Tháng trước, truyền thông Indonesia đưa tin về 8 phụ nữ Indonesia trốn sang Syria để tham gia hàng ngũ IS. Tháng 12/2016, cảnh sát Indonesia ngăn chặn các cuộc tấn công đánh bom tự sát do Dian Yulia Novi thực hiện ở Jakarta và Ika Puspitasari ở Bali. Hai phụ nữ này được biết đến là những nữ chiến binh IS đầu tiên mang quốc tịch Indonesia.
Lies, nhân viên một tổ chức phi chính phủ ở Indonesia, theo dõi và phỏng vấn 20 phụ nữ đã hoặc đang tham gia các nhóm cực đoan và nhận thấy họ đều là những người độc lập, tự tin, có giáo dục. Cô cho biết, họ đều muốn chứng tỏ bản thân và không ngại ngần xuất hiện trước đám đông. Theo truyền thống, các nữ chiến binh IS bị giới hạn trong việc nhà, sinh nở, nuôi dạy con cái. Nhưng các nữ chiến binh thế hệ mới đóng vai trò quan trọng và nguy hiểm không kém nam chiến binh. Những nữ chiến binh trẻ thường luôn muốn chứng tỏ rằng mình không thua kém, thậm chí mạnh mẽ hơn nam giới. Họ là những nhân vật chủ chốt trong các vụ cướp ngân hàng, đánh bom khủng bố.
Dụ dỗ qua mạng xã hội
Theo Viện Phân tích chính sách xung đột (Ipac), sự gia tăng hoạt động của các nữ chiến binh IS ở Iraq và Syria cũng như sức hấp dẫn của IS là do bị ảnh hưởng bởi phương tiện truyền thông xã hội. Một báo cáo gần đây của Ipac có tựa đề “Từ bà mẹ đến kẻ đánh bom: Bước tiến mới của phụ nữ cực đoan ở Indonesia” cho thấy sự phổ biến của phương tiện truyền thông xã hội và các ứng dụng trò chuyện trên mạng đã thu hút được một lượng phụ nữ tuy nhỏ nhưng chuyên nghiệp tham gia đội quân IS ở nước ngoài.
Dian Yulia, kẻ đánh bom tự sát đầu tiên của Indonesia, từng làm giúp việc ở Đài Loan. Yulia liên hệ với một người ủng hộ IS trên Facebook, người này sau đó dẫn cô đến làm quen với nhà tuyển dụng hàng đầu của IS tại Indoneisa. Tương tự, Syaikhah Izzah Al Ansari, 22 tuổi, trở thành người phụ nữ Singapore đầu tiên bị bắt giam vì bị nghi ngờ đi theo chủ nghĩa cực đoan thông qua những tuyên truyền trực tuyến. Cô chia sẻ tài liệu về IS trên các phương tiện truyền thông xã hội. Thông tin mà cô nhận được trên phương tiện truyền thông xã hội giúp cô có những ý tưởng và mở ra viễn cảnh kết hôn với một người chồng IS.
Leefa và Nur, hai trong số 8 phụ nữ Indonesia trốn sang Syria gia nhập hàng ngũ chiến binh IS, cho biết, họ đã được hứa hẹn hoàn vé, chăm sóc sức khoẻ miễn phí và công việc thông qua một đại diện IS qua Internet. Nhưng khi đến nơi, họ thất vọng hoàn toàn và mong được trở về quê hương.
Theo bà Lies, việc các tổ chức chính phủ và nhà nghiên cứu chống khủng bố vẫn không coi phụ nữ là một phần quan trọng trong hàng ngũ IS là một sai lầm chết người và phải trả giá lớn. Nhà phân tích khủng bố Sidney Jones cho rằng, các vụ tấn công khủng bố dã man thời gian gần đây đều được thực hiện bởi các nữ chiến binh IS. Bà cho biết, nữ chiến binh thuận lợi hơn vì họ có thể giấu bom trong người mà không bị nghi ngờ như nam giới.