Facebook đã giới thiệu "Facebook News" đến Vương quốc Anh chỉ hơn một năm sau khi mục này được triển khai lần đầu tiên ở Mỹ.
Facebook News đại diện cho nỗ lực mới nhất của gã khổng lồ truyền thông xã hội nhằm cung cấp cho người dùng tin tức đáng tin cậy, đồng thời khiến các nhà xuất bản và các cơ quan quản lý hài lòng.
Dự án tin tức lớn trước đây của họ, Instant Articles - hứa hẹn với các nhà xuất bản một phần doanh thu quảng cáo hợp lý để đổi lấy nội dung của họ lại thất bại. Trong những năm sau khi ra mắt vào năm 2015, một loạt các tòa soạn lớn bắt đầu rút khỏi dự án này.
Ví dụ, The Guardian đã ngừng cung cấp nội dung của mình thông qua Instant Articles vào năm 2017, với lý do lợi nhuận tài chính “tồi tệ”. Vào năm 2018, một cuộc điều tra của tổ chức Tow Center cho thấy hơn một nửa các tờ báo tham gia Instant Articles ban đầu không còn hợp tác với Facebook nữa.
Đến năm 2019, Facebook bắt đầu nói chuyện với các nhà xuất bản về việc trả tiền để cấp phép nội dung của họ. Wall Street Journal, một thành viên tham gia vào Facebook News, cho biết vào thời điểm đó rằng các nhà xuất bản lớn nhất - bao gồm New York Times, ABC News, Washington Post và Bloomberg, đang nhận được 3 triệu USD một năm.
Facebook thông báo ra mắt Facebook News tại một số địa điểm nhất định trên khắp nước Mỹ vào tháng 10 năm 2019 và mở rộng trên toàn quốc vào tháng 6 năm 2020.
Hiện hãng có kế hoạch triển khai Facebook News tới Anh, Đức, Pháp, Ấn Độ và Brazil và ra mắt tại Vương quốc Anh vào tháng 1 năm 2021.
Trả lời tờ Press Gazette, nguồn tin từ một tờ báo đô thị lớn của Mỹ nhận định rằng cơ hội đăng ký Facebook News vào năm 2019 là một điều “không cần bàn cãi”.
Các tòa soạn cỡ lớn được cung cấp một hợp đồng ba năm, trị giá 500.000 USD/năm, để cấp phép một số nội dung của họ cho Facebook. Tùy vào quy mô để các tòa soạn được cung cấp hợp đồng tương ứng, trong khi các tập đoàn truyền thông quốc gia lớn được cho là đang kiếm được hàng triệu USD mỗi năm.
Một số tòa soạn vẫn muốn có thêm tiền từ Facebook, đặc biệt là trong tương lai. Tuy nhiên khoản thanh toán 500.000 USD đối với các tòa báo cỡ vừa và nhỏ là con số cực kỳ ấn tượng.
Tuy nhiên, thỏa thuận ngắn được ký với Facebook vẫn mang tính bắt buộc "lấy hoặc không", với rất ít chỗ để đàm phán và thời hạn chấp nhận khó khăn.
Sau khi ký thỏa thuận để xuất hiện trên Facebook News, các tòa soạn có một thiết lập một phần nhỏ (khoảng 10%) nội dung của họ được cung cấp tự động trên nền tảng.
Quay trở lại với nguồn tin từ một tờ báo đô thị ở Mỹ, người này cho rằng họ vẫn thu được ít lợi nhuận từ mối quan hệ với Facebook, ngoài khoản thanh toán 500.000 USD một năm. Sự hiện diện của họ trên Facebook News chỉ tạo ra sự khác biệt nhỏ đối với lưu lượng truy cập trang web.
Họ cũng thừa nhận rằng quyết định trả tiền cho nội dung của Facebook có thể là một động thái chính trị có tính toán, với việc gã khổng lồ truyền thông xã hội phải đối mặt với các cuộc đàn áp của giới lập pháp trên toàn thế giới.
