Phát biểu tại buổi công bố báo cáo “Chi tiêu công cho lương thực và nông nghiệp ở châu Phi cận Sahara”, Tổng giám đốc FAO Qu Dongyu cảnh báo tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng trong lĩnh vực nông sản của châu Phi đã làm gia tăng mất an ninh lương thực. Vấn nạn này cản trở sự phát triển trong tương lai của các quốc gia trên khắp lục địa.
Ông Qu Dongyu cho rằng các nguồn dự trữ phải đem ra sử dụng và hệ thống tài chính công cần được sắp xếp hợp lý, tránh tiêu hao các nguồn lực khan hiếm. Ngoài ra, FAO cũng cho biết báo cáo phân tích trong 15 năm đã làm sáng tỏ khoảng cách giữa các cam kết chính trị lâu dài và thực tế tài chính mà 13 quốc gia cận Sahara phải đối mặt.
Theo FAO, tại các cuộc họp của các nước thành viên Liên minh châu Phi (AU) bắt đầu từ năm 2003, các quốc gia đã cùng cam kết sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội bằng cách dành 10% ngân sách quốc gia cho lương thực và nông nghiệp, tuy nhiên cam kết này vẫn chưa đạt được những kết quả thiết thực. Cuộc khảo sát của Chương trình Giám sát và Phân tích chính sách nông nghiệp và lương thực (MAFAP) - một sáng kiến của FAO nhằm theo dõi chi tiêu công ở các nước châu Phi cho thấy chỉ có Malawi đạt được mục tiêu chi 10% ngân sách một cách nhất quán. Mali đã đạt được mục tiêu đó trong vài năm, tuy nhiên, các nước Benin, Burkina Faso, Burundi, Ethiopia, Ghana, Kenya, Mozambique, Rwanda, Senegal, Tanzania và Uganda, chưa bao giờ đạt được. Với một số nước châu Phi, chi cho nông nghiệp và lương thực chỉ chiếm 3% ngân sách quốc gia. Nhìn chung, rất ít quốc gia có khả năng thực hiện được cam kết đã đề ra cho phát triển nông nghiệp và lương thực.
Thiếu năng lực thực hiện cũng khiến cho 1/5 nguồn kinh phí không được giải ngân. Theo báo cáo, phần lớn chi tiêu quốc gia cho lương thực và nông nghiệp ở châu Phi là trợ cấp cho phân bón, công cụ và các nguyên liệu đầu vào khác. Các trợ cấp này theo FAO đánh giá là có xu hướng giảm dần lợi nhuận theo thời gian.