Theo Tân Hoa Xã, Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) đã được Thượng viện bỏ phiếu với tỉ lệ 87 phiếu thuận và 10 phiếu chống. Quốc hội Mỹ đã thông qua NDAA trong 57 năm liên tiếp.
Hiện dự luật NDAA được chuyển tới Nhà Trắng và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ sớm ký ban hành thành luật.
Theo phân bổ chi tiêu trong NDAA, Mỹ dành khoảng 616,9 tỷ USD cho ngân sách của Lầu Năm Góc; 21,9 tỷ USD cho các loại vũ khí hạt nhân và 69 tỷ USD cho quỹ chiến tranh.
Ngoài ra, NDAA còn tăng 2,6% tiền lương cho các thành viên thuộc quân đội Mỹ, nâng tổng số quân nhân tại ngũ lên 15.600 người cũng như phê chuẩn mua thêm 13 tàu chiến hải quân mới cùng 77 chiến đấu cơ F-35.
Điều đáng nói, việc cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua dự luật NDAA được xem là hành động ủng hộ lời kêu gọi từ Tổng thống Trump liên quan tới tăng cường sức mạnh quân đội Mỹ. Đây còn là động thái tránh được một cuộc đối đầu với Nhà Trắng liên quan đến công nghệ của các tập đoàn ZTE và Huwei của Trung Quốc. Theo đó, NDAA đề ra những biện pháp kiểm soát các hợp đồng ký kết giữa chính phủ Mỹ với ZTE và Huawei trước những mối quan ngại an ninh.
Trước đó, một số nhà lập pháp của đảng Dân chủ và Cộng hòa đã bày tỏ sự không tán thành với Tổng thống Donald Trump trước quyết định dỡ bỏ lệnh cấm các công ty Mỹ bán sản phẩm cho ZTE đồng thời cho phép công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ 2 của Trung Quốc tiếp tục kinh doanh trên đất Mỹ.
Động thái nói trên được đưa ra sau khi ZTE hoàn tất việc trả khoản tiền phạt lên tới 1,4 tỷ USD bằng cách chuyển 400 triệu USD tiền đặt cọc vào 1 ngân hàng Mỹ. Trước đó ZTE đã nộp phạt 892 triệu USD cho chính phủ Mỹ sau khi thừa nhận vi phạm các lệnh cấm vận.
Hồi tháng Tư, chính quyền của Tổng thống Trump thông báo cấm các doanh nghiệp Mỹ bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm với lý do ZTE đã vi phạm lệnh cấm vận khi bán các sản phẩm công nghệ của Mỹ cho Iran và Triều Tiên. Sự kiện này đã khiến ZTE rơi vào cảnh lao đao.