Theo tờ Politico, các quan chức EU đang xem xét đề nghị bồi thường tài chính cho Hungary trong nỗ lực thuyết phục Thủ tướng Viktor Orban ký thông qua các biện pháp trừng phạt do khối này đề xuất đối với dầu mỏ của Nga.
Tờ báo dẫn nguồn từ ba quan chức EU cho biết số tiền này có thể được chuyển đến Budapest như một phần trong chiến lược năng lượng mới của khối - dự kiếnđược công bố vào tuần tới nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Việc cắt đứt thị trường châu Âu đối với xuất khẩu dầu mỏ của Nga được coi là yếu tố quan trọng để hạn chế nguồn thu khổng lồ giúp Moskva chi phí cho cuộc chiến ở Ukraine.
Việc đảm bảo sự ủng hộ của Hungary đối với kế hoạch chặn tất cả các hoạt động nhập khẩu nhiên liệu thô và tinh chế của EU từ Nga là rất cần thiết để duy trì mục tiêu chính trị của những hành động phản đối mạnh mẽ và thống nhất của châu Âu đối với hành động quân sự của Nga ở Ukraine.
Tuy nhiên cho đến nay Thủ tướng Hungary Orban vẫn bác bỏ các lệnh trừng phạt của toàn EU đối với dầu mỏ Nga kể từ khi chúng được đề xuất vào ngày 4/5. Ông Orban cho rằng việc chấm dứt nhập khẩu dầu từ Nga sẽ giống như thả một "quả bom hạt nhân" xuống nền kinh tế Hungary.
Các cuộc đàm phán giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Orbán hôm 9/5 đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, và một hội nghị qua video dự kiến diễn ra ngày 10/5 đã bị hủy bỏ.
Kế hoạch trừng phạt gần đây nhất của EU, được chuyển đến các nước thành viên hôm 8/5, dự kiến sẽ trao cho Hungary và Slovakia, hai quốc gia không giáp biển và phụ thuộc lớn vào dầu của Nga – thời hạn đến cuối năm 2024 phải tuân thủ lệnh cấm dầu mỏ Nga. Thời hạn này lâu hơn tới 2 năm so với phần còn lại của EU. Cộng hòa Séc sẽ có thời hạn đến cuối tháng 6/2024.
Về phần mình, Hungary tuyên bố họ cần thêm thời gian để giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu của Nga. Các quan chức Hungary nói rằng để tránh kéo dài thời gian hơn nữa, một hình thức bồi thường tài chính cũng có thể được xem xét.
Liên quan đến vòng trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga, không chỉ Hungary mà một số quốc gia khác cũng đang e ngại, tìm kiếm những giải pháp miễn trừ cấm vận dầu mỏ Nga với đất nước mình để đảm bảo an ninh năng lượng.
Trả lời phỏng vấn hôm 4/5, Phó Thủ tướng Bulgaria Assen Vassilev cho biết Bulgaria sẽ xin miễn trừ lệnh cấm vận dầu mỏ do Liên minh châu Âu đề xuất, nếu yêu cầu này được cho phép. Neftochim Burgas - nhà máy lọc dầu duy nhất của Bulgaria thuộc sở hữu của Tập đoàn dầu mỏ Lukoil (Nga) - là nhà cung cấp nhiên liệu chính ở Bulgaria. Nhà máy này tinh chế khoảng 50% dầu thô của Nga và 50% dầu thô từ các nguồn cung khác.
Slovakia và Cộng hòa Séc cũng đang tìm kiếm quyền miễn trừ tương tự. Bộ Kinh tế Slovakia tuyên bố: “Nếu nói đến lệnh cấm vận dầu mỏ Nga theo một phần của gói trừng phạt nhằm vào Moskva, Slovakia sẽ yêu cầu được miễn trừ”. Cơ quan này cho biết Slovakia không thể thực hiện tinh chế các loại dầu khác ngay lập tức và việc chuyển đổi công nghệ rất khó khăn, cả về tài chính và thời gian. Nước này cần có giai đoạn chuyển giao kéo dài 3 năm để có thể ngừng hoàn toàn nhập khẩu dầu Nga.