Đường về hoàng hôn nắng đã tắt, Hoa Sữa thơm mãi Thành phố tuổi thơ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ông Hồng Đăng ốm đã mấy năm nay. Những quán cafe quen buổi sáng nơi các cụ già nghệ sỹ ngồi hàn huyên cuối tuần đã hoàn toàn vắng bóng ông...

Chiếc xe Honda cũ kỹ chị Thuý (kiến trúc sư Lê Anh Thuý - người vợ xinh đẹp tảo tần của ông) chuyên chở ông tới gặp bạn bè cũng đã rất lâu không thấy trên đường. Một góc Hà Nội kém hẳn vui vì không được nghe ông nói chuyện, không được cười với những câu đùa dí dỏm mà uyên bác của ông. Bạn bè chỉ biết mong ông khoẻ lại và nhắn tin động viên chị Thuý.

Đường về hoàng hôn nắng đã tắt, Hoa Sữa thơm mãi Thành phố tuổi thơ ảnh 1

Nhạc sỹ Hồng Đăng và vợ - kiến trúc sư Lê Anh Thuý cùng nghệ sỹ Kim Thư. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Và hôm nay, ông vĩnh viễn không gượng dậy, không ra phố được nữa.

Ông đi xa thật rồi.

Ông đi, có biết bao nhiêu người thương tiếc. Người yêu nhạc thương tiếc vị nhạc sỹ tài hoa, anh em nhạc sỹ thương tiếc người đàn anh bao dung, tinh tế và rộng lượng, bạn bè người thân nhớ thương ông vì ông là Hồng Đăng - duy nhất - không lẫn vào đâu - không bao giờ có người thứ hai như thế nữa.

Hạt giống đỏ nảy mầm xanh, xanh ngắt

Đường về hoàng hôn nắng đã tắt, Hoa Sữa thơm mãi Thành phố tuổi thơ ảnh 2

Chân dung vị nhạc sỹ tài hoa - nhạc sỹ Hồng Đăng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ít ai biết bút danh Hồng Đăng có ý nghĩa chính là... Hồng Đăng. Những bài tình ca ngọt ngào, những ca khúc trong sáng nhẹ nhõm như tía nắng ban mai của ông khiến người ta quên bẵng cái tên rất "lập trường" của - Hồng Đăng. Ông thực sự là một "hạt giống đỏ" theo nghĩa tốt đẹp nhất của khái niệm này. Là cháu gọi nhà cách mạng Phan Đăng Lưu là bác ruột, tên thật là Phan Đăng Hồng. Ông sinh ra trên quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh, ra Thủ đô học Nhạc trong một chương trình nhìn xa trông rộng của những người đồng chí của bác ông - lúc đó đã thành lãnh đạo của chính quyền non trẻ.

Và chúng ta có Hồng Đăng, nhạc sỹ của "Hoa sữa", "Kỷ niệm thành phố Tuổi thơ"... dành cho Hà Nội, có "Đường về Hoàng hôn", có "Biển Hát chiều nay" của Vũng Tàu, có "Lênh đênh" trôi dạt Sài Gòn, có "Con nhện bắc cầu qua hai ngọn lúa" về Sông Hồng... có rất nhiều Thanh xướng kịch mà công chúng ít biết nhưng bất kỳ sinh viên thanh nhạc và Lý - Sáng - Chỉ của Nhạc viện đều phải thuộc nằm lòng.

Là nhạc sỹ tiêu biểu của thế hệ nhạc sỹ tân nhạc Việt Nam thứ hai, trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, học hành bài bản, Hồng Đăng "đi đều" cả hai chân: thanh nhạc và khí nhạc. Ông cũng tự viết lời, tự hoà âm phối khí cho tất cả các ca khúc của mình, những lời thơ dịu dàng trong trẻo, lấp lánh như nhạc của ông, như cách ông chọn sống và viết giữa cuộc đời này.

Một thủ lĩnh âm nhạc đích thực

Đường về hoàng hôn nắng đã tắt, Hoa Sữa thơm mãi Thành phố tuổi thơ ảnh 3

Nhạc sỹ Hồng Đăng cùng ca sĩ Hồng Nhung và nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Hẳn sẽ rất nhiều người ngạc nhiên khi nghe nói như vậy. Nhưng những người hoạt động âm nhạc và tổ chức biểu diễn, những người bảo vệ tác quyền âm nhạc, các nhạc sỹ trẻ từng chịu sự phê phán thậm chí kỳ thị khắt khe của các bậc "tiền bối" chắc chắn hiểu và thừa nhận điều này.

Là một nhạc sỹ sáng tác nhẹ nhàng và tinh tế, nhưng là một lãnh đạo Hội Nhạc sỹ Việt Nam qua hai nhiệm kỳ, dù chỉ là Phó tổng thư ký, ông phụ trách chuyên môn, và là người đứng mũi chịu sào, che chắn cho tất cả các ý tưởng âm nhạc mới, các tài năng trẻ, các trào lưu âm nhạc manh nha chập chững trước mọi "cơn sấm sét" nhiều định kiến. Chất thủ lĩnh của Hồng Đăng thể hiện rõ ở sự dám chịu trách nhiệm cá nhân - còn khá xa lạ trong quản lý văn hoá ở Việt Nam.