“Đó là một động thái PR của Facebook. Họ đang cố gắng tìm ra số tiền họ cần để cung cấp cho chúng tôi. Thẳng thắn mà nói, họ đang cố gắng ngăn chúng tôi nhận được doanh thu cấp phép thực sự có ý nghĩa từ các nền tảng khác", nguồn tin cho biết/
Một nguồn tin khác, đại diện cho một ấn phẩm lớn hơn hợp tác với Facebook News, tỏ ra tích cực hơn về trải nghiệm này.
Cùng với việc được Facebook cung cấp các khoản thanh toán cao hơn, các tòa soạn lớn dường như được hưởng lợi từ việc hiển thị nhiều nội dung hơn trên mục tin tức.
“Nếu bạn muốn nhận được lưu lượng truy cập và hiển thị trên các sản phẩm này, bạn phải chuyển sang mô-đun tin bài hàng đầu, đây thường là trải nghiệm đầu tiên mà người dùng có khi họ mở ứng dụng. Nếu bạn không nắm được những tin bài hàng đầu, tôi có thể thấy đó là một trải nghiệm đáng thất vọng".
Ngoài ra, sự hiện diện mạnh mẽ trên Facebook News đã giúp ấn phẩm của họ tiếp cận với lượng độc giả lớn hơn. “Facebook có phạm vi tiếp cận khổng lồ. Mọi người đều đang cố gắng lấp đầy kênh của họ và có được người dùng mới và chúng tôi cũng không ngoại lệ”.
Meredith Kopit Levien, giám đốc điều hành của New York Times Company, cho biết New York Times (NYT), tòa soạn từng bỏ qua mục Instant Articles, đã xem xét một số yếu tố khi quyết định có hợp tác với Facebook, bao gồm cả việc làm như vậy có thúc đẩy hoạt động kinh doanh và giúp công ty kiếm tiền từ nội dung của mình hay không.
Ngoài ra, NYT đã bắt đầu suy nghĩ về việc liệu các nền tảng mạng xã hội có cung cấp “đền bù thỏa đáng” hay không khi nhận thấy thực tế “việc sản xuất báo chí chất lượng, báo chí nguyên bản là vô cùng đắt đỏ và cần nhiều công sức”.
David Chavern, người đứng đầu Liên minh Truyền thông Tin tức, đại diện cho các nhà xuất bản trên khắp nước Mỹ, cho biết điều tích cực là Facebook News đang mở rộng sang Vương quốc Anh.
“Việc tung ra Facebook News Tab ở Vương quốc Anh là một điều tốt. Nhưng họ đã không trả đủ tiền cho các tòa soạn ở Mỹ", ông Chavern nói. "Facebook đang trả tiền cho một số nhà xuất bản lớn và khiến phần lớn hệ sinh thái tin tức địa phương bị loại khỏi thỏa thuận.
Như các nghiên cứu điển hình ở trên cho thấy, đối với nhiều nhà xuất bản, việc đăng ký Facebook News là một điều “không cần bàn cãi”.
Trong khi một số tờ báo dường như không nhận được nhiều lưu lượng truy cập từ việc đăng nội dung trên Facebook News, các tòa báo lớn hiện có một nguồn doanh thu mới.
Cụ thể, đại diện tờ New York Times tỏ ra hài lòng với cả thỏa thuận và cơ hội tiếp cận lượng khán giả mới.
Tuy nhiên, trong khi các khoản thanh toán hiện tại chỉ để lấp đầy chỗ trống, các đơn vị kinh doanh tin tức muốn có nhiều hơn nữa từ mối quan hệ của họ với Facebook. Và với việc các chính phủ đang đổ dồn chú ý vào "gã khổng lồ" truyền thông xã hội này, các tòa báo chắc chắn sẽ mong đợi ký kết các hợp đồng cấp phép lớn hơn trong tương lai gần.