Hội nghị cấp cao EU tổ chức tại thành phố Brussels (Bỉ) hôm qua đã đưa vấn đề bảo mật thông tin người dùng trên mạng xã hội vào chương trình nghị sự, theo AFP. Tuyên bố chung sau cuộc họp nêu rõ: “Mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số cần bảo đảm sự minh bạch và bảo vệ đầy đủ quyền riêng tư cũng như dữ liệu cá nhân của người dùng. Chúng tôi xem xét vấn đề này rất nghiêm túc. Luật pháp EU và các nước thành viên phải được tôn trọng và thực thi”.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ ít ngày sau khi vụ bê bối lộ thông tin của 50 triệu người dùng Facebook liên quan đến Công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica (trụ sở tại Anh) bị truyền thông phanh phui. Trong lúc các nhà lãnh đạo EU nhóm họp, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani cũng đề nghị ông chủ Facebook Mark Zuckerberg tới làm rõ thông tin.
Ông Tajani cho rằng nếu ông Zuckerberg không trả lời các câu hỏi của nghị viện châu Âu thì sẽ là một sai lầm lớn. “Chúng tôi muốn biết liệu trong cuộc bầu cử Mỹ và cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở Anh, có ai dùng dữ liệu người dùng để thay đổi ý kiến của công dân hay không”, ông Tajani nói. Trước đó, Ủy ban Công nghệ, Văn hóa và Thể thao Anh đã phát lệnh triệu tập, còn Bộ Tư pháp Đức cho biết sẽ mời người sáng lập Facebook tới cung cấp thông tin vụ bê bối trên. Đến nay, ông Zuckerberg vẫn chưa bình luận gì, dù đã lên tiếng xin lỗi người dùng qua thư gửi báo chí ngày 22.3.
Cũng liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin, EU đang lên kế hoạch siết chặt luật bảo vệ người tiêu dùng đối với mạng xã hội như Facebook và nhà cung ứng dịch vụ thư điện tử như Gmail. Dự thảo luật tiêu dùng nhấn mạnh với giá trị kinh tế ngày càng tăng của dữ liệu cá nhân thì những dịch vụ như lưu trữ đám mây, thư điện tử không còn đơn giản là miễn phí. Trước nay các dịch vụ này yêu cầu người dùng cung cấp dữ liệu cá nhân thay vì trả phí bằng tiền.
Theo Reuters, dự luật còn cho phép cơ quan hữu trách thuộc các nước thành viên EU thu tiền phạt tới 4% doanh thu hằng năm của tập đoàn công nghệ vi phạm. Hiện tại Anh, mức phạt cao nhất là 705.000 USD, không đáng kể so với doanh thu 40,65 tỉ USD của Facebook trong năm 2017. Điều này phù hợp với Quy định bảo vệ dữ liệu chung sắp có hiệu lực tại EU vào ngày 25.5 tới.
Cũng trong những ngày qua, EU đưa ra đề xuất đánh thuế mới đối với những gã khổng lồ công nghệ. Theo thông tin trên trang web chính thức của Ủy ban Châu Âu (EC), “thuế kỹ thuật số” sẽ đánh vào doanh thu tạo ra từ các hoạt động có vai trò quan trọng của người dùng như tiền bán quảng cáo trực tuyến, bán dữ liệu từ thông tin do người dùng cung cấp. Bên cạnh đó, doanh thu công ty thu về từ việc người dùng tương tác nhau trên nền tảng kỹ thuật số góp phần tạo điều kiện bán sản phẩm hoặc dịch vụ cũng sẽ bị đánh thuế. Những quy định thuế “gián tiếp” này được đề xuất áp dụng với các công ty có tổng doanh thu toàn cầu từ 750 triệu euro và tại thị trường EU là 50 triệu euro. Đề xuất sẽ sớm được trình lên Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu, theo AFP.
Theo Thanh Niên