Giờ đây, giống như hầu hết các nữ sinh trung học trên cả nước, Amena đã phải ngồi nhà suốt một tháng qua do chính quyền Taliban chưa cho phép các nữ sinh quay trở lại trường học.
"Em muốn được học tập, gặp gỡ bạn bè và có một tương lai tươi sáng, nhưng giờ em không được phép", Amena nói. "Tình trạng này khiến em cảm thấy rất buồn và tức giận."
Vào ngày 18/9, nhà cầm quyền mới của Afghanistan đã ra lệnh cho các giáo viên nam và học sinh nam từ 13 tuổi trở lên trở lại trường học. Tuy nhiên, thông báo không hề đề cập đến giáo viên nữ hoặc nữ sinh.
Taliban sau đó cho biết các nữ sinh có thể trở lại trường cấp hai, nơi hầu hết các lớp học được chia theo giới tính, nhưng chỉ khi tình hình an ninh được đảm bảo.
Bộ trưởng Giáo dục mới của Afghanistan thông báo bộ quy tắc cho phép tất cả trẻ em gái trở lại các trường trung học sẽ sớm được công bố, một giám đốc điều hành cấp cao của UNICEF cho biết.
Trong khi đó, các trường tiểu học đã mở cửa trở lại cho tất cả trẻ em và phụ nữ có thể theo học tại các trường đại học tư thục, chỉ cần tuân thủ các quy định khắt khe về ăn mặc và đi lại.
Amena sống chỉ cách trường trung học Sayed Al-Shuhada của cô bé một quãng đi bộ ngắn, nơi 85 người, chủ yếu là các nữ sinh, thiệt mạng trong vụ đánh bom hồi tháng 5.
"Họ đều là những người vô tội. Em đã tận mắt chứng kiến nhiều người bị thương và hấp hối. Tuy nhiên, em vẫn muốn đến trường một lần nữa", Amena quả quyết nói.
Thỉnh thoảng, có một vài chuyên gia tâm lý tới giúp đỡ em gái Amena, hiện vẫn còn khủng hoảng sau khi trải qua vụ đánh bom tại trường học.
"Họ nói nếu không thể đến trường, bọn em hãy tự học ở nhà để có thể trở thành một người nào đó trong tương lai", Amena cho biết, người anh của cô bé cũng thường mang sách truyện về nhà cho các em đọc.
Nhưng Amena không hiểu tại sao con trai được đi học còn con gái thì không.
"Một nửa xã hội được tạo thành từ các bé gái và nửa còn lại là các bé trai. Không có sự khác biệt giữa họ", Amena thắc mắc. "Tại sao bọn em không thể đi học? Tại sao chỉ có con trai mới có tương lai?"
Sau khi chính quyền Taliban bị lật đổ vào năm 2001, việc giáo dục trẻ em gái Afghanistan đã đạt được nhiều tiến bộ.
Số trường học tăng gấp 3 lần và tỷ lệ nữ giới biết chữ tăng gần gấp đôi lên 30%, nhưng sự tiến bộ phần lớn chỉ giới hạn ở các thành phố.
Nasrin Hasani, một giáo viên 21 tuổi tại Kabul, hiện đang giúp đỡ các học sinh tiểu học cho biết: “Phụ nữ Afghanistan đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong 20 năm qua."
"Nhưng tình hình hiện tại đã khiến chúng tôi thất vọng", Hasani nói. "Theo như tất cả chúng ta đều biết, đạo Hồi chưa bao giờ cản trở việc học hành và công việc của phụ nữ."
Hasani cho biết cô vẫn hy vọng rằng chính quyền Taliban mới sẽ "khác một chút" so với chế độ hà khắc trước đây.