Theo ông Michel, quan hệ an ninh giữa Liên minh châu Âu (EU) và Washington đã được củng cố kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra. “Hai bên đã phối hợp ở mức chưa từng thấy trong cuộc chiến ở Ukraine”, quan chức EU trên trả lời phỏng vấn với tờ Corriere della Sera của Italy hôm 3/11.
Nhưng điều trên rõ ràng không đúng đối với vấn đề hợp tác kinh tế. Chủ tịch Hội đồng châu Âu chỉ ra rằng tác động của cuộc xung đột đối với Mỹ không giống như đối với châu Âu.
Theo ông, mọi thứ dễ dàng hơn đối với Mỹ vì nước này là nhà xuất khẩu tài nguyên năng lượng, cũng như được hưởng lợi từ giá dầu mỏ và khí đốt tăng vọt. Trong khi đó, EU phải trả cái giá đắt hơn, thậm chí là đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế.
Ông Michel giải thích: “Các ngành công nghiệp châu Âu phải chi trả nhiều tiền hơn cho năng lượng và đối mặt với cạnh tranh từ các ngành công nghiệp Mỹ”.
Mới đây, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã thông qua Đạo luật Giảm lạm phát, qua đó đưa ra các khoản trợ cấp và giảm thuế khổng lồ cho các doanh nghiệp xanh. EU bày tỏ lo ngại rằng kế hoạch này cuối cùng có thể thu hút các doanh nghiệp châu Âu đến Mỹ do giá năng lượng ở đó thấp hơn nhiều.
Nhận xét Washington vẫn luôn đặt lợi ích kinh tế của họ làm ưu tiên hàng đầu, ông Charles Michel nói rằng: "Chính sách có đi có lại và một sân chơi bình đẳng là yếu tố cần thiết để khái niệm toàn cầu hóa có thể hoạt động”. Ông đồng thời bày tỏ hy vọng EU có thể tham gia thảo luận về hợp tác chung với Mỹ trong những tuần tới.
Hồi cuối tháng 11, tờ Politico dẫn lời một quan chức cấp cao của EU cáo buộc chính quyền Mỹ trục lợi từ cuộc chiến ở Ukraine. Quan chức giấu tên đó khẳng định Mỹ đang thu lợi nhiều nhất từ cuộc xung đột vì họ đang bán nhiều khí đốt hơn với giá cao hơn, cũng như là bán được nhiều vũ khí hơn.