Năm 1994, cùng với một số nhạc sỹ "trẻ", ông tổ chức 4 đêm nhạc "Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam". Một cuộc "tổng kết âm nhạc" hoành tráng và công phu chưa từng có từ khi có nền tân nhạc cho đến thời điểm đó.

4 đêm Nhà hát Lớn rực rỡ và bùng cháy

Sau đó là cơn mưa gạch đá đến từ cả ba bề bốn bên. Các nhạc sỹ phía Nam phê phán BTC thiên vị, bỏ người này lấy người kia, vĩ đại như Trịnh Công Sơn sao cũng chỉ được 1 bài? Các nhạc sỹ phía Bắc thắc mắc sao có nhiều tên tuổi "có vấn đề" ở hải ngoại cũng được đưa lên sân khấu? Các ý kiến quy chụp, nâng quan điểm, đơn thư khiếu nại tố cáo bay rào rào. Ông Đăng bình tĩnh nhận hết. Tạp chí Âm nhạc do ông trực tiếp làm Tổng biên tập đăng hết tất cả các loại ý kiến trái chiều của mọi bên. Ông vẫn cười thật tươi, thật hiền: Rồi công chúng sẽ quyết định sức sống của tác phẩm, cãi cọ làm gì, để sức mà viết đi.

Nhiều năm tiếp theo, Tạp chí Âm nhạc do ông làm Tổng Biên tập đều đặn đăng tải các sáng tác mới, các chân dung nhạc sỹ, ban nhạc, ca sỹ mới. Các cuộc tranh luận cũng được ông cho khơi mào và "tiếp lửa", bất chấp cả VTV1 hay các báo "nghiêm ngắn" phê phán gay gắt vì "không đúng định hướng". Ông Đăng không thanh minh, cần thì làm giải trình. Nhưng ông vẫn tiếp tục theo cách mà ông cho là đúng.

Trong nhiều cuộc vận động "mở danh sách cấm" các bài hát trước 1975, các nhà tổ chức biểu diễn và báo chí vẫn nhớ đến vị "trọng tài" lãnh đạo Hội Nhạc sỹ, mỗi khi các quan chức lãnh đạo địa phương nổi hứng cấm bất thình lình. "Chiêu" hay nhất là nhờ ông Đăng gọi điện "cái này chưa có trong danh sách lưu hành nhưng cũng không có trong danh sách cấm. Cá nhân tôi thấy nó là bài hát tình cảm, giai điệu nhẹ nhàng, không vấn đề gì đâu".

Và thế là đêm diễn trót lọt

Đường về hoàng hôn nắng đã tắt, Hoa Sữa thơm mãi Thành phố tuổi thơ ảnh 4

Với nhà văn Nguyễn Quang Sáng - ông là người bạn rất thân. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Chỉ ông Đăng vẫn ngồi cười hiền dưới gốc sấu trong sân nhà 51 Trần Hưng Đạo, và phân phát bật lửa, bút bi cho khách đến chơi sân 51.

Ông đi rồi, bao nhiêu người sẽ nhớ về ông, với hàng ngàn kỷ niệm đẹp, dịu dàng, nhân ái.

Ông đã sống một cuộc đời thật vui, ý nghĩa đến những giây cuối cùng, vì ông đã yêu cuộc đời này biết bao nhiêu, và được cuộc đời yêu lại cũng thật nhiều. Cuộc đời đã cho ông người vợ thật đẹp và tần tảo, người đã bán cả mảnh đất dành dụm để dưỡng già làm đêm nhạc cho ông vì sợ ông ốm nặng không kịp nhìn tác phẩm của mình lên "Con đường âm nhạc" trên sóng truyền hình, người 20 năm nay bền bỉ chở ông sau xe máy đến các cuộc hàn huyên bè bạn cho ông vui, người lúc nào cũng thấy ông đẹp trai nhất trái đất, dù Hoa Sữa hay Đường về hoàng hôn đều viết tặng người khác, viết lúc chị chưa có trong đời ông.

Và như thế, Hồng Đăng đã ra đi trong hạnh phúc, để bắt đầu một hành trình hạnh phúc khác. Chiều nay biển hát chào ông, hoa sữa chào ông, tiếng ve chào ông - người nhạc sỹ hiền tài.

Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
(Ngày Nay) - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế một công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán nguồn gốc của các khối u khó xác định với độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua khả năng phán đoán của các nhà bệnh lý học.
Lên Tinder để tìm việc
Lên Tinder để tìm việc
(Ngày Nay) - Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự cạnh tranh khốc liệt, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác như một công cụ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Đức Phật và những di huấn sau cùng
Đức Phật và những di huấn sau cùng
(Ngày Nay) - Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn. Nhưng Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
(Ngày Nay) - Người tu không nên bất cẩn, mà phải luôn quan tâm đến cơ hiềm của thế gian, tránh để người đời đánh mất niềm tin vào Tam bảo. Phật dạy: “Luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong Chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát”.
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
(Ngày Nay) - Tôn kính là sự kính trọng cao tột. Khi tôn kính điều gì thì điều ấy trở thành thiêng liêng, là ngọn đuốc sáng soi đường, là biểu tượng cao cả để hướng đến. Mỗi người có đối tượng tôn kính khác nhau để dẫn lối cho cuộc đời.