu lượt xem. (Link các phiên bản ngôn ngữ của các ca khúc: https://bit.ly/39eXIpP)
Ca khúc này cũng đánh dấu việc ra mắt tài khoản chính thức của TTXVN – factcheckvn – trên mạng xã hội TikTok nhắm đến thế hệ Z, trong tháng 4/2020. Đây là lần đầu tiên một cơ quan báo chí Việt Nam có riêng một kênh kiểm chứng thông tin, và cũng là lần đầu tiên trên nền tảng sử dụng các video ngắn này. Các video clip khác, đề cập nhiều vấn đề trong nước và quốc tế và bóc trần nhiều nội dung giả mạo, đã có hàng trăm ngàn lượt xem, thậm chí một clip có đến 1,4 triệu lượt xem. (https://www.tiktok.com/@factcheckvn)
Và thú vị nhất là dự án “Nói không với Fake News” hướng tới cộng đồng nhằm tăng cường trách nhiệm xã hội của cơ quan báo chí thông qua những hoạt động bên ngoài tòa soạn. Dự án do Đoàn Thanh niên TTXVN triển khai, đào tạo kỹ năng phòng chống tin giả cho học sinh từ cấp tiểu học cơ sở đến trung học phổ thông.
Tờ rơi Nói không với Fake News. (Nguồn: Vietnam+) |
Chương trình đầu tiên được tổ chức vào tháng 12/2019 cho cho khoảng 100 học sinh trường trung học cơ sở tại Đà Nẵng, sau đó là các trường tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Tháp. Với sự tham dự của các phóng viên trẻ thuộc mạng lưới cơ quan thường trú của TTXVN ở toàn bộ 63 tỉnh thành trong cả nước, dự kiến sẽ có hàng vạn học sinh được trang bị các kỹ năng chống tin giả mỗi năm. Các em cũng được phát tờ rơi để có thể chia sẻ kiến thức với bạn bè và các thành viên trong gia đình.
Đoàn Thanh niên TTXVN đã soạn thảo những nội dung tham khảo cơ bản về cách thức phòng chống tin giả, xây dựng một số trò chơi online trên báo điện tử của TTXVN, in tờ rơi về dự án đồng thời tiến hành tập huấn cho các đoàn viên. Dựa trên nội dung định hướng cơ bản, đoàn viên thuộc các chi đoàn chủ động xây dựng bản thuyết trình phù hợp với đối tượng tiếp nhận thuộc từng vùng miền cũng như chuẩn bị các trò chơi offline hoặc các đạo cụ khác. Dự án “Nói không với Fake News” được rất nhiều trường học hưởng ứng và đăng ký tham gia.
Giải thưởng Truyền thông Digital Châu Á của WAN-IFRA dành cho những cơ quan báo chí ở châu Á đã có các dự án truyền thông digital độc đáo trong vòng 12 tháng, từ những sáng kiến để thu hút độc giả trả phí cho đến các chương trình quảng cáo hiệu quả, việc sử dụng báo chí dữ liệu hay các ý tưởng tương tác với độc giả.