Vì thế, việc Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, đồng thời Washington cũng nhắm vào doanh nghiệp của các nước EU nếu có quan hệ kinh tế với Tehran.
Tuy nhiên, ngày 11/1, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại bà Federica Mogherini tiếp tục khẳng định tính nhất quán của khối này là Mỹ không thể cản trở "quan hệ thương mại hợp pháp" giữa EU và Iran.
Trong trả lời phỏng vấn Trung tâm Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR), bà Mogherini nhấn mạnh: "Châu Âu không thể chấp nhận việc một cường quốc nước ngoài, ngay cả khi đó là một nước đồng minh và là người bạn thân thiết, được đưa ra quyết định về mối quan hệ thương mại hợp pháp giữa chúng tôi và quốc gia khác".
Trước đó, ngày 5/1, Bộ Ngoại giao Iran đã lên tiếng chỉ trích EU vì chậm trễ trong việc thiết lập cơ chế Phương tiện vì Mục đích Đặc biệt (SPV), nhằm thúc đẩy các giao dịch không sử dụng đồng USD với Tehran và né tránh các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Đức đang bị Nga "cầm tù" vì sự phụ thuộc năng lượng, và kêu gọi ngừng dự án đường ống dẫn khí đốt mang tên Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 11 tỷ USD.
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa Gazprom với năm công ty của châu Âu. Khi hoàn thành (muộn nhất vào cuối năm 2019), các đường ống này hàng năm sẽ chuyên chở 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên EU thông qua Biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine. Các nước Đức, Thụy Điển, Áo và Pháp đã cấp phép xây dựng dự án này.
Phản ứng trước phát biểu của Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 10/1 cho biết việc Mỹ trừng phạt dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ là lựa chọn sai lầm trong khi tìm cách giải quyết tranh cãi về nguồn cung năng lượng.
Ngoại trưởng Maas khẳng định: "Vấn đề chính sách năng lượng của châu Âu do châu Âu quyết định, chứ không phải Mỹ. Việc đơn phương áp đặt trừng phạt chống Dòng chảy phương Bắc 2 chắc chắn là cách không nên làm".
Điều đó cho thấy, EU ngày càng nói không với Mỹ trên nhiều vấn đề, trong đó có liên quan đến JCPOA cũng như sự hợp tác năng lượng với Nga.