Các cuộc đụng độ mới nhất tại vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh giữa quân đội hai nước tại khu vực Caucasus đã khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Đại sứ Armenia tại Moscow hôm thứ Hai cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đã điều khoảng 4.000 tay súng từ phía bắc Syria tới Azerbaijan, các quan chức của Azerbaijan đã phủ nhận thông tin này.
Phía Armenia cũng cho biết các chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã chiến đấu cùng đồng minh Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh, một khu vực ly khai miền núi của Azerbaijan do người Armenia kiểm soát. Quân đội Azerbaijan cũng đang sử dụng các máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất tại chiến trường Nagorno-Karabakh.
Hikmat Hajiyev, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Azerbaijan Azeri Ilham Aliyev đã bác bỏ việc phiến quân Syria xuất hiện tại khu vực tranh chấp. “Các lực lượng vũ trang của chúng tôi có quá đủ quân nhân và lực lượng dự bị", vị quan chức khẳng định.
Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện sức mạnh ngày càng tăng ở nước ngoài với can thiệp quân sự tại các nước láng giềng như Syria và Iraq, đồng thời hỗ trợ quân sự cho chính phủ được quốc tế công nhận ở Libya.
Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh khu vực quan trọng nhất của Azerbaijan và liên tục khẳng định sẽ ủng hộ cả trên phương diện quân sự và chính trị với chính quyền Baku.
Nguy cơ đụng độ Nga-Thổ
Hồi tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã tham dự các cuộc tập trận chung ở Azerbaijan, trong khi Tổng thống Tayyip Erdogan đã sử dụng bài phát biểu của mình trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần trước để cáo buộc Armenia tấn công nước láng giềng.
Trong khi đó, Armenia được Nga coi là đối tác chiến lược ở khu vực Nam Caucasus, ngoài việc ký kết hiệp ước quốc phòng và bán vũ khí cho Armenia, Nga cũng có căn cứ quân sự tại nước này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ và cuộc xung đột phải được giải quyết thông qua ngoại giao.
Ông Thomas de Waal, một nghiên cứu viên cấp cao của viện nghiên cứu Carnegie Europe, cho biết: “Người Nga không muốn tham gia vào cuộc xung đột và thích đóng vai trò cân bằng và hòa giải hơn. Nhưng nếu lãnh thổ Armenia bị tấn công, họ không có lựa chọn nào khác ngoài bảo vệ Armenia.